Tài chính quốc tế

S&P hạ điểm tín nhiệm Trung Quốc do tình hình nợ nần tăng cao

(VNF) – Lần đầu tiên sau 18 năm, Trung Quốc bị S&P Global Ratings, tổ chức đánh giá tín nhiệm hàng đầu thế giới, hạ điểm tín nhiệm.

S&P hạ điểm tín nhiệm Trung Quốc do tình hình nợ nần tăng cao

Theo thông tin từ Bloomberg, điểm tín nhiệm của Trung Quốc bị hạ xuống một bậc, từ AA – xuống mức A +.

Mới đây, S&P Global Ratings đã hạ điểm tín nhiệm của Trung Quốc lần đầu tiên kể từ năm 1999, trên cơ sở những rủi ro đến từ tình hình nợ tăng cao ở quốc gia này. Đồng thời, triển vọng tín nhiệm của nền kinh tế thứ nhì thế giới cũng bị S&P đánh giá từ "ổn định" xuống "tiêu cực".

Theo thông tin từ Bloomberg, điểm tín nhiệm của Trung Quốc bị hạ xuống một bậc, từ AA– xuống mức A+. Các nhà phân tích cũng đồng loạt hạ điểm tín nhiệm đối với ba ngân hàng nước ngoài đang hoạt động mạnh nhất tại Trung Quốc là HSBC Trung Quốc, Hang Seng China và DBS China Ltd. Họ cho rằng ba ngân hàng này sẽ khó tránh khỏi vỡ nợ nếu như Trung Quốc vỡ nợ.

S&P cho biết, "Thời kỳ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ của Trung Quốc đã làm tăng những rủi ro kinh tế và tài chính. Mặc dù tăng trưởng tín dụng đã đóng góp vào tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội thực tế (GDP) và mức giá trị tài sản cao hơn, nhưng chúng tôi cho rằng điều này cũng đã làm suy giảm sự ổn định về tài chính ở một mức nào đó".

Đây là lần thứ hai Trung Quốc bị một tổ chức tín nhiệm quốc tế hạ điểm. Điều này làm giảm sự tin tưởng của thế giới đối với việc Trung Quốc có thể tự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và minh bạch hệ thống tài chính.

Andrew Polk, đồng sáng lập công ty nghiên cứu Trivium China ở Bắc Kinh cho biết, "Đây là một tín hiệu xấu đối với Trung Quốc, đặc biệt là khi họ đã từ bỏ các chính sách cùng quan điểm hùng hồn về nợ trước đây, và thừa nhận những thách thức mà nợ gây ra. Trung Quốc cảm thấy như đang bị cộng đồng quốc tế dồn ép".

Tuy nhiên, Bộ Tài chính Trung Quốc lại cho rằng S&P đã phớt lời các nguyên tắc cơ bản về kinh tế của đất nước này và chính phủ có đủ khả năng duy trì sự ổn định tài chính nếu tăng cường giám sát và kiểm soát rủi ro tín dụng. Vào hồi tháng 5, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã bác bỏ đánh giá của Moody’s Investors Service và cho rằng tổ chức này đã "làm quá" lên những khó khăn kinh tế của Trung Quốc.

Theo Tân Hoa Xã, trong bài phân tích cuối ngày 21/9, các chuyên gia cho rằng việc hạ điểm tín dụng sẽ không làm ảnh hưởng đến nguồn đầu tư từ nước ngoài và không phản ánh tình hình kinh tế của Trung Quốc.

Tổng nợ của Trung Quốc đã tăng khoảng 260%.

Các học giả tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (Chinese Academy of Social Sciences – CASS), một tổ chức tư vấn của chính phủ ở Bắc Kinh, gần đây cho biết mức nợ hiện tại của chính phủ không đến mức rủi ro như bị đánh giá, xét đến lượng tài sản mà chính phủ Trung Quốc nắm quyền kiểm soát. CASS tính toán rằng tài sản của chính phủ vào khoảng 125,5 nghìn tỷ nhân dân tệ (khoảng 19 nghìn tỷ USD) trong năm 2015, gấp 1,8 lần GDP.

Nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới cũng được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại sau nửa đầu năm mạnh mẽ. Lần đầu tiên sau 7 năm, Trung Quốc có quý tăng tốc thứ 2 liên tiếp. Ngay sau đó, các nhà kinh tế học lại càng ngạc nhiên hơn khi chứng kiến tăng trưởng kinh tế đạt 6,9% trong quý II. Theo các chuyên gia được Bloomberg khảo sát, GDP của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng trên 6% cho tới hết năm 2019.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tháng trước đã nâng triển vọng tăng trưởng trung bình hàng năm của Trung Quốc đến năm 2020, đồng thời cảnh báo rằng nó cũng sẽ làm gia tăng mức nợ, gây ra các nguy cơ trung hạn. Tháng này, Giám đốc điều hành IMF, Christine Lagarde, trong một sự kiện ở Bắc Kinh, cho biết các nhà lãnh đạo đang gia sức nỗ lực để kiềm chế rủi ro.

Tom Orlik, nhà kinh tế học châu Á của Bloomberg Intelligence ở Bắc Kinh, nói về việc S&P hạ điểm tín nhiệm Trung Quốc: "Tác động đối với Trung Quốc khá hạn chế. Trung Quốc là một quốc gia có nguồn tiết kiệm lớn trong nước và một tài khoản vốn được kiểm soát chặt chẽ. Quốc gia này không phải dựa vào nguồn tài trợ nước ngoài".

Giảm nợ từ từ

Kim Eng Tan, Giám đốc cấp cao của một chức xếp hạng tín nhiệm, cho hay, các nhà quản lý đang nỗ lực cải thiện tình hình, tuy nhiên quá trình giảm nợ của Trung Quốc sẽ được tiến hành từ từ so với kế hoạch dự kiến của S&P trong năm 2017. S&P cũng hạ điểm tín nhiệm của Hồng Kông, một động thái phản ánh mối liên kết mạnh mẽ giữa trung tâm tài chính này với Trung Quốc đại lục.

Các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay chỉ chiếm chưa đầy 2% thị trường trái phiếu phát hành trong nước ở Trung Quốc.

"Sự hạ điểm tín nhiệm của Moody’s và S&P không thực sự phản ánh quan điểm của các nhà đầu tư quốc tế về nền kinh tế Trung Quốc", ông Wang Tao, chuyên gia kinh tế của UBS Group AG tại Hồng Kông, cho biết thêm, "rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế đã giảm, lợi nhuận của doanh nghiệp đang tăng, tài chính và dòng vốn đầu tư đã được kiểm soát chặt chẽ".

"Không hề đáng ngạc nhiên"

Trong trường hợp Trung Quốc bị vỡ nợ, S&P cho biết, ba ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại đây sẽ "không thể chịu được kịch bản căng thẳng này".

Vào hồi tháng 5, Mood’s đã hạ điểm tín nhiệm đối với Trung Quốc, từ Aa3 xuống A1, cũng do lo ngại về tình hình nợ nần ở quốc gia này. Mood’s trích dẫn thêm những bằng chứng về khả năng xảy ra "nợ xấu" vật chất và gánh nặng tài chính của chính phủ, đồng thời cũng thay đổi đánh giá từ "ổn định" xuống "tiêu cực".

Tommy Xie, một nhà kinh tế tại OCBC Bank ở Singapore cho hay, "Thị trường đã suy đoán được S&P sẽ hạ điểm tín nhiệm đối với Trung Quốc ngay sau khi Moody’s công bố thông tin này. Điều này không hề đáng ngạc nhiên".

Tin mới lên