Tài chính

Soi KQKD Quý I/2016: Những gam màu sáng tối

Kết quả kinh doanh Quý I/2016 của nhiều doanh nghiệp đã khởi sắc hơn, nhất là với các doanh nghiệp ngành thép khi mà nhiều doanh nghiệp ngành này đã "lột xác" ngoạn mục chuyển từ lỗ sang lãi.

Soi KQKD Quý I/2016: Những gam màu sáng tối

Hầu hết các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán đã công bố Báo cáo tài chính (BCTC) quý I/2016, trong đó có nhiều doanh nghiệp đã thoát lỗ ngoạn mục trong quý I này.

Ở chiều ngược lại cũng có khá nhiều các doanh nghiệp do tác động của nhiều yếu tố khác nhau đã phải gánh chịu các khoản lỗ nặng so với cùng kỳ năm trước.

Gam sáng từ ngành thép

Ngành thép có lẽ là ngành tăng trưởng mạnh nhất trong quý I/2016 này do được hưởng cơ chế áp thuế tự vệ cùng với việc giá thép thế giới và trong nước tăng mạnh.

Điều này mang đến doanh thu lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh tôn thép như: Tôn Hoa Sen (HSG), Hòa Phát (HPG)…

Đặc biệt có nhiều doanh nghiệp ngành này đã chuyển từ lỗ sang lãi một cách ngoạn mục trong quý này, đáng chú ý là Công ty cổ phần đầu tư thương mại SMC, công ty cổ phần thép Việt Ý (VIS), công ty cổ phần sản xuất và kinh doanh kim khí (KKC)…

Gây bất ngờ nhất là SMC khi lợi nhuận quý I/2016 lên tới hơn 58 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước công bố lỗ ròng gần 41 tỷ đồng, gần như hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2016.

Đây là một kết quả mang tính đột biến cho SMC nếu biết rằng trong năm 2015, do giá thép giảm mạnh hơn dự báo đã khiến SMC phải gánh lỗ ròng lên tới 196 tỷ đồng, và là năm đầu tiên sau 28 năm, SMC phải ghi nhận thiệt hại và tổn thất nặng nề như vậy.

KKC là doanh nghiệp bị Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội(HNX) đưa vào diện bị cảnh báo do báo cáo tài chính âm sau kiểm toán năm 2015 từ ngày 1/4/2016, tuy nhiên doanh nghiệp này đã có một quý 1 kinh doanh hết sức khả quan khi lãi gần 10,5 tỷ đồng trong quý I trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ hơn 2 tỷ đồng.

VIS cũng đã có một cú lột xác ngoạn mục khi lãi gần 22 tỷ đồng, mức cao nhất trong 18 quý trở lại đây, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ tới gần 40 tỷ đồng.

Điểm qua các công ty con của VnSteel đã công bố kết quả kinh doanh, các công ty thép này đều có lãi như CTCP Kim khí TP.HCM (HMC) quý I lãi 10,6 tỷ đồng; CTCP Kim khí Miền Trung (KMT) quý 1 lãi 3,2 tỷ; Thép Biên Hòa – Viacsa báo lãi 4,1 tỷ đồng; Thép Thủ Đức (TDS) quý 1 lãi 5,88 tỷ…và cả các công ty liên kết trong ngành thép có công bố kết quả kinh doanh đều thấy có lãi.

Đến những doanh nghiệp lãi ròng tăng hàng chục lần

Theo thống kế, trong số 628 doanh nghiệp đã công bố BCTC quý I/2016 có tới 32 doanh nghiệp lãi ròng tăng trưởng hơn gấp đôi so với cùng kỳ 2015 và đều trên ngưỡng 10 tỷ đồng.

Sự bứt phá về lợi nhuận ngoạn mục nhất trong top các doanh nghiệp này thuộc về Tập đoàn Masan (MSN) khi doanh nghiệp lãi ròng quý 1 năm nay cao gấp 58 lần cùng kỳ năm trước, đạt hơn 253 tỷ đồng so với hơn 4 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả này có được từ nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, đặc biệt là mảng kinh doanh bia của Masan Brewery khi lần đầu tiên đạt được EBITDA dương, trong khi đó, Masan Resources cũng đạt tăng trưởng cao nhờ vào sự gia tăng dần quy mô sản xuất của nhà máy chế biến hóa chất vonfram mới khánh thành và năng suất vận hành cao hơn.

Bên cạnh đó, MSN cũng đã hạch toán 193 tỷ đồng phân bổ lợi thế thương mại phát sinh từ các thương vụ M&A trong quá khứ, tất cả những yếu tố này khiến lãi ròng của MSN trong kỳ lên tới hơn 253 tỷ đồng.

CTCP Xây lắp đường ống bể chứa dầu khí (PXT) cũng thu được lợi nhuận quý I ấn tượng với gấp 48 lần so với cùng kỳ, đạt hơn 12,5 tỷ đồng so với 256 triệu đồng cùng kỳ.

Ngoài ra các doanh nghiệp như CTCP Long Hậu (LHG),CTCP Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) tăng hơn 30 lần; CTCP Đường KonTum (KTS), CTCP ống thép Việt Đức (VGS) tăng hơn 20 lần; CTCP Tasco (HUT), CTCP Nhiệt điện Ninh Bình (NBP), CTCP Kim khí TP.HCM (HMC)... đều tăng hơn 10 lần lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước.

Và những gam tối về doanh thu quý I/2016

Quý I/2016 chứng kiến một kỳ thua lỗ nặng nề của CTCP Nhiệt điện Phả Lại (PPC) khi việc đồng Yên Nhật tăng giá trong suốt cuối năm ngoái đến nay.

Do là doanh nghiệp sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản, nên khi đồng Yên tăng giá đã khiến khoản lỗ chênh lệch tỷ giá mà PPC phải ghi nhận gần 262 tỷ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến thời điểm ngày 31/03/2016, số dư nợ mà PPC vay hợp đồng dài hạn của ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) là 22.2 tỷ JPY (thông qua tập đoàn điện lực Việt Nam EVN), chính vì thế PPC đã bị lỗ ròng lên gần 157 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái PPC lãi tới 52 tỷ đồng.

Công ty cổ phần Thuận Thảo (GTT) cũng đã ghi nhận lỗ gần 64 tỷ đồng trong quý I, cùng với các doanh nghiệp như PVB, TH1,VNE đều lỗ trên 15 tỷ đồng…

Bên cạnh các doanh nghiệp thua lỗ là những doanh nghiệp có kết quả lợi nhuận quý I giảm mạnh như Tổng công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS), CTCP Supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao (LAS)…

Những biến động của giá dầu trong thời gian vừa qua đã khiến kết quả doanh thu và lợi nhuận của PVS giảm mạnh trong cả năm ngoái và quý I/2016 này .

Trong quý I/2016, doanh thu của công ty mẹ PVS đạt 2.118 tỷ đồng, giảm tới hơn 32% so với cùng kỳ 2015, lãi ròng 35 tỷ đồng, giảm mạnh 88% so với cùng kỳ 2015.

Theo thuyết minh BCTC là do giá dầu thô giảm, thị trường dịch vụ kỹ thuật dầu khí giảm mạnh dẫn đến doanh thu và lợi nhuận của các lĩnh vực dịch vụ kỹ thuật dầu khí đều giảm so với cùng kỳ.

Cùng với đó, việc ghi nhận doanh thu từ hoạt động tài chính lỗ 8,3 tỷ đồng trong khi cùng kỳ năm trước có lãi 125 tỷ đồng khiến kết quả kinh doanh quý I của PVS thêm ảm đạm, mặc dù PVS đã cắt giảm tối đa chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp.

Ngoài ra, có rất nhiều doanh nghiệp lãi ròng trên 80% như LAS, NVT,CHP….và khá nhiều các doanh nghiệp có mức lãi ròng giảm trên 50%.

Từ khoá: KQKD, BCTC, PVS, PPC, MSN, HSG, VIS, LAS, SMC, ngành thép,
Tin mới lên