Tiêu điểm

Số ca mắc Covid gần cán mốc 2 triệu người, Pháp kéo dài lệnh phong tỏa

Cập nhật mới nhất dịch COVID-19 tính đến sáng 14/4 (giờ Việt Nam), thế giới đã có 119.413 người tử vong vì virus SARV-CoV2.

Số ca mắc Covid gần cán mốc 2 triệu người, Pháp kéo dài lệnh phong tỏa

Nhân viên y tế làm việc tại bệnh viện điều trị cho bệnh nhân COVID-19 ở Los Angeles, Mỹ, ngày 9/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo số liệu của trang worldometers.info, tính đến 5h45 sáng 14/4 (theo giờ Việt Nam), 1.920.258 người ở 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới bị nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó 119.413 người đã tử vong. Số người được điều trị khỏi bệnh trên thế giới là 443.786 trường hợp. 

Mỹ đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 với tổng số ca nhiễm bệnh và số ca tử vong cao nhất thế giới. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Mỹ là 584.862 trường hợp và tổng số ca tử vong là 23.555. Trong 4 ngày qua, mỗi ngày Mỹ ghi nhận thêm khoảng 2.000 ca tử vong, chủ yếu ở trong và xung quanh thành phố New York.

Ngoài Mỹ, châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề thứ hai do COVID-19. Tây Ban Nha có số ca mắc COVID-19 lớn thứ hai trên thế giới với 170.099 ca nhiễm và 17.756 ca tử vong, tăng lần lượt là 3268 và 547 ca so với ngày hôm trước.

Italy đứng thứ 3 về số ca nhiễm trên thế giới. Italy thông báo đã ghi nhận thêm 3.153 ca mắc, nâng tổng số ca mắc lên 159.516 trường hợp. Số ca bệnh mới được ghi nhận ở mức thấp nhất kể từ ngày 7/4. Tuy nhiên, số ca tử vong tại nước này đã vượt 20.000 người và hiện ở mức 20.465 ca. Số bệnh nhân hồi phục tăng thêm 1.224 ca, lên 35.435 người. Tổng số bệnh nhân phải điều trị tích cực là 3.260 ca (giảm 83 ca).

Tại Việt Nam, thông tin từ Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tới 6h00 ngày 14/4/2020, Việt Nam không có ca mắc COVID-19 mới.

Tổng số ca mắc hiện tại là 265 trường hợp, trong đó 160 người từ nước ngoài chiếm 60,4%; 105 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 39,6%. Tổng số người phục hồi do mắc COVID-19 đến nay là 146 người.

Một số điểm nổi bật về Covid trong 24 giờ qua

Mỹ thiếu các bộ xét nghiệm COVID-19

Các chuyên gia y tế Mỹ khuyến nghị cần tăng cường xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trong bối cảnh Nhà Trắng cân nhắc thời điểm và cách thức dỡ bỏ phong tỏa cũng như yêu cầu người dân ở nhà.

Theo tiến sĩ Stephen Hahn thuộc Cơ quan Quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA), đến nay, Mỹ đã tiến hành hơn 2 triệu xét nghiệm nhưng các bộ xét nghiệm không có sẵn để đáp ứng nhu cầu.

Việc thiếu các bộ xét nghiệm đã cản trở Mỹ phản ứng với đại dịch, hậu quả là hơn 22.000 người chết và hơn nửa triệu người nhiễm bệnh.

Thống đốc các bang New York và New Jersey, cũng như Thị trưởng thành phố New York ngày 12/4 đã đề nghị được cấp thêm các bộ xét nghiệm nhanh.

Pháp kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc đến 11/5

Theo Tổng thống Pháp Macron, Pháp "đang sống trong những ngày khó khăn". Tình trạng thiếu khẩu trang, đồ bảo hộ y tế và gel rửa tay khô vẫn đang tiếp diễn.

Tuy nhiên, nỗ lực của toàn xã hội cũng đem đến một số thành công, như số giường hồi sức tích cực đã tăng gấp đôi so với trước, hợp tác tốt trong việc vận chuyển bệnh nhân nặng bằng các phương tiện đặc biệt như trực thăng quân sự, tàu hỏa cao tốc hay xe buýt liên tỉnh, mạng lưới giáo dục trực tuyến hoạt động hiệu quả, tăng cường tình đoàn kết và tinh thần hỗ trợ giữa người dân, đưa trở về nước hàng chục ngàn công dân Pháp bị mắc kẹt ở nước ngoài khi đại dịch bùng phát.

Đánh giá tình hình vẫn rất căng thẳng ở vùng thủ đô Île-de-France và Grand-Est gần biên giới Đức, Tổng thống Macron chỉ ra rằng "dịch bệnh vẫn chưa được kiểm soát" nên lệnh phong tỏa phải được tiếp tục cho đến ngày 11/5, với các biện pháp nghiêm ngặt nhất.

Sau thời điểm đó, các trường học từ nhà trẻ đến trung học phổ thông sẽ dần được mở cửa trở lại. Tuy nhiên, các trường đại học sẽ không tiếp tục hoạt động cho đến mùa hè tới. Các địa điểm công cộng, nhà hàng, quán cà phê, khách sạn, rạp chiếu phim và nhà hát sẽ tiếp tục đóng cửa. Các lễ hội sẽ bị hoãn ít nhất đến giữa tháng 7.

Công nghệ mới điều trị bệnh nhân COVID-19

Viện Công nghệ Technion của Israel tuyên bố đã phát triển thành công công nghệ liệu pháp bọt lỏng để điều trị hội chứng suy hô hấp cấp (ARDS). ARDS gây ra tình trạng viêm phổi nghiêm trọng được WHO ghi nhận là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở bệnh nhân mắc COVID-19.

Công nghệ mới này có thể giúp cứu sống bệnh nhân COVID-19 bị suy hô hấp cấp và gây tử vong.

Nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ Technion đã cải tiến liệu pháp thay thế chất hoạt diện bề mặt phổi bằng liệu pháp bọt lỏng (phương pháp SRT). Hiện tại, phương pháp SRT điều trị cho các bệnh nhân mắc hội chứng suy hô hấp cấp tương tự với phương pháp điều trị cho trẻ sinh thiếu tháng.

Phương pháp này không có hiệu quả đối với phổi của người lớn do sự khác biệt về kích thước. Tuy nhiên, công nghệ liệu pháp bọt lỏng đã giúp cải thiện đáng kể sự phân phối chất hoạt diện bề mặt ở phổi

Hội nghị Cấp cao trực tuyến ASEAN+3 thống nhất giải pháp ứng phó với dịch COVID-19 

Ngày 14/4, lãnh đạo các nước ASEAN cùng Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ thảo luận cách thức phối hợp để vượt qua đại dịch và giảm thiểu các tác động tiêu cực của đại dịch với kinh tế và xã hội khu vực.

Về chương trình nghị sự của hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Gunn Kim cho biết chương trình nghị sự chính của Hội nghị Cấp cao trực tuyến ASEAN+3 lần này là đối phó với đại dịch COVID-19, sự hợp tác trong khu vực để chống lại dịch bệnh và đưa ra các biện pháp giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh tới kinh tế và xã hội của mỗi nước.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ nhóm họp vào ngày 15/4 tới để thảo luận và thực hiện các biện pháp khẩn cấp nhằm ứng phó những thách thức toàn cầu do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra. 

Nhật Bản chế tạo thành công bộ xét nghiệm phát hiện nhanh COVID-19

Công ty Toyobo (Nhật Bản) đã chế tạo thành công một bộ kit xét nghiệm có khả năng trong vòng 60 phút phát hiện virus SARS-CoV-2.

Theo Toyobo, các bộ kit xét nghiệm sẽ được cung cấp cho giới nghiên cứu tại các trường đại học, công ty dược phẩm và nhiều cơ sở khác trên cả nước với giá 90.000 yen (830 USD) một bộ có 100 mẫu thử.

Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch tăng năng lực xét nghiệm virus SARS-CoV-2 lên 20.000 mẫu/ngày. Hiện nhiều công ty tại nước này đang nỗ lực tận dụng công nghệ sẵn có để chế tạo các bộ kit xét nghiệm mới.

Nhà chế tạo thiết bị chính xác Shimadzu tuyên bố từ ngày 20/4 tới, công ty sẽ bắt đầu tung ra thị trường Nhật Bản bộ kit xét nghiệm PCR có thể cho kết quả trong khoảng 1 giờ với giá 225.000 yen/bộ có 100 mẫu thử, và dự kiến từ tháng 5 tới hoặc muộn hơn sẽ xuất khẩu các thiết bị này ra nước ngoài.

Các định chế tài chính hỗ trợ các nước chống dịch COVID-19

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) sẽ giãn nợ cho 25 quốc gia thành viên theo tiêu chí đánh giá "Ngăn chặn Thảm họa và Ủy thác Cứu trợ" (CCRT) để cho phép tập trung các nguồn lực đối phó với sự bùng phát của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tuyên bố của Tổng Giám đốc Kristalina Georgieva cho hay, ban giám đốc IMF cùng ngày đã thông qua danh sách những quốc gia đầu tiên được nhận các khoản trợ cấp để thực hiện nghĩa vụ đối với việc vay nợ trong 6 tháng đầu.

Trước đó, IMF hôm 27/3 nhấn mạnh, ban lãnh đạo của tổ chức này đã thông qua những sửa đổi nhằm cho phép IMF giãn nợ cho các quốc gia thành viên kém phát triển nhất và dễ bị tổn thương do dịch bệnh COVID-19. Theo những sửa đổi này, tất cả các nước thành viên có thu nhập trung bình dưới ngưỡng quy định của Ngân hàng Thế giới (WB) sẽ được giãn nợ trong khoảng thời gian lên tới 2 năm

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 13/4 cho biết đã tăng gấp ba lần quy mô gói ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lên 20 tỷ USD và thông qua các biện pháp nhằm tạo điều kiện cho việc hỗ trợ được nhanh chóng và linh hoạt hơn. 

Gói này đã mở rộng chương trình ứng phó với dịch COVID-19 ban đầu có trị giá 6,5 tỷ USD mà ngân hàng này công bố vào ngày 18/3, bằng việc bổ sung thêm các nguồn lực trị giá 13,5 tỷ USD để giúp các nước thành viên đang phát triển của ADB ứng phó với những tác động về y tế và kinh tế vĩ mô nghiêm trọng mà dịch COVID-19 gây ra.

Hàng triệu người Trung Quốc không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo đại dịch COVID-19 có thể sẽ khiến thêm hàng triệu người ở Trung Quốc bị mất việc làm, đẩy nhiều người trong số họ rơi vào cảnh điêu đứng do không đủ điều kiện thụ hưởng trợ cấp thất nghiệp của chính phủ.

Các nhà phân tích dự báo Trung Quốc sẽ mất gần 30 triệu việc làm trong năm nay, so với con số hơn 20 triệu việc làm trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, do thị trường lao động phục hồi chậm chạp và nhu cầu toàn cầu sụt giảm.

Theo quy định, những người tham gia Quỹ trợ cấp thất nghiệp có thể nhận khoản tiền trợ cấp hằng tháng trong tối đa 2 năm nếu họ có ít nhất 10 năm đóng phí bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian được nhận trợ cấp hằng tháng phụ thuộc vào thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp.

Tuy nhiên, ở Trung Quốc hiện có hàng triệu người làm việc không có hợp đồng lao động hoặc chưa đóng bảo hiểm thất nghiệp, đồng nghĩa họ sẽ phải trông cậy vào khoản tiền bồi thường của chủ lao động nếu họ bị sa thải. Thậm chí, nhiều người sẽ còn phải sử dụng tiền tiết kiệm hoặc tìm kiếm sự giúp đỡ từ gia đình để trang trải cuộc sống.

Diễn biến dịch tại một số khu vực

Châu Mỹ: Nhiều nước thực hiện phạt nặng người vi phạm qui định cách ly. El Salvador thông báo sẽ bắt giam tới 30 ngày và tước bằng lái xe (trường hợp lái xe) những người vi phạm lệnh cách ly bắt buộc nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Tổng thống Guatemala Alejandro Giammattei cho biết sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp mạnh như bắt buộc người dân sử dụng khẩu trang khi ra đường và đưa ra các mức phạt cao đối với người vi phạm.

Canada: Các nhân viên ngoại giao Canada tại Trung Quốc, các chuyên gia tư vấn, 2 hãng hàng không Air Canada và Cargojet và một công ty vận tải-hậu cần vừa lên kế hoạch khẩn cấp nhằm thiết lập một mạng lưới cung ứng thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) tại Trung Quốc, đáp ứng các tiêu chuẩn của quốc gia Bắc Mỹ này, trong bối cảnh nguồn cung trang thiết bị y tế trên thị trường toàn cầu đang biến động mạnh và có sự cạnh tranh khốc liệt do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 diễn biến nghiêm trọng.
Trong khi đó, Mexico đã đề nghị Trung Quốc bán 10.000 máy thở để chăm sóc bệnh nhân COVID-19. Trước đó, Mexico đã ký hợp đồng trị giá 56,5 triệu USD mua vật tư và thiết bị y tế phòng dịch từ Trung Quốc.

Mexico cũng đã ký thỏa thuận với các bệnh viện tư trong nước, qua đó huy động thêm 3.200 giường bệnh chăm sóc tích cực đối với bệnh nhân nặng, nâng tổng số giường chăm sóc tích cực lên trên 8.000.

Châu Á-Thái Bình Dương

Singapore đang bố trí chỗ ở cho hàng trăm lao động nước ngoài trên các nhà thuyền (vốn là nơi ở ngoài khơi của các nhân viên ngành hàng hải), doanh trại quân đội, trung tâm triển lãm để phòng tránh lây lan nhanh COVID-19 tại các khu nhà trọ của lao động nhập cư.

Indonesia đã chính thức tuyên bố dịch COVID-19 là thảm họa quốc gia khi số ca tử vong do bệnh này tiếp tục tăng với 399 ca tử vong và 4.557 ca mắc COVID-19.

Australia và New Zealand đều cho rằng còn quá sớm để nới lỏng các quy định giãn cách xã hội hoặc mở cửa lại nền kinh tế.

Tin mới lên