Thị trường

Siêu thị nào chiếm thị phần cao nhất tại Việt Nam?

Deloitte nhận định, kênh siêu thị hiện là cuộc chơi của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước, trong đó Saigon Co.op và Bách Hóa Xanh chiếm thị phần cao nhất.

Siêu thị nào chiếm thị phần cao nhất tại Việt Nam?

Theo báo cáo "Ngành bán lẻ Việt Nam: Chuyển dịch nhanh sang mô hình bán hàng đa kênh" mới công bố của Deloitte, tính đến hết năm 2019, cả nước có 3.450 siêu thị, với tổng diện tích sàn lên đến hơn 1,6 triệu m2. Khác với các mô hình bán lẻ còn lại, kênh siêu thị ghi nhận mức tăng trưởng doanh số cao nhất vào năm 2019, đạt 16%.

Trong đó, Saigon Co.op và Bách Hóa Xanh lần lượt chiếm 43% và 14% thị phần. Sự phát triển ổn định trong 4 năm qua của các doanh nghiệp bán lẻ trong nước được cho là nhờ sự am hiểu thị trường nội địa, cũng như việc đẩy mạnh cung cấp các sản phẩm mang nhãn hiệu riêng.

Nguồn: Deloitte, Euromonitor.

Trong khi đó, ở phân khúc đại siêu thị với 58 điểm bán, chuỗi Big C của Thái Lan chiếm 57,6% thị phần. Saigon Co.op là tên tuổi Việt Nam duy nhất cạnh tranh với các thương hiệu đại siêu thị quốc tế như Lotte Mart, Aeon Mall và E-Mart.

Theo Deloitte, trong giai đoạn Covid-19, mảng siêu thị và đại siêu thị ghi nhận sức mua tăng mạnh, hơn hẳn các mô hình bán lẻ truyền thống. Lý do là sự đa dạng mặt hàng ở những điểm bán này, giúp người dân giảm đi lại và tiếp xúc với nguy cơ nhiễm bệnh.

Báo cáo nêu ví dụ về Saigon Co.op. Lượt khách đặt hàng qua điện thoại tăng 4-5 lần, còn số lượt ghé thăm trang thương mại điện tử của hệ thống bán lẻ này tăng 10 lần kể từ tháng 1.

Tuy vậy, nhìn chung, Deloitte đánh giá người tiêu dùng thành thị vẫn ưa chuộng siêu thị và cửa hàng tiện lợi hơn vì sự tiếp cận dễ dàng của những mô hình này. Đại siêu thị chỉ được tận dụng với những trường hợp mua sắm lượng hàng lớn.

Số cửa hàng tiện lợi trên cả nước năm 2019 đạt 1.289, tăng 101 điểm bán so với năm 2018. Quy mô thị trường nhờ đó lên đến 4,4 nghìn tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng doanh số 18%. Trong đó, chiếm vị thế cao nhất là Family Mart, Circle K và B's Mart với thị phần lần lượt là 21,4%, 20,7% và 9,6%.

Đặc biệt, nghiên cứu của Deloitte cho thấy Covid-19 đã mang nhiều khách hàng mới đến với các cửa hàng tiện lợi. Lượng mua sắm tại kênh này đạt đỉnh điểm vào tháng 3.

Trong khi đó, Việt Nam được cho là thị trường thương mại điện tử bùng nổ, thu hút sự tham gia của hàng loạt doanh nghiệp trong và ngoài nước. Giai đoạn 2016-2019, tổng số vốn rót vào mảng kinh doanh này ước đạt 1 tỷ USD.

Sau Covid-19, một bộ phận lớn người tiêu dùng Việt Nam bắt đầu làm quen với thương mại điện tử, tạo nên nhu cầu mua sắm tăng cao qua kênh này. Deloitte dự báo đây sẽ là xu hướng dài hạn mà các nhà bán lẻ cần chú trọng.

Nói cách khác, Deloitte cho rằng đại dịch Covid-19 đã tạo chuyển dịch mạnh mẽ sang xu hướng mua sắm đa kênh. Với các nhà bán lẻ vốn đã xây dựng kênh bán hàng kết hợp cửa hàng và trực tuyến, báo cáo khuyến nghị họ đầu tư nhiều hơn vào chuyển đổi số số để tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng, tiêu biểu như công nghệ "scan-and-go" (quét mã sản phẩm và thanh toán không tiếp xúc).

Trong khi đó, các doanh nghiệp thương mại điện tử cần tập trung mang đến sự linh hoạt và minh bạch thông tin cho người dùng, như cho phép họ theo dõi quá trình vận chuyển hoặc lựa chọn thời gian nhận hàng.

Tin mới lên