Diễn đàn VNF

‘Sớm mở cửa thị trường là gói kích thích kinh tế lớn nhất lúc này’

Chuyên gia cho rằng sớm mở cửa thị trường trên cơ sở đảm bảo các điều kiện giãn cách xã hội sẽ giúp Việt Nam nhanh chóng phục hồi kinh tế, đón đầu cơ hội sau dịch Covid-19.

Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đã khống chế thành công sự lây nhiễm của dịch bệnh và có điều kiện dỡ bỏ sớm các biện pháp cách ly để tái khởi động nền kinh tế, thực hiện kinh doanh an toàn, sống chung với bệnh truyền nhiễm.

“Chúng ta đang có cơ hội bước ra khỏi đà suy giảm kinh tế xuất phát từ đại dịch sớm hơn so với nhiều nền kinh tế khác. Đó là cơ hội vàng thời Covid”, ông nói.

"Cỗ máy trợ thở"

Chủ tịch VCCI cho rằng trong điều kiện chưa thể phục hồi thị trường quốc tế, thì mở cửa thị trường nội địa sẽ là cứu cánh cho doanh nghiệp.

“Mở cửa thị trường là gói kích thích kinh tế lớn nhất, là cỗ máy trợ thở quan trọng nhất. Cần mở cửa lại thị trường nội địa để cứu doanh nghiệp, cứu nền kinh tế”, ông Lộc nói.

Ông đồng thời đề nghị cho phép các cửa hàng, cửa hiệu được mở lại, phần lớn các hoạt động dịch vụ được khôi phục, du lịch nội địa được tiếp nối, giao thông nội địa được thông suốt, các đường bay nội địa được hoạt động trở lại rộng khắp hơn trên cơ sở bảo đảm các điều kiện giãn cách xã hội theo quy định của ngành y tế như: thường xuyên khử khuẩn, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách an toàn...

Chủ tịch VCCI cho rằng lúc này là cơ hội vàng để mở cửa lại nền kinh tế sau dịch. Ảnh: Hoàng Hà.

Chủ tịch VCCI cũng đề cập đến chi phí cơ hội của việc thực hiện cách ly xã hội là rất lớn và hệ quả mà nền kinh tế phải gánh chịu là rất nặng nề. Do đó, đây là thời điểm thích hợp để sớm nới lỏng, tiến tới dỡ bỏ các biện pháp cách ly nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện kinh doanh an toàn.

Hiện tại, đại diện VCCI cho biết rất nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã phải đóng cửa, giải thể hay thu hẹp quy mô sản xuất và không ít đang trong trạng thái “ngủ đông”, “chết lâm sàng”, tình hình rất nghiêm trọng.

Theo khảo sát của VCCI, 50% doanh nghiệp sẽ khó có thể tiếp tục trụ vững sau nửa năm nữa nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và các biện pháp cách ly không được dỡ bỏ hợp lý kịp thời. Hàng triệu người lao động đang bị mất việc làm và sẽ có nguy cơ mất việc trong thời gian tới.

Mở cửa thị trường giúp doanh nghiệp sớm phục hồi, từ đó có thể không cần gói hỗ trợ tài chính của Chính phủ. Ảnh: Q.C.

Do đó, mở cửa sớm thị trường, trước hết là thị trường trong nước - không gian kinh tế mà chúng ta có thể chủ động điều tiết trong bối cảnh dịch bệnh đang được kiểm soát tốt như hiện nay, sẽ giúp cho các doanh nghiệp thực hiện tái khởi động mà trong nhiều trường hợp sẽ không cần đến các “máy trợ thở” về tài chính.

Đó cũng là cơ hội để nền kinh tế Việt Nam đi trước trong công cuộc “vượt cạn”, đón đầu những cơ hội để phục hồi. Nhiều nền kinh tế trên thế giới còn đang gian nan và khó khăn hơn Việt Nam trong phòng chống dịch bệnh và khống chế lây nhiễm nhưng vẫn đang khẩn trương chuyển trạng thái, mở cửa lại thị trường.

“Đừng để mất cơ hội! Chúng ta đã đi trước trong phòng chống dịch bệnh nhưng có thể lại là người đến sau trong tái khởi động và phục hồi nền kinh tế”, vị này chia sẻ.

Cơ hội để giảm lệ thuộc nguyên liệu nước ngoài

Theo PGS TS Tô Trung Thành, Đại học Kinh tế Quốc dân, sống chung với dịch, cũng có nghĩa là quá trình sản xuất kinh doanh và tiêu thụ chấp nhận giãn cách xã hội ở một mức độ nhất định, hoặc chí ít cũng hạn chế tiếp xúc trực tiếp.

Ông nhấn mạnh đây là cơ hội để phát triển được một số ngành dịch vụ như thương mại điện tử; dịch vụ trực tuyến liên quan đến các sản phẩm giáo dục hay giải trí online... Ngoài ra còn một số ngành sản xuất công nghiệp cũng có cơ hội như: Sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, vệ sinh dịch tễ; sản xuất các sản phẩm thực phẩm như đồ hộp, thực phẩm đóng gói; sản xuất các sản phẩm trang thiết bị làm việc từ xa, làm việc online; các ngành công nghệ thông tin...

PGS TS Tô Trung Thành, Đại học Kinh tế Quốc dân. Ảnh: NEU.

Ngoài ra, PGS Tô Trung Thành nhấn mạnh dịch Covid-19 có tác động tiêu cực nhưng cũng là cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế. Các ngành, bao gồm cả công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ... đang bị tác động nặng nề có động lực để đổi mới và sáng tạo nhanh hơn, ứng dụng công nghệ 4.0 trong quá trình sản xuất.

Ngoài ra, dịch Covid-19 cũng sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp có động lực hơn nữa trong việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số trong quá trình sản xuất kinh doanh. Ông đánh giá sự phát triển của kỹ thuật số chắc chắn sẽ là một trong những động lực tăng năng suất mới.

Tự động hóa, số hóa sẽ dần thay thế nhiều khâu trong quy trình sản xuất của nhiều ngành kinh tế, góp phần làm giảm chi phí, tăng lợi nhuận và sử dụng ít lao động hơn, giảm tiếp xúc trực tiếp hơn.

“Công nghệ số có khả năng ứng dụng ở hầu hết ngành kinh tế, có thể tạo nên những thay đổi lớn về phương thức sản xuất và năng suất lao động trong các ngành kinh tế”, ông nói.

Chuyên gia từ Đại học Kinh tế Quốc dân cũng nhấn mạnh dịch Covid-19 cũng là cơ hội để nền kinh tế chuyển đổi, và xây dựng phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, thay vì lệ thuộc vào nguyên liệu, đầu vào và công nghệ của nước ngoài.

Tin mới lên