Diễn đàn VNF

Siêu thị nội bị phân biệt đối xử ngay trên sân nhà

(VNF) - Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng các doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang phải chịu nhiều thiệt thòi hơn so với doanh nghiệp ngoại về các chính sách và pháp luật.

Siêu thị nội bị phân biệt đối xử ngay trên sân nhà

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội

Phát biểu tại hội thảo "Phản biện và góp ý xây dựng chính sách – pháp luật: Nhận thức và hành động của cộng đồng doanh nghiệp bán lẻ", ông Vũ Vinh Phú cho rằng "Trong việc hỗ trợ các chính sách thì doanh nghiệp FDI bán lẻ được hỗ trợ nhiều nhất, kể đến là sự hỗ trợ cho doanh nghiệp bán lẻ nhà nước và sau cùng đến sự hỗ trợ ít ỏi cho các cá nhân và tổ chức bán lẻ của các thành phần kinh tế khác, đặc biệt là các doanh nghiệp bán lẻ vừa và nhỏ". Ông Phú nói:

"Một ví dụ, cụ thể 1 số doanh nghiệp FDI đầu tư vào thị trường bán lẻ Việt Nam đã được sự hỗ trợ nhanh chóng các địa điểm tốt để kinh doanh. Được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm đầu hay 50%, trong khi đó, điểm lại các doanh nghiệp bán lẻ nội mở siêu thị không được những ưu đãi đó", ông Phú chia sẻ.

Hay như việc thực hiện chương trình bình ổn giá một số doanh nghiệp nhà nước được hỗ trợ vay vốn lớn nhất, có khi lên đến 50% số vốn bình ổn hàng trăm tỷ 1 năm của 1 thành phố. Trong khi đó, các doanh nghiệp bán lẻ khác tham gia bình ổn hoặc là không được hỗ trợ, hoặc được hỗ trợ một số vốn không đáng kể so với doanh thu thực hiện của họ.

Về việc thu ngân sách, có doanh nghiệp FDI báo lỗ hàng chục năm không có thuế thu nhập doanh nghiệp thì không hoặc rất ít được kiểm tra xử lý, cho đến khi có kiến nghị của hiệp hội các chuyên gia kinh tế thương mại mới tập trung kiểm tra và truy thuế, sai phạm chuyển giá khoảng 500 triệu đồng (Metro Cash & Carry). Còn các doanh nghiệp bán lẻ nội, làm ăn nghiêm túc theo phản ánh của các đơn vị thì chậm nộp sẽ bị nhắc nhở ngay, hạch toán sổ sách phải kịp thời, đầy đủ rõ rõ ràng, hàng chục năm nay chưa có những vụ sai phạm lớn trong các doanh nghiệp bán lẻ kiểu siêu thị của người Việt Nam.

Nói về pháp luật kinh doanh thương mại bán lẻ, chúng ta đã có 1 số luật ban hành liên quan đến lĩnh vực bán lẻ như Luật thương mại, Luật cạnh tranh, Luật bảo vệ người tiêu dùng, Luật vệ sinh an toàn thực phẩm, Luật giá... Một số luật đó đã đi vào cuộc sống một phần, tuy nhiên vẫn còn những vướng mắc. Việc thực thi các luật, nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật liên quan đến bán lẻ còn chậm và hạn chế. Một số luật chưa có, cần phải tiếp tục xây dựng như luật chống độc quyền, luật bán lẻ...

Ví dụ như hiện nay liên tục có các chương trình khuyến mại, hạ giá hàng hóa của các doanh nghiệp bán lẻ FDI, tuy người tiêu dùng phấn khởi song nếu nhìn nhận một cách khách quan thì các doanh nghiệp nước ngoài đang làm suy yếu từng bước các doanh nghiệp bán lẻ nội địa yếu về vốn, chi phí lưu thông, năng suất lao động thấp và ít được sự hỗ trợ hợp lý của nhà nước.

Các hiện tượng độc quyền về xăng, dầu, điện, nước của một số doanh nghiệp nhà nước hiện nay nếu hoạt động kinh doanh không mang tính khách quan, có lợi ích nhóm thì phần thua thiệt thuộc về các doanh nghiệp bán lẻ trong chi phí lưu thông có liên quan đến xăng dầu, điện nước. Nếu nhà nước trong thời gian tới mở rộng phạm vi kinh doanh các mặt hàng trên cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư chắc chắn, hiện tượng độc quyền trên sẽ ngày càng giảm bớt, các chi phí tiêu hao nhiên liệu điện nước sẽ hợp lý hơn, tạo điều kiện, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bán lẻ nội địa.

Nếu nhà nước quan tâm xây dựng những chính sách pháp luật, vì sự phát triển nhanh và vững chắc của các doanh nghiệp bán lẻ. Thực hiện công bằng, minh bạch, cạnh tranh một cách bình đẳng trên thị trường, chắc chắn sẽ đem lại lợi ích cho xã hội và người tiêu dùng, tăng thêm sức mạnh cho các doanh nghiệp bán lẻ ở Việt Nam, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của đất nước".

Tin mới lên