Tài chính quốc tế

Sputnik V nộp dữ liệu chờ WHO phê duyệt

Nhà sản xuất vắc xin Covid-19 của Nga - Sputnik V sẽ nộp dữ liệu lâm sàng mới nhất của mình vào cuối tháng 12 để chờ sự phê duyệt của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Sputnik V nộp dữ liệu chờ WHO phê duyệt

Sputnik V nộp dữ liệu chờ WHO phê duyệt

Nga đã phê duyệt loại vaccine Sputnik V để sử dụng trong nước vào năm ngoái và vaccine này cũng đã được xuất khẩu sang các nước trên thế giới. Tuy nhiên, vắc xin Sputnik V vẫn chưa được WHO hoặc cơ quan quản lý dược phẩm của châu Âu chứng nhận.

Ông Rogerio Gaspar, giám đốc bộ phận đánh giá và phê duyệt của WHO, đã đưa ra các mốc thời gian mới cho việc xem xét, thẩm định vaccine Sputnik V. Ông hy vọng Viện Gamaleya - cơ quan bào chế, phát triển vaccine Sputnk V, sẽ hoàn thành việc gửi dữ liệu vào cuối tháng 12 và cuối tháng 1.

“Chúng tôi đang bắt đầu thực hiện việc lập kế hoạch tới đây. Điều kiện giờ đây là tất cả thông tin đều có sẵn, và thông tin kỹ thuật sẽ được nộp vào cuối tháng 12. Chúng tôi có thể thực hiện kiểm tra vaccine Sputnik V vào tháng 2", ông Rogerio Gaspar nói.

Trong năm qua, WHO đã phê duyệt 9 loại vắc xin Covid-19 vào danh sách sử dụng khẩn cấp, đánh giá chất lượng, độ an toàn và hiệu quả. Sự phê duyệt của WHO là điều kiện tiên quyết để cung cấp liều lượng cho cơ chế vắc xin COVAX.

Mới đây, Giám đốc Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev cho biết, Sputnik V của Nga là loại vaccine an toàn và hiệu quả nhất trên thế giới. Ông Kirill Dmitriev cũng lưu ý rằng hiệu quả của Sputnik V kéo dài hơn và ít gây ra tác dụng phụ hơn so với các loại vaccine khác.

Viện Gamaleya và RDIF cho biết vắc xin Sputnik V vẫn hiệu quả trong việc chống lại biến chủng Omicron. Các cơ quan này cho hay, Nga có thể cung cấp hàng trăm triệu liều vaccine Sputnik V tăng cường để chống lại Omicron. 

Sputnik V được đăng ký tại Nga hồi tháng 8 năm ngoái, là vaccine đầu tiên trên thế giới được chính thức phê duyệt. Đến nay, Sputnik V được chấp thuận sử dụng ở 71 quốc gia trên thế giới.

Xem thêm: Vắc xin Covid-19 biểu hiện kém hơn với biến chủng Omicron nhưng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh nặng

Tin mới lên