Diễn đàn VNF

'Singapore mất 3 năm tranh cãi kịch liệt về ngành vui chơi có thưởng nhưng đã chơi là chơi lớn, chơi bài bản’

(VNF) - TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho hay một trong những bài học rút ra từ kinh nghiệm của Singapore là làm bài bản, chuyên nghiệp hoạt động vui chơi có thưởng.

'Singapore mất 3 năm tranh cãi kịch liệt về ngành vui chơi có thưởng nhưng đã chơi là chơi lớn, chơi bài bản’

'Singapore mất 3 năm tranh cãi kịch liệt về ngành vui chơi có thưởng nhưng đã chơi là chơi lớn, chơi bài bản’

Sáng nay (23/6) Tạp chí Nhà Đầu tư đã tổ chức hội thảo "Phát triển ngành công nghiệp vui chơi giải trí có thưởng: Thực trạng và giải pháp".

Phát biểu tại hội thảo, TS Võ Trí Thành nhấn mạnh ngành nghề vui chơi giải trí có thưởng (bao gồm casino, đặt cược...) không chỉ có vai trò quan trọng trong du lịch mà còn đóng góp trong vai trò xã hội, làm con người hạnh phúc, giải toả tâm lý căng thẳng, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ông Thành nói rằng khi nhà đầu tư xây dựng sân bay Vân Đồn, vấn đề phát sinh là casino. Khi vào đầu tư sân bay Vân Đồn, nhà đầu tư yêu cầu phải có casino, điều này cho thấy casino với nhà đầu tư rất quan trọng.

Tuy nhiên, với ngành này, ở Việt Nam vẫn còn mâu thuẫn. Cụ thể, về cơ bản, chính quyền ủng hộ nhưng về pháp lý, luật pháp thì còn dè dặt. Nguyên do là nhận thức chưa thể giải toả và lo ngại về vấn đề xã hôi.

"Tôi tiếc là chúng ta đã có một nghiên cứu bài bản về casino nhưng cho đến nay, qua thí điểm, vẫn chưa có tổng kết bài bản đánh giá lại là tác động của nó thế nào tới xã hội. Theo thống kê, năm 2019, 45% số khách vào chơi casino ở Phú Quốc là người Việt nhưng nghiên cứu chưa chỉ rõ nhóm nào vào và có tác động ra sao tới gia đình họ?", ông Thành nói.

Đưa ra ý kiến về cách tổ chức và quản lý hoạt động vui chơi có thường, ông Thành cho rằng ngành nghề này phải dựa vào một vài nguyên tắc.

Nguyên tắc đầu tiên, là cần có tính cạnh tranh quốc tế, vì đây là ngành nghề toàn cầu. Điều này cực kỳ quan trọng và cần được đặt nên hàng đầu.

Nguyên tắc thứ hai là là có vui có thưởng chỉ là một phần của vui chơi giải trí nên phải có tính tổ hợp trong quy hoạch và tổ chức.

Nguyên tắc thứ ba là phải có điều khoản cụ thể về đóng góp trực tiếp ngân sách chỉ dùng cho xã hội. "Ví dụ như ở Singapore, khách vào cửa sòng bạc lớn ở đây phải nộp 100 USD và 100 USD đó được nộp trực tiếp vào quỹ dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và người nghèo" - ông Thành nêu ví dụ.

Nguyên tắc tiếp theo là tổ chức phải minh bạch, chuyên nghiệp và có tính giải trình, cả ở quy trình hoạt động và cách thức tổ chức. "Một phòng xổ số kiến thiết của Bộ Tài chính quản lý hoạt động vui chơi có thưởng hiện nay là chưa đủ", ông nói.

Theo ông Thành, vui chơi có thưởng là ngành kinh doanh có điều kiện nhưng điều kiện ở đây cũng có 2 cách quy định là chọn cho hay chọn bỏ.

"Với ngành này ở nước ta bước đầu nên quy định theo hướng chọn cho không nên chọn bỏ nhưng phạm vi chọn cho phải rộng hơn hiện nay", ông Thành đề xuất.

Vị Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nói rằng từ trường hợp của Singapore, Việt Nam có thể rút ra ba bài học.

Một là tranh cãi kịch liệt để chọn có hay không phát triển ngành này, mất tới 2-3 năm tranh cãi, nhưng khi đã chơi thì chơi lớn, chơi bài bản, chơi chuyên nghiệp.

Tiếp theo là đề cao tính minh bạch và giải trình, luật quy định rõ ràng về các vấn đề xã hội từ quan hệ gia đình, quan hệ xã hội.

Cuối cùng là chính phủ phải quyết tâm làm cho được, không được bỏ ngang, không lắt nhắt, vì lắt nhắt sẽ không ra đâu vào đâu.

Tin mới lên