Ngân hàng

SSI: Cần có cơ chế khắc phục ‘hiệu ứng ngược’ của việc giảm lãi suất

(VNF) – Theo SSI, việc lợi nhuận ngân hàng thương mại giảm khi giảm lãi suất là một hiệu ứng ngược từ một chính sách đúng và cần có cơ chế để khắc phục.

SSI: Cần có cơ chế khắc phục ‘hiệu ứng ngược’ của việc giảm lãi suất

SSI cho rằng, chỉ đạo giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của các ngân hàng, kéo theo lợi nhuận giảm

Hiệu ứng ngược từ một chính sách đúng

Theo báo cáo thị trường tiền tệ tuần từ 10-14/7 của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất kéo dài xu hướng giảm trong 2 tháng liên tiếp.

Cụ thể, trong tuần qua, lãi suất các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 1 tháng giảm thêm 0,47 điểm%, -0,49 điểm% và 0,67 điểm% xuống tương ứng 1,28%, 1,57% và 2,42%, đây là mức lãi suất thấp nhất trong vòng 8 tháng, kể từ thời điểm trước đợt căng thanh khoản dịp cuối năm 2016. NHNN chưa phát hành tín phiếu và tiếp tục duy trì trạng thái OMO cân bằng.

Sau quyết định hạ một số lãi suất chủ chốt của NHNN vào đầu tuần, một số ngân hàng đã công bố biểu lãi suất cho vay mới cho các đối tượng ưu tiên, theo đó lãi suất cho vay không chỉ giảm 0,5% mà có ngân hàng giảm tới 1%.

Theo SSI, việc hạ lãi suất cho vay sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới biên lợi nhuận do các ngân hàng sẽ không thể giảm 0,5%-1% lãi suất huy động trong một thời gian ngắn. Lợi nhuận giảm sẽ làm giảm động lực của các NHTM. Đây là một hiệu ứng ngược từ một chính sách đúng và cần có cơ chế để khắc phục.

Theo dữ liệu công bố từ NHNN, lãi suất cho vay trung dài hạn vào cuối tháng 6/2017 đối với các lĩnh vực ưu tiên là 9-10%. Lãi suất cho vay thông thường là 6,8-9% cho ngắn hạn và 9,3-11% cho trung dài hạn.

Đáng chú ý, lãi suất cho vay ngắn hạn thông thường có thể thấp tới 4-5% nếu khách hàng có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch. Lãi suất vay USD thậm chí còn thấp hơn, 2,8-4,7% cho ngắn hạn và 4,7-6% cho trung-dài hạn.

Với những tín hiệu trên, SSI nhìn nhận, trên thị trường đã có những cơ chế khác giúp giảm lãi suất cho vay.

Nhờ lãi suất cho vay USD thấp, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ 6 tháng tăng tới +7,3% (cùng kỳ giảm -3,5%). SSI cho rằng cần tiếp tục kiên trì với chính sách lãi suất USD=0%, một mũi tên trúng nhiều đích gồm tăng cung ngoại tệ, tăng thanh khoản hệ thống ngân hàng và giảm lãi suất cho vay.

Theo ghi nhận của SSI, lãi suất huy động thị trường 1 đã giảm trở lại sau tuần đẩy cao huy động nhằm đáp ứng các chỉ tiêu an toàn vào cuối quý 2. Hiện lãi suất 1 tháng đã giảm từ 5% về lại 4,5%.

USD tiếp tục mất giá, chênh lệch giá vàng nới rộng

Trên thị trường thế giới, đồng USD vẫn tiếp tục mất giá. Chỉ số DXY Index giảm thêm -0,89% xuống 95,15 điểm, mức thấp nhất trong 10 tháng. Trong khi đó, tỷ giá USD/VND trong nước hầu như không đổi so với cuối tuần trước, kết thúc tuần tỷ giá giao dịch ở mức 22.700/22.770 trên thị trường ngân hàng và 22.800/22.820 trên thị trường tự do.

Tỷ giá tự do đang có một số diễn biến đáng chú ý trong thời gian đây. Dù tăng không mạnh nhưng khoảng cách giữa tỷ giá tự do và tỷ giá ngân hàng đang ngày càng nới rộng, với mức chênh hiện tại 100đ ở chiều mua vào và 50đ ở chiều bán ra.

Diễn biến này xảy ra đồng thời với mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Giá vàng thế giới giảm mạnh -5,78% kể từ đầu tháng 6, trong khi giá vàng trong nước hầu như giữ nguyên khiến chênh lệch giá tăng từ 1 lên 2,8 triệu đồng/lượng, tương đương mức chênh 7,5%.

Có một số lo lắng cho rằng thị trường vàng đang khiến tỷ giá nổi sóng. Tuy nhiên SSI đánh giá, chưa thấy có nhiều cơ sở cho lo lắng này. Gần đây nhất là vào tháng 5, mức chênh lệch cũng đạt trên 7% nhưng tỷ giá giai đoạn đó vẫn rất ổn định. Tỷ giá mới chỉ có sóng nhẹ kể từ khi NHNN tăng tỷ giá mua vào cuối tháng 6, điều tương tự cũng xảy ra vào đầu tháng 4. Nhập siêu tháng 6 giảm xuống 292 triệu USD (nhập siêu 6 tháng là 2,6 tỷ USD), không làm gia tăng áp lực lên cán cân cung cầu ngoại tệ.

Tin mới lên