Tài chính quốc tế

Sợ dính bẫy nợ, Tanzania chính thức hủy khoản vay 10 tỷ USD từ Trung Quốc

(VNF) - Do không đạt được thỏa thuận với trung Quốc liên quan tới khoản vay 10 tỷ USD, Tổng thống Tanzania John Magufuli mới đây tuyên bố hủy gói vay này.

Sợ dính bẫy nợ, Tanzania chính thức hủy khoản vay 10 tỷ USD từ Trung Quốc

Thỏa thuận 10 tỷ USD nhằm xây dựng một dự án cảng ở thị trấn Bagamoyo của Tanzania (Ảnh minh họa).

Thỏa thuận 10 tỷ USD này được ký từ thời chính quyền của cựu Tổng thống Jakaya Kikwete vào năm 2013, nhằm xây dựng một dự án cảng ở thị trấn Bagamoyo. Tuy nhiên, dự án này đã bị đình chỉ hồi cuối tháng 6 năm ngoái sau khi hai bên không đạt được thống nhất ở một số điều khoản.

Theo kế hoạch, cảng này được điều hành bởi Công ty China Merchants Holding International của Trung Quốc. Nếu hoàn thiện, đây sẽ là cảng lớn nhất ở Đông Phi, vượt qua cảng Mombasa ở nước láng giềng Kenya.

Theo Telegraph, kế hoạch xây dựng cảng này cũng bao gồm một khu công nghiệp, với các tuyến đường sắt và đường bộ dẫn đến một khu vực mới để khai thác dầu khí.

Tuy nhiên, Tổng thống Magufuli cho rằng các điều khoản tài chính mà phía Trung Quốc đưa ra là những điều khoản bóc lột và không rõ ràng.

Dự án xây dựng cảng trị giá 10 tỷ USD đã được ký kết vào năm 2013 khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm cựu Tổng thống Tanzania Jakaya Kikwete.

Ông Magufuli cho biết Trung Quốc muốn bảo lãnh cảng này trong 33 năm và thuê liên tục trong 99 năm. Trong khi đó, chính quyền Tanzania sẽ không được can thiệp ai là người đầu tư ở đó một khi cảng đi vào hoạt động.

“Trung Quốc muốn lấy đất của chúng tôi làm của riêng họ trong khi chúng tôi phải trả tiền cho họ để xây dựng cảng đó”, ông Magufuli nói đồng thời khẳng định "chỉ có người điên mới chấp nhận các điều kiện vô lý của Bắc Kinh".

Ông Magufuli đã tạm dừng khoản vay từ cuối tháng 6 băm ngoái và đề xuất đàm phán lại thoả thuận, trong đó giảm thời hạn cho thuê xuống còn 33 năm. Đồng thời, Tanzania tuyên bố sẽ không có các khoản thuế ưu đãi cho Trung Quốc và hoạt động của các nhà đầu tư Trung Quốc cần phải được chính quyền nước này thông qua.

Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã không đáp ứng được hạn chót mà ông Magufuli đặt ra, vì vậy dự án vay bị huỷ.

Theo Telegraph, khi Chủ tịch Tập Cận Bình công bố sáng kiến Vành đai và Con đường vào năm 2013, các quốc gia đang phát triển đã nhiệt tình ký kết các khoản vay với Trung Quốc để tài trợ cho các dự án lớn được tin rằng sẽ đưa họ đến con đường thịnh vượng.

Tổng thống Tanzania John Magufuli.

Nhưng hơn 6 năm qua, các chính phủ mới đang dần hủy bỏ và đàm phán lại các hợp đồng do gánh nặng của các khoản nợ này. Điều đó gây nghi ngờ về sáng kiến trị giá 1.000 tỷ USD được thiết lập để hình thành Con đường tơ lụa mới.

Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Thế giới Kiel, tính đến năm 2019 Trung Quốc đã cho vay nước ngoài 5.000 tỷ USD, tăng vọt so với mức 500 tỷ USD của năm 2000. Hơn 50 quốc gia đang phát triển trên thế giới nợ Trung Quốc với tỷ lệ trung bình tương đương 15% GDP. Các khoản vay của Trung Quốc cho các nước nghèo chủ yếu đổ vào phát triển hạ tầng.

Báo cáo của Viện Kiel khẳng định một phần lớn các khoản cho vay của Trung Quốc rất mù mờ, không được công khai cụ thể. Hơn 50% tiền Trung Quốc cho các nước đang phát triển vay không được báo cáo cho các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB). Trung Quốc không hề công khai các khoản tiền cho Iran, Venezuela hay Zimbabwe vay.

Trong khi đó, Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD) phân tích tám quốc gia đang gặp khó khăn vì nợ Trung Quốc. Trong đó, nợ Trung Quốc của Djibouti tương đương 70% GDP.

Một nghiên cứu khác cho biết 7 nước châu Phi, gồm Angola, Djibouti, Kenya, Namibia, Sri Lanka, Zambia và Zimbabwe nợ Trung Quốc và không có phương án trả.

Xem thêm >> Mỹ đe dọa cắt tài trợ vĩnh viễn cho WHO

Tin mới lên