Tài chính tiêu dùng

Số người sử dụng dịch vụ chữ ký số ở Việt Nam chưa đầy 5%

(VNF) - Việc ứng dụng chữ ký số tại Việt Nam trong thời gian qua còn có những hạn chế nhất định. Hầu hết thuê bao sử dụng chữ ký số tại Việt Nam hiện nay là các doanh nghiệp, số thuê bao là cá nhân chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chưa đến 5%.

Số người sử dụng dịch vụ chữ ký số ở Việt Nam chưa đầy 5%

Số người sử dụng dịch vụ chữ ký số ở Việt Nam chiếm chưa đến 5%. (Ảnh minh họa)

Phát biểu tại hội thảo "Chính sách và giải pháp chứng thực chữ ký số trên thiết bị di động tại Việt Nam" mới đây, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho hay đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, trong doanh nghiệp và trong toàn xã hội là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong nhiều năm qua.

Theo Thứ trưởng, thực hiện Luật Giao dịch điện tử, các luật chuyên ngành và các văn bản hướng dẫn, dịch vụ chứng thực chữ ký số và các ứng dụng sử dụng chữ ký số bắt đầu phát triển tại Việt Nam từ năm 2009. 

Đến nay, trên cả nước có 9 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, cấp hơn 800.000 chứng thư số công cộng đang hoạt động để phục vụ việc kê khai thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội điện tử.

Cùng với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, tính đến hết năm 2017, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đã cấp hơn gần 100.000 chứng thư số triển khai cho 35 đầu mối Bộ, ngành Trung ương và 63 địa phương.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nhận định bên cạnh những kết quả đã đạt được đáng ghi nhận, việc ứng dụng chữ ký số tại Việt Nam trong thời gian qua còn có những hạn chế nhất định. 

Hầu hết thuê bao sử dụng chữ ký số tại Việt Nam hiện nay là các doanh nghiệp; số thuê bao là cá nhân chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chưa đến 5%. Lý do chính của việc này là chưa có các ứng dụng sử dụng chữ ký số cho cá nhân, đồng thời chữ ký số chưa thể sử dụng trên các thiết bị di động.

Theo người đứng đầu Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia - ông Lã Hoàng Trung, Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ. Tại các thành phố lớn, trên 70% người dân sử dụng thiết bị di động. Do vậy, nhu cầu xác thực bằng chữ ký điện tử tại nước ta là rất lớn.

"Nhu cầu ứng dụng chữ ký số tại Việt Nam là có. Các giải pháp công nghệ cũng sẵn sàng. Tuy nhiên Việt Nam còn thiếu các quy định pháp lý cụ thể", ông Lã Hoàng Trung nói.

Cùng quan điểm, ông Lê Quang Tùng, chuyên gia của Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ, nhận định nhu cầu triển khai chữ ký số trên thiết bị di động phục vụ điều hành tác nghiệp tại các cơ quan Đảng và Nhà nước ngày càng tăng mạnh.

"Đã có nhiều cơ quan Đảng, Nhà nước yêu cầu Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai chữ ký số trên thiết bị di động phục vụ điều hành tác nghiệp. Vì vậy, chúng tôi cho rằng cần thiết phải xây dựng và triển khai giải pháp ký số trên các thiết bị di động cho hoạt động điều hành tác nghiệp trên thiết bị di động", ông Tùng nêu ý kiến.

Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng khẳng định "đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và toàn xã hội là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong nhiều năm qua. Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, việc đảm bảo an toàn thông tin cho các ứng dụng là điều kiện tiên quyết và không thể thiếu. Để đảm bảo an toàn thông tin cho các ứng dụng, việc có cơ chế và hình thức xác thực điện tử an toàn là yếu tố quan trọng đầu tiên và hết sức cần thiết".

Do đó, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng chỉ đạo cần tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng chữ ký số để đảm bảo an toàn cho các giao dịch điện tử tại Việt Nam. Bộ TT&TT sẽ ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách, quy định liên quan đến việc sử dụng chữ ký số trên thiết bị động.

Tin mới lên