Tài chính quốc tế

Solomon bất ngờ tuyên bố chấm dứt hợp đồng thuê đảo dài hạn của Trung Quốc

(VNF) - Bộ trưởng Tư pháp Solomon John Muria hôm 24/10 cho biết thỏa thuận cho thuê đảo lâu dài giữa tỉnh miền Trung nước này với tập đoàn China Sam của Trung Quốc không có giá trị pháp lý, không thông qua chính phủ do đó cần phải chấm dứt ngay.

Solomon bất ngờ tuyên bố chấm dứt hợp đồng thuê đảo dài hạn của Trung Quốc

Ngoại trưởng Solomon Jeremiah Manele (trái) và Ngoại trưởng TQ Vương Nghị bắt tay tại lễ thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước hôm 21/9.

"Thỏa thuận không được văn phòng tổng công tố xem xét trước khi ký. Thỏa thuận này là trái luật, không khả thi và phải bị hủy ngay lập tức", ông Muria khẳng định.

Hiện thủ hiến tỉnh miền Trung Stanley Manetiva, người ký kết thỏa thuận với công ty Trung Quốc, vẫn chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.

Trước đó, theo "thỏa thuận hợp tác chiến lược" ký ngày 22/9 giữa tập đoàn Trung Quốc China Sam Enterprise Group và tỉnh miền Trung của Solomon, China Sam sẽ thuê lại quyền phát triển cơ sở hạ tầng tại đảo Tulagi trong vòng 75 năm kèm theo điều khoản gia hạn.

Thỏa thuận bao gồm nhiều nội dung về xây dựng trạm hậu cần đánh bắt cá, trung tâm điều hành, và "xây mới hoặc cải tiến sân bay". Một phụ lục thỏa thuận cho biết China Sam sẵn sàng xem xét khả năng xây dựng trạm dầu và khí đốt tại Tulagi, dù chưa đơn vị thăm dò nào xác định được trữ lượng dầu trong khu vực quần đảo Solomon.

Chính quyền địa phương cũng chấp nhận để China Sam thuê toàn bộ đảo Tulagi và các đảo lân cận trong tỉnh này để phát triển "đặc khu kinh tế hoặc khu công nghiệp bất kỳ phù hợp cho mọi loại hình phát triển".

China Sam Enterprise là tập đoàn công nghệ, đầu tư và năng lượng được thành lập vào năm 1985 với hình thức là một doanh nghiệp nhà nước.

Những dự tính của China Sam tại đảo Tulagi cho thấy tham vọng rất lớn về ngắn hạn lẫn dài hạn. Nhiều dự án được đánh giá có thể mang công dụng kép trong kinh tế và quân sự.

Đảo Tulagi từng là cứ điểm chiến lược cho các hoạt động của hải quân Anh, rồi sau đó là quân đội của đế quốc Nhật Bản trong Thế chiến II, với tham vọng thống trị Thái Bình Dương.

Trước chiến tranh, Tulagi chính là thủ phủ của vương quốc Solomon, sau đó là đất bảo hộ của Đức và thuộc địa của Anh. Khi Thế chiến II bùng nổ, với vị trí gần hòn đảo chiến lược Guadalcanal và cảng nước sâu tự nhiên, Tulagi trở thành mục tiêu quan trọng mà quân đồng minh lẫn Nhật Bản sẵn sàng chấp nhận thương vong lớn để kiểm soát.

Giới chức Mỹ cũng lo ngại trước hàm ý quân sự từ các động thái của Bắc Kinh ở khu vực. Nhiều quan chức Mỹ nhìn nhận chuỗi đảo ở Nam Thái Bình Dương có vai trò quyết định trong việc kiềm tỏa sức ảnh hưởng của Trung Quốc và bảo vệ các tuyến đường hàng hải quan trọng.

Trước đó, quốc đảo Solomon hồi tháng 9 chính thức trở thành quốc gia thứ sáu cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và chuyển sang thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc kể từ khi bà Thái Anh Văn nhậm chức lãnh đạo Đài Loan vào năm 2016.

Quyết định của Solomon được đưa ra sau cuộc đánh giá kéo dài nhiều tháng về những ưu và nhược điểm của việc chuyển đổi sang quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh, nơi đang cung cấp 8,5 triệu USD cho các quỹ phát triển, để thay thế hỗ trợ từ Đài Loan.

Xem thêm >> Trung Quốc phủ nhận thông tin thay trưởng đặc khu Hong Kong

Tin mới lên