Ngân hàng

Sống trong lo lắng, doanh nghiệp đếm lỗ từng ngày

(VNF) - Nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn lớn, do đơn đặt hàng giảm, sản xuất giảm, phải cho người lao động nghỉ việc dài ngày, lại chịu tác động kép từ tỷ giá tăng và lãi vay tăng.

Sống trong lo lắng, doanh nghiệp đếm lỗ từng ngày

Chi phí đầu vào tăng mạnh do lãi suất và tỷ giá tăng cao.

Tỷ giá tăng mạnh gây áp lực chi phí

Ngày 17/10/2022, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông báo về việc điều chỉnh biên độ tỉ giá giao ngay USD/VND từ mức 3% lên 5%. Ngay lập tức tỷ giá giao dịch USD/VND tại các ngân hàng đã tăng lên.

Tuy nhiên, cũng không phải chờ đến khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh thì tỷ giá mới tăng mà đầu năm tới nay tỷ giá USD/VND đã có nhiều thay đổi.

Chẳng hạn, tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), tỷ giá USD mua chuyển khoản đến cuối quý III/2022 đã tăng 4,81% so với đầu năm và cập nhật đến ngày 31/10/2022 đã tăng 8,65%. Với mức tăng mạnh của đồng USD, dù là xuất khẩu hay nhập khẩu, các doanh nghiệp đều chịu ảnh hưởng.

Tỷ giá tăng sẽ làm cho giá hàng hóa nhập khẩu tăng theo, làm tăng chi phí, khiến doanh nghiệp khó giữ được giá bán ra của các sản phẩm tại thị trường nội địa. Đặc biệt Việt Nam lại là quốc gia nhập khẩu phần lớn các nguyên liệu đầu vào để phục vụ cho làm hàng xuất khẩu, dẫn đến chi phi tăng. Trong khi các hợp đồng xuất khẩu đã ký khó có thể đàm phán để thay đổi giá. Dù là xuất khẩu hay nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp đều phải trả chi phí vận tải quốc tế, trong khi toàn bộ cước phí được tính bằng USD.

Cùng với đó, lãi suất cho vay tại các ngân hàng đã tăng vọt, tại một số ngân hàng TMCP nhỏ lãi vay cho các khách hàng là doanh nghiệp các  kỳ hạn ngắn đã tăng từ 2-3%/năm so với đầu năm. Chính vì vậy lại càng làm cho chi phí đầu vào tăng cao, giảm sức cạnh tranh.

Trong khi đó, kinh tế Mỹ và Eu, hai thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam đang rơi vào suy thoái. Nhu cầu tiêu dùng giảm sút, làm cho các doanh nghiệp Việt Nam bị giảm đơn hàng. Trong khi sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam vẫn còn hạn chế, nên gặp nhiều bất lợi.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim, nhiều ngành hàng của Việt Nam đang chịu tác động lớn bởi tỷ giá tăng. Cụ thể với ngành bất động sản, những doanh nghiệp có các khoản nợ bằng USD, sẽ chịu áp lực trả lãi tăng lên theo tỷ giá. Bên cạnh đó, việc tăng lãi suất cho vay của ngân hàng, có thể làm trì hoãn nhu cầu mua nhà.

Ông Kim cho rằng, các doanh nghiệp xăng dầu cũng chịu tác động tỷ giá lớn, do phải thanh toán bằng USD khi nhập khẩu xăng, dầu. Với lĩnh vực bán lẻ, việc tăng lãi suất sẽ làm tăng giá thành và trì hoãn nhu cầu tiêu dùng. Hàng không cũng chịu tác động lớn, do các hợp đồng thuê máy bay phục vụ hoạt động được tính bằng USD. Các doanh nghiệp thực phẩm, đồ uống phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, nên giá tăng, những doanh nghiệp có xuất khẩu có thể được hưởng lợi về tỷ giá, tuy nhiên lãi suất tăng sẽ làm tăng giá thành.

Xoay xở tránh lỗ

Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM biến động tỉ giá ảnh hưởng rất lớn, khi hơn 70% doanh nghiệp có hợp đồng mua bán với đối tác nước ngoài, 100% cước vận chuyển thanh toán bằng USD. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất đều phải nhập khẩu nguyên phụ liệu và chi trả bằng USD. Nếu không phải vay USD thì phần hưởng lợi từ chênh lệch cũng không là bao sau khi trừ các khoản chi phí đang tăng giá khác như phí vận chuyển, phí nguyên vật liệu. Ngược lại, nếu phải vay USD từ ngân hàng để nhập khẩu nguyên liệu rồi xuất khẩu, có thể lỗ khi đơn hàng giảm.

Đại diện Công ty CP Thực phẩm Agrex Sài Gòn cho biết, hiện nhà máy chỉ hoạt động khoảng 60-65% công suất, do đơn hàng xuất khẩu giảm. Đã vậy USD lại tăng giá. Chúng tôi phải nhập khẩu bột mì phục vụ cho sản xuất. Thời gian qua, giá bột mì nhập khẩu đã từ mức 500-600 USD/tấn lên 1.000 USD/tấn. Nay giá USD tăng thêm khoảng 2.000 đồng/USD so với năm 2021, nếu nhập 100 tấn bột mì thì doanh nghiệp lỗ 200 triệu đồng do tỷ giá tăng.

Với các công ty có khoản vay bằng USD lớn và lãi suất thả nổi, như Hòa Phát, khi tỷ giá tăng, đã bị tác động mạnh. Theo ước tính của Công ty Chứng khoán SSI, USD tăng giá 1% so với VND, sẽ dẫn đến khoản lỗ chênh lệch tỷ giá khoảng 500 tỷ đồng, tương đương 2,5% lợi nhuận sau thuế năm 2022. Hoà Phát vay USD, trong khi nguồn thu bằng ngoại tệ, thông qua xuất khẩu vẫn chưa thể bù đắp rủi ro.

Một số các doanh nghiệp lớn khác như  Hoa Sen, Vietnam Airlines, Lộc Trời… cũng cho biết, lỗ do tỷ giá có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng. Theo Công ty chứng khoán Maybank Investment Bank, việc tăng tỷ giá đang tác động đến các doanh nghiệp. Nhìn vào các doanh nghiệp niêm yết trên sàn, khi tỷ giá tăng 1%, ước tính sẽ làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết khoảng 1 - 2%.

Theo các chuyên gia kinh tế, rất khó can thiệp vào sự biến động về tỷ giá. Trong hoàn cảnh này cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư, kinh doanh và hạ tầng hậu cần, kho vận… nhằm giúp DN tiết kiệm thời gian, chi phí. Cùng với đó là giảm mạnh thuế phí và triển khai hiệu quả gói hỗ trợ lãi suất 2% để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn.

Tin mới lên