Ngân hàng

SSI cảnh báo rủi ro trong ngành ngân hàng liên quan đến cho vay BĐS và trái phiếu doanh nghiệp

(VNF) - SSI cho rằng rủi ro đối với ngành ngân hàng thời gian tới có thể đến từ các khoản vay liên quan đến lĩnh vực bất động sản (BĐS) và trái phiếu doanh nghiệp. Song song với đó còn có rủi ro từ các khoản vay mua nhà được hưởng ân hạn cả lãi và gốc trong giai đoạn 2020-2022. "Rủi ro này cần được theo dõi chặt chẽ trong năm 2023, khi người mua nhà bắt đầu phải thực sự trả gốc và lãi hàng tháng cho ngân hàng", SSI nhấn mạnh.

SSI cảnh báo rủi ro trong ngành ngân hàng liên quan đến cho vay BĐS và trái phiếu doanh nghiệp

SSI cảnh báo rủi ro trong ngành ngân hàng liên quan đến cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp

Theo nhận định của SSI trong báo cáo ngành ngân hàng công bố mới đây, mức lợi nhuận tuyệt đối của các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu của SSI trong 6 tháng cuối năm 2022 có thể sẽ thấp hơn so với 6 tháng đầu năm 2022. Tuy nhiên, mức tăng trưởng so với cùng kỳ vẫn rất hấp dẫn do mức lợi nhuận tương đối thấp trong 6 tháng cuối năm 2021.

Cụ thể, theo SSI, tăng trưởng tín dụng sẽ chậm hơn so với 6 tháng đầu năm 2022. Để kiểm soát lạm phát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể thận trọng hơn trong việc nới hạn mức tăng trưởng tín dụng trong nửa cuối năm 2022. Hạn mức được cấp thêm có thể chỉ ở mức vừa phải, đi cùng với điều kiện các ngân hàng phải hạn chế giải ngân cho các phân khúc rủi ro. Nhìn chung, SSI kỳ vọng tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ đạt mức 15% - 16%.

Biên lợi nhuận NIM có thể chịu áp lực so với 6 tháng đầu năm 2022, nhưng vẫn sẽ cao hơn NIM trong 6 tháng cuối năm 2021. Trong 6 tháng đầu năm 2022, NIM của các ngân hàng được nới rộng do tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ và hệ số LDR (dư nợ tín dụng/số vốn huy động) cao hơn. Tuy nhiên, khi hạn mức tăng trưởng tín dụng mới được ban hành, áp lực của việc tăng lãi suất huy động cũng sẽ tăng lên.

Cùng với đó, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn được hạ xuống 34% kể từ ngày 1/10/2022. Các ngân hàng, do đó, sẽ phải tăng nguồn vốn huy động dài hạn của mình, khiến chi phí vốn bình quân cao hơn. Trong khi đó, thông thường phải mất từ 1-2 quý để lãi suất cho vay điều chỉnh lại hoàn toàn theo lãi suất huy động.

"Tuy nhiên, nếu so sánh với cùng kỳ năm trước, NIM trong nửa cuối 2022 vẫn sẽ cao hơn nửa cuối năm 2021. Thu nhập lãi thuần sẽ vẫn có sự tăng trưởng tốt so với cùng kỳ và là động lực chính giữ nhịp tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng nửa cuối năm", chuyên gia của SSI nêu quan điểm.

Trong khi đó, SSI dự báo các nguồn thu ngoài lãi sẽ giảm tốc. Ngoài việc không còn lợi nhuận  từ kinh doanh trái phiếu chính phủ, doanh số thanh toán của nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước sẽ bị sụt giảm do chương trình miễn phí chuyển khoản.

Bên cạnh đó, các chỉ số phản ánh chất lượng tín dụng có thể được giữ ổn định vào năm 2022 nhưng sẽ chịu áp lực lớn hơn vào năm 2023, theo dự báo của SSI.

Theo công ty chứng khoán này, rủi ro từ các khoản nợ tái cơ cấu Covid-19 không quá đang lo ngại đối với các ngân hàng lớn. Tính đến cuối tháng 4 năm 2022, dư nợ tái cơ cấu Covid đã giảm 24% so với đầu năm và bằng khoảng 1,8% tổng dư nợ cho vay. Các ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV, ACB, MB và Techcombank cũng đã trích lập dự phòng đầy đủ cho các khoản nợ tái cơ cấu Covid.

SSI cho rằng rủi ro lớn hơn có thể đến từ các khoản vay liên quan đến lĩnh vực bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp. Các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với việc cho vay kinh doanh bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực này đã gây ra sự gián đoạn về vòng quay vốn cũng như thanh khoản (25% trái phiếu bất động sản phát hành đến hạn vào năm 2022 và 65% đến hạn vào năm 2023, năm 2024) và làm tăng chi phí tài chính cho các chủ đầu tư bất động sản. Rủi ro này sẽ dần được phản ánh trên Bảng cân đối kế toán của ngân hàng từ năm 2023, theo SSI.

Song song với đó còn có rủi ro từ các khoản vay mua nhà được hưởng ân hạn cả lãi và gốc trong giai đoạn 2020-2022. Rủi ro này cần được theo dõi chặt chẽ trong năm 2023, khi người mua nhà bắt đầu phải thực sự trả gốc và lãi hàng tháng cho ngân hàng.

Về cổ phiếu ngân hàng, SSI bày tỏ sự yêu thích với VCB và ACB.

"Mức định giá hiện tại của các ngân hàng trong phạm vi nghiên cứu của chúng tôi đã giảm xuống dưới mức trung bình 5 năm. Một số ngân hàng thậm chí có chỉ số P/B ở dưới 1 độ lệch chuẩn so với mức trung bình 5 năm. Tuy nhiên, mức định giá hiện nay có thể vẫn chưa phản ánh đầy đủ một số rủi ro còn lại (đặc biệt liên quan đến lĩnh vực bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp). Do đó, những ngân hàng có hoạt động cho vay thận trọng là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi trong một thị trường đầy bất ổn như hiện nay", chuyên gia của SSI nhấn mạnh.

Tin mới lên