Ngân hàng

Sở hữu chéo ngân hàng vẫn 'chằng chịt'

Mặc dù thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều động thái tích cực để nhằm hạn chế tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn khó giải quyết do vướng mắc còn tồn tại.

Sở hữu chéo ngân hàng vẫn 'chằng chịt'

Tình trạng sở hữu chéo vẫn chưa thể xử lý dứt điểm. Ảnh minh họa

Cần giải quyết sớm

Sở hữu chéo giữa các ngân hàng cho đến thời điểm này vẫn luôn là vấn đề chằng chịt, khiến nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) chưa thể giải quyết ổn thỏa. Mặc dù giới hạn sở hữu đã có quy định rõ ràng, nhưng các ngân hàng vi phạm chỉ mới rục rịch thoái vốn ở vài trường hợp như Maritime Bank đã thoái vốn tại MB và hiện còn nắm dưới 5% vốn từ mức 8,96% trước đó; VietinBank thoái vốn tại SaigonBank từ 10,39% xuống 4,91% vốn.

Hiện Vietcombank là ngân hàng nắm vốn tại các TCTD nhiều nhất, sở hữu cổ phần tại 4 ngân hàng và 1 công ty tài chính. Trước thời điểm Thông tư 36 có hiệu lực, Vietcombank sở hữu 9,8% cổ phần MBB, 8,2% Eximbank, 5,26% SaigonBank và 4,6% OCB; thì đến thời điểm này Vietcombank vẫn đang nắm hơn 7,16% cổ phần MBB, 8,19% Eximbank, 5,07% OCB và 4,3% Saigonbank. Trước sức ép thoái vốn theo đúng quy định, Vietcombank sẽ bỏ ai và chọn ai?

Ngoài Vietcombank thì Eximbank cũng là ngân hàng đang "dính" đến vấn đề sở hữu chéo. Trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 được tổ chức mới đây, ngân hàng này đã trình cổ đông thông qua phương án chuyển bộ toàn bộ cổ phần mà ngân hàng đang sở hữu tại Sacombank. Hiện Eximbank đang nắm hơn 165 triệu cổ phần STB, tương đương 8,76% cổ phần Sacombank. Tuy nhiên, có lẽ việc thoái vốn này đến nay vẫn chưa có kết quả.

Theo Điều 18 Thông tư 36/TT- NHNN quy định một NHTM chỉ được nắm giữ cổ phiếu của tối đa không quá 2 TCTD khác (trừ trường hợp TCTD khác là công ty con của ngân hàng đó), đồng thời lượng cổ phần được nắm giữ tối đa này phải dưới 5% vốn cổ phần có quyền biểu quyết của TCTD đó.

Dù Thông tư 36 đã có hiệu lực hơn một năm (có hiệu lực từ ngày 1.2.2016), nhiều ngân hàng vẫn chưa thể hoàn thành thoái vốn sở hữu tại các ngân hàng khác. Tuy nhiên, điều này không đáng lo bằng việc xảy ra tại các TCTD khi nhóm cổ đông thao túng, liên kết ngầm thực hiện các hoạt động cho vay, đầu tư lòng vòng, khiến các cơ quản quản lý cũng như nhà đầu tư không đánh giá chính xác được thực chất vốn và hoạt động tài chính của TCTD. Điều này đe dọa đến an toàn của bản thân TCTD và của toàn hệ thống, cản trở quá trình tái cơ cấu ngân hàng.

Vẫn khó!

Theo NHNN, hiện nay tình trạng sở hữu, sở hữu chéo, nhóm cổ đông chi phối đã từng bước được kiểm soát, nhưng trên thực tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do tình trạng chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng chưa được xử lý triệt để.

Thời gian vừa qua, giới chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo rất nhiều về tác hại của sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng gây ra. Mặc dù quy định hiện hành yêu cầu ngân hàng không được rót vốn cho các doanh nghiệp mà cổ đông lớn đứng tên, nhưng thực tế có không ít các chiêu thức được áp dụng, dưới nhiều hình thức khác nhau: Sở hữu cổ phiếu thông qua các công ty con, đứng tên cá nhân, tổ chức khác…

Mặc dù, NHNN đã quyết tâm dọn dẹp sở hữu chéo nhưng vấn đề sở hữu chéo vẫn cứ dai dẳng, chưa giải quyết được dứt điểm. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu thì nguyên nhân do việc thoái vốn không dễ dàng. Bởi thị trường tài chính hiện nay không còn thuận lợi như cách đây 10 năm, gây trở ngại cho việc thoái vốn. Cùng với đó là vấn đề lợi ích cũng khó giải quyết được thỏa đáng…

Đưa ra giải pháp, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, các quy định pháp luật liên quan đến sở hữu chéo, quản trị, điều hành đã đầy đủ, nhưng vấn đề là thực thi những quy định đó như thế nào. Nếu ngân hàng không tự ý thức được vấn đề sở hữu chéo và tổn hại của nó gây ra cho ngành ngân hàng thì cuối cùng, luật vẫn là luật và thực tế vẫn không giải quyết được. "Khi tự nhận thức được, ngân hàng phải đưa ra những chính sách, kế hoạch xử lý vấn đề sở hữu chéo", ông chỉ rõ.

NHNN cho biết, sẽ quy định khắt khe hơn nữa đối với người mua cổ phần và tham gia điều hành ngân hàng để hạn chế rủi ro, chẳng hạn cổ đông lớn ngân hàng sẽ phải chứng minh nguồn tiền mua cổ phiếu.

Giải pháp mà cơ quan này đưa ra là bổ sung quy định trong Luật các tổ chức tín dụng về nguồn vốn góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng, theo hướng nguồn vốn có được do các tổ chức tín dụng cấp tín dụng không được sử dụng để góp vốn, mua cổ phần của bất kỳ tổ chức tín dụng nào.

Với giải pháp trên, theo NHNN, sẽ hạn chế được sở hữu chéo, minh bạch hóa cơ cấu cổ đông, đảm bảo các cổ đông lớn tại tổ chức tín dụng có đủ năng lực tài chính, tránh trường hợp nguồn vốn góp là vốn "ảo" do chủ yếu từ nguồn vốn vay tại tổ chức tín dụng, giúp cho hệ thống hoạt động lành mạnh, an toàn, thực chất.

Ngoài ra, việc hạn chế được sở hữu chéo, hạn chế vốn "ảo" của cổ đông lớn hoặc nhóm cổ đông thao túng ngân hàng sẽ giúp lành mạnh hoạt động hệ thống, tạo tâm lý tin tưởng cho người gửi tiền vào hệ thống tổ chức tín dụng. 

Tin mới lên