Công nghệ

Startup công nghệ có lực đẩy mới

Các startup công nghệ của Việt Nam vừa đón tin vui mới khi Chính phủ ban hành Nghị định 13/2019/NĐ-CP nêu rõ những ưu đãi cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ (KH-CN).

Startup công nghệ có lực đẩy mới

Startup công nghệ có lực đẩy mới

Theo Nghị định, doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và giảm 50% thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo.

Doanh nghiệp KH-CN được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định của pháp luật về đất đai; được ưu đãi tín dụng thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và sản xuất kinh doanh theo quy định.

Cụ thể, doanh nghiệp KH-CN thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ, sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả KH-CN được Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển KH-CN của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tài trợ, cho vay với lãi suất ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay và bảo lãnh để vay vốn.

Với doanh nghiệp KH-CN có tài sản thế chấp được các quỹ cho vay với lãi suất ưu đãi hoặc hỗ trợ lãi suất vay tối đa 50% lãi suất vay vốn tại ngân hàng thương mại thực hiện cho vay.

Đây là tín hiệu tích cực cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp KH-CN nói chung, startup công nghệ nói riêng. Bởi lẽ, việc miễn thuế trong 4 năm đầu và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo rất có ý nghĩa với startup công nghệ, vì phần nhiều trong giai đoạn đầu những startup này còn nhiều khó khăn và phải liên tục rót vốn. Tuy nhiên, từ nghị định còn phải chờ thông tư hướng dẫn để biết chính sách được thực hiện như thế nào. Vì thực tế cho đến nay đã có nhiều nguồn vốn của nhà nước nhằm tiếp sức cho các startup nhưng việc tiếp cận không dễ.

Giám đốc một quỹ đầu tư chia sẻ, cách đây khoảng 3 năm rất khó để nghĩ đến điều này vì thời điểm đó các startup phải chật vật để gọi được vài chục triệu USD. Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, các startup Việt Nam có nhiều cơ hội hơn khi nhiều quỹ đầu tư rót tiền ở những giai đoạn sớm. Chất lượng startup hiện nay cũng tốt hơn, người tiêu dùng đang cởi mở hơn với những xu hướng mới.

Chính vì thế, những vòng gọi vốn vài chục triệu USD không còn quá khó với các startup công nghệ. Song để số lượng startup công nghệ gọi vốn triệu USD ngày càng gia tăng, chính sách luật pháp cần phải thay đổi để thích ứng nhanh chóng. Thực tế hiện nay chính sách dành cho startup công nghệ vẫn còn nhiều bất cập. Đó là lý do nhiều startup công nghệ của Việt Nam đã chọn nước ngoài để đặt trụ sở, trở thành đơn vị gia công.

Startup là để khai phá những cái mới. Tuy nhiên, sự thay đổi quá chậm của chính sách, pháp luật khiến nhiều startup rơi vào cảnh dở khóc dở cười khi không thể gọi được vốn đầu tư từ các quỹ. Theo chia sẻ của một quỹ đầu tư mạo hiểm, họ vẫn biết bản chất của startup là làm cái mới, những cái thị trường trước đây chưa từng có.

Song các quỹ thường không chấp nhận rủi ro về pháp lý, nên các startup Việt sẽ thiệt thòi hơn.

Nhìn ra các nước trong khu vực Đông Nam Á có thể thấy Singapore đã có 9 startup kỳ lân, Indonesia có 4 và Việt Nam dù đang là điểm đến của nhiều quỹ đầu tư nhưng nếu không có những thay đổi nhanh chóng hơn nữa trong tầm nhìn của startup, trong các chính sách pháp luật, chúng ta sẽ bị chậm lại trong vòng xoáy phát triển nhanh chóng của khu vực Đông Nam Á, nơi đang được đánh giá có làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ nhất.

Tin mới lên