M&A

Sóng lớn M&A 2018 sau thương vụ Sabeco

Ngay sau thương vụ Sabeco, danh mục 10 doanh nghiệp lớn thuộc ngành công thương nằm trong lộ trình thoái vốn năm 2018, cùng một loạt công ty sẽ đẩy mạnh thoái vốn thuộc lĩnh vực công nghiệp vừa được Bộ Công thương chính thức công bố.

Sóng lớn M&A 2018 sau thương vụ Sabeco

Ảnh minh họa.

Tăng nguồn cung "hàng tốt"

Bà Trần Kim Oanh, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư phát triển Công Thương (Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương) cho biết, danh mục 10 doanh nghiệp thuộc Bộ Công thương quản lý sẽ tiến hành thoái vốn trong năm 2018 bao gồm nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn với tỷ lệ thoái vốn tối thiểu so với vốn điều lệ cao.

Cụ thể, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) với tỷ lệ thoái vốn tối thiểu dự kiến khoảng 24,86%, Tổng công ty cổ phần Xây dựng Việt Nam thoái 46,75%, Tổng công ty Máy và Thiết bị công nghiệp thoái 63,54%, thoái vốn tỷ lệ 53,48% tại Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và 57,92% tại Tổng công ty Thép Việt Nam.

Ngoài ra, trong danh mục này còn có doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề đa dạng như Công ty cổ phần Giao nhận kho vận ngoại thương, Công ty cổ phần Xây dựng và Nhập khẩu tổng hợp, Công ty cổ phần Nhựa Việt Nam, Công ty cổ phần Nông Thủy sản Việt Nam và Công ty cổ phần Đầu tư xây lắp và Vật liệu xây dựng.

Trong danh sách này, những "món hàng" thực sự thu hút được sự quan tâm của giới đầu tư chủ yếu là những doanh nghiệp lớn đã có tên tuổi, hoặc có vị thế dẫn đầu ngành như Petrolimex, Vinatex, Tổng công ty Thép, song theo đại diện Bộ Công thương, trên thực tế, các doanh nghiệp còn lại đều thuộc những lĩnh vực giàu tiềm năng, bao gồm công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, nông thủy sản, kho vận và logistic.

Đặc biệt, ngành công nghiệp đã có những bước phát triển mạnh mẽ với chỉ số sản xuất toàn ngành có mức tăng trung bình trên 7%/năm kể từ năm 2012, luôn thuộc các vị trí hàng đầu về tốc độ tăng trưởng so với các nước trong khu vực. Trong đó, một số ngành đã tăng trưởng vượt bậc gần đây như sản xuất kim loại tăng 17,9%; sản xuất xe có động cơ tăng 16,4%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 12,8%.

"Công nghiệp Việt Nam đang trong đà phát triển mạnh mẽ. Nếu nhận được sự đầu tư và hợp tác từ những doanh nghiệp nước ngoài có công nghệ cao, khả năng quản lý chuyên nghiệp, tiềm năng vốn lớn, thì cơ hội bứt phá, phát triển sẽ còn cao hơn nữa, đồng thời có thể đem lại lợi nhuận trên mức kỳ vọng cho nhà đầu tư", ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nhận định.

Cuộc đua M&A 2018 sẽ nóng ở lĩnh vực nào?

Đánh giá lạc quan về xu hướng vận động tích cực của hoạt động M&A trong lĩnh vực công nghiệp thời gian gần đây, ông Nguyễn Quốc Việt, Phó tổng giám đốc Công ty AVM Vietnam (cung cấp các dịch vụ chuyên sâu về hỗ trợ đầu tư và kinh doanh) cho rằng, cuộc đua mới trong hoạt động mua bán sáp nhập ngày càng sôi động với những con số thống kê ấn tượng.

Theo số liệu được ông Việt dẫn từ nguồn đáng tin cậy, hiện nay, lĩnh vực công nghiệp bao gồm cả vật liệu đang đứng thứ 2 trong Top 5 lĩnh vực dẫn đầu thị trường M&A năm 2016 và 2017 tại Việt Nam. 

Đáng chú ý, trong năm 2016, lĩnh vực này đã có tới 269 thương vụ M&A ở các quy mô lớn nhỏ, cao hơn gần 2,5 lần về số thương vụ so với lĩnh vực đang giữ vị trí dẫn đầu là hàng tiêu dùng và bán lẻ với 118 thương vụ. Tính về giá trị, ước tính tổng giá trị các thương vụ M&A lên tới 5,8 tỷ USD trong năm 2016, trong đó riêng lĩnh vực công nghiệp đóng góp 1,1 tỷ USD.

"Việc nới lỏng giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài và giới hạn sở hữu tại các công ty đại chúng sẽ càng góp phần làm cho thị trường M&A Việt Nam nói chung và M&A lĩnh vực công nghiệp nói riêng trở nên nóng bỏng trong thời gian tới", ông Việt nhận định.

Mặc dù vậy, ông Phú cho rằng, vẫn còn những cơ hội không dễ thành sự thực bởi có sự hạn chế về số lượng và quốc tịch các nhà đầu tư tham gia thị trường M&A Việt Nam. Theo đó, đa phần các thương vụ có sự xuất hiện của các nhà đầu tư châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…) tại nhiều lĩnh vực khác nhau như hàng tiêu dùng, dịch vụ tài chính, phân phối, bán lẻ, sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất...

Tuy nhiên, khu vực được đánh giá có nhiều nhà đầu tư lớn là Bắc Mỹ và châu Âu lại chưa có nhiều thương vụ, hiện tại mới chỉ tham gia một số lĩnh vực như dầu khí và hàng tiêu dùng. Vì vậy, trong thời gian tới, cần đẩy mạnh hơn việc xúc tiến thu hút đầu tư quốc tế để lôi cuốn nhà đầu tư lớn từ khu vực này, nhất là Hoa Kỳ và châu Âu.

Bên cạnh đó, nguồn vốn trong nước cũng sẽ được chú trọng đẩy mạnh đầu tư vào M&A, bởi dòng tiền nội địa đang dần khẳng định vị thế trên thị trường này với số lượng các thương vụ M&A của doanh nghiệp trong nước ngày càng tăng.

Tin mới lên