Tiêu điểm

Soi thực lực kinh tế UAE, đối thủ của Việt Nam trong trận đấu chiều nay (14/11)

(VNF) - UAE là một trong những nền kinh tế hàng đầu trong các nước A-rập và đứng thứ 17 trong 61 nền kinh tế có tính cạnh tranh cao trên thế giới, ngành hàng không đứng thứ 8 thế giới, ngành du lịch đứng thứ 2 trong khu vực.

Soi thực lực kinh tế UAE, đối thủ của Việt Nam trong trận đấu chiều nay (14/11)

Hiện tại, UAE xuất khẩu chủ yếu dầu thô, hơi đốt, hàng tái xuất, cá khô, chà là, nhập khẩu máy móc, thiết bị vận tải, hoá chất, thực phẩm…

Về tài nguyên thiên nhiên, hiện chủ yếu là dầu lửa và hơi đốt, trong đó trữ lượng dầu lửa  98 tỷ thùng, chiếm khoảng 10% tổng dự trữ dầu đã được xác định của thế giới;  trữ lượng hơi đốt: 5.892 tỷ m3, xếp hàng thứ 4 thế giới sau Nga, Iran, và Qatar. Ngành công nghiệp chủ chốt là khai thác và chế biến dầu lửa, trong đó sản lượng dầu khai thác đạt khoảng 3,046 triệu thùng/ngày.

Các đối tác thương mại chính của UAE hiện là Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, Đức, Ấn Độ, Pháp, Anh, Iran.

Quốc gia này hiện có GDP đạt 378,7 tỷ USD, tăng trưởng GDP 1,3%, GDP bình quân đầu người là 68.200 USD (số liệu 2017).

Tuy có tiềm lực kinh tế nhưng hiện nay UAE lại đang gặp khá nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do giá dầu giảm cũng như sự suy giảm của ngành du lịch. Bên cạnh đó, các chuyên gia đánh giá kinh tế UAE đang gặp khá nhiều khó khăn do bất ổn chính trị, qua đó ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư cho những lĩnh vực quan trọng như bất động sản, du lịch, ngân hàng...

Quan hệ thương mại  Việt Nam - UAE năm 2014 đạt 5,2 tỷ USD, trong đó ta xuất 4,6 tỷ USD; năm 2015 đạt 6,3 tỷ USD – tăng 24% so với 2014, năm 2016 đạt 6,5 tỷ USD, năm 2017 đạt 6,3 tỷ USD. 

Hiện UAE đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 của Việt Nam sau Mỹ, Trung Quốc, Hồng Kong, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức. Các mặt hàng xuất khẩu chính của ta sang UAE gồm điện thoại di động, máy vi tính và linh kiện, sản phẩm điện, điện tử gia dụng, hạt tiêu, thủy sản, giày dép, dệt may, vải, ngọc trai, đá quý, hạt điều, gạo, chè, sản phẩm ngũ cốc, sản phẩm nhựa, đồ gỗ nội thất, giấy, trái cây, rau, thuốc lá…

Trong khi đó, các mặt hàng nhập khẩu chính của ta từ UAE gồm nguyên liệu nhựa, khí hóa lỏng LPG, chế phẩm từ dầu mỏ, nguyên liệu thức ăn gia súc, kim loại thường, hóa chất, sản phẩm hóa chất…

Về hợp tác đầu tư, UAE là một trong những nhà đầu tư lớn từ khu vực vùng Vịnh tại Việt Nam với các dự án như Cảng Hiệp Phước, khách sạn Halong Star và một số dự án du lịch ở Đà Nẵng… với tổng số vốn đầu tư cam kết ước đạt 4 tỷ USD.

Mới đây, sáng 15/10 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Kinh tế các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) Sultan bin Saeed Al Mansouri đồng chủ trì Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam –UAE, nhân chuyển thăm Việt Nam của Bộ trưởng UAE cùng một số tổ chức xúc tiến thương mại và khoảng gần 20 doanh nghiệp lớn của UAE hoạt động trong các lĩnh vực xuất nhập khẩu tổng hợp, dệt may, nông sản, thực phẩm chế biến, giải pháp năng lượng, xử lý chất thải, logistics, phân phối bán lẻ, dịch vụ tài chính.

Chiều nay (14/11), trong khuôn khổ vòng loại World Cup khu vực châu Á, hai đội tuyển bóng đá UAE và Việt Nam sẽ gặp nhau trên sân Mỹ Đình. Đây là trận đấu rất quan trọng cho cả hai đội, sẽ quyết định đến khả năng đi tiếp vào vòng sau.

 

Tin mới lên