Thị trường

SPN và Vinalines đều muốn giữ 51% vốn cổ phần khi thành lập liên doanh

Về việc thành lập liên doanh khai thác cụm cảng Cái Cui kết hợp với kinh doanh logistics tại Cần Thơ, hiện đã chốt hai phương án đề nghị trình Thủ tường Chính phủ quyết định.

SPN và Vinalines đều muốn giữ 51% vốn cổ phần khi thành lập liên doanh

Chiều ngày 28/3, đại diện lãnh đạo thành phố Cần Thơ đã có buổi làm việc với các cơ quan đơn vị  bao gồm:  Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (SNP), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) về việc thực hiện liên doanh khai thác cụm cảng Cái Cui gắn với hoạt động logistics.

Cuộc làm việc được tổ chức theo chỉ đạo trước đó của Phó Thủ Tướng Vương Đình Huệ vào đầu tháng 1vừa qua.

Tại buổi làm việc, đại diện của SPN và Vinalines đều cho biết muốn giữ 51% cổ phần khi thành lập liên doanh. Đại diện SPN cho biết Tân Cảng – Cái Cui đã đón  tàu container nội địa từ mấy tháng nay ngay sau khi thông luồng kênh Quan Chánh Bố và tháng 7 tới bắt đầu đón tàu container quốc tế.

Còn đại diện Vinalines cho biết đơn vị này cũng đã hợp tác với cảng Cái Cui làm hàng rời từ lâu, trước SPN nhiều năm.

Để đảm tính thống nhất, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, ông Võ Thành Thống cho biết đã xác định được các mô hình hợp tác liên doanh gữa SNP và Vinalines.

Phương án 1 là liên doanh giữa SNP và Vinalines, sẽ có một bên nắm 51% cổ phần.

Phương án 2, nếu không khả thi chỉ có một bên nắm giữ 51% cổ phần, sẽ liên doanh ba bên gồm SNP, Vinalines - mỗi bên nắm 49% cổ phần và TP.Cần Thơ với đại diện là Quỹ Đầu tư và Phát triển Cần Thơ tham gia 2% cổ phần để có thể hài hòa lợi ích giữa các bên.

Ông Thống cũng cho hay, Thường trực UBND TP. Cần Thơ sẽ báo cáo Chính phủ nội dung này trước ngày 31/3/2017. Sau hai lần làm việc tại Cần Thơ gần đây về quy hoạch cảng biển trung tâm ĐBSCL, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo phải sớm hình thành liên doanh giữa Tân cảng – Cái Cui (thuộc SNP) và cảng Cái Cui (thuộc Vinalines).  

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu phải gắn hoạt động cảng biển, hàng hải với logistics tại đây theo quy hoạch khu vực logistics hơn 242 ha liền kề nhằm phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng chung cho cả ĐBSCL. Phó thủ tướng cũng đề nghị thúc đẩy các thủ tục cần thiết để liên doanh này có thể ra đời vào tháng 6/2017.

Trước đó, trong chuyến thị sát các cảng biển vào ngày 8/1 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ, Vương Đình Huệ - Kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã nhấn mạnh: "Giữa 2 cầu cảng của hai đơn vị chỉ cách nhau 200 m nhưng sẽ là quãng đường rất dài, có khi hàng thế kỷ không kết nối được, nếu không cùng nhau làm, Tinh thần là hợp lực lại, tạo nên trung tâm logistics lớn của vùng  mang tầm quốc gia nhằm phát huy hiệu quả kinh doanh cao hơn".

Tin mới lên