Công nghệ

Startup Việt gian nan tìm đường vào siêu thị

Nhiều startup ngành hàng tiêu dùng nhanh và thực phẩm bị siêu thị từ chối nhận hàng do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu chứng nhận chất lượng…

Startup Việt gian nan tìm đường vào siêu thị

Startup Việt vướng nhiều rào cản khi đưa hàng vào siêu thị.

"Lần đầu chúng tôi đưa hàng vào siêu thị là dịp cận Tết cách đây vài năm. Trưởng ngành hàng thực phẩm từ chối thẳng thừng với lý do không còn diện tích trưng bày. Tôi vẫn cố thuyết phục được tự tay dịch chuyển vị trí những sản phẩm khác để dôi ra một khoảng vừa đủ cho mình", bà Nguyễn Thị Kim Hạnh – đồng sáng lập thương hiệu kim chi Ông Kim, kể lại hành trình gian nan để góp mặt trên kệ hàng siêu thị.

Theo bà Hạnh, kênh siêu thị thường không mang lại lợi nhuận cho những doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng nhanh, thực phẩm và nông sản, thậm chí lỗ nặng bởi yêu cầu sự đầu tư về bao bì, nhân viên tiếp thị… Tuy nhiên, đây lại là lựa chọn hàng đầu để quảng bá thương hiệu và tạo ra những giá trị vô hình về lâu dài.

"Chúng tôi gặp không ít trắc trở trong suốt thời gian đeo đuổi chiến lược phát triển thị trường thông qua kênh siêu thị, nhưng sau giai đoạn này thì doanh số bắt đầu tăng trưởng ổn định và một số hệ thống siêu thị khác cũng đề nghị nhập hàng", chủ thương hiệu kim chi vừa được mua lại bởi một tập đoàn Hàn Quốc cho hay.

Ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH MTV (Satra) khẳng định các hệ thống siêu thị rất thân thiện và chào đón nhà cung cấp mới. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành này lại không đáp ứng được những tiêu chí cơ bản như giấy tờ pháp lý, chứng nhận chất lượng… khiến siêu thị phải "lắc đầu".

"Doanh nghiệp khởi nghiệp trong ngành này cũng thường mắc phải điểm yếu là bao bì, mẫu mã kém hấp dẫn và chậm nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng để kịp thời thay đổi. Ngoài ra, một rào cản khác quy mô sản xuất nhỏ lẻ khiến nguồn cung hàng hóa không đảm bảo tính liên tục và lâu dài, trước mắt là cho 150 cửa hàng của Satra chứ chưa nói đến các hệ thống khác", ông Khoa nhận định.

Theo quy hoạch mạng lưới siêu thị cả nước của Bộ Công Thương, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại và 157 trung tâm mua sắm. Quy mô của thị trường bán lẻ hiện đại dự báo sẽ vào khoảng 180 tỷ USD vào thời điểm đó.

Dù dư địa phát triển của kênh siêu thị còn rất lớn, nhưng những yêu cầu siết chặt hơn nữa về tiêu chuẩn chất lượng, nhãn dán hàng hóa… để đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa qua mạng lưới siêu thị bình quân 29-30% một năm trong giai đoạn 2016-2020 sẽ dần thu hẹp cánh cửa đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ Việt Nam (SVF) cho biết, "kế sách" tối ưu góp phần dứt điểm tình trạng này là một tổ chức đại diện kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ với các công ty bán lẻ.

Trước mắt, SVF và Satra đã ký hợp tác chiến lược nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp trở thành nhà cung cấp nguyên liệu, hoặc sản phẩm đã qua chế biến vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trạm dừng chân, chợ đầu mối trong hệ thống của đơn vị này.

Hai bên sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại, hỗ trợ kêu gọi nhà đầu tư và mở rộng kênh phân phối cho các doanh nghiệp. SVF sẽ chia sẻ thông tin về quy chuẩn sản phẩm để tiếp cận với kênh phân phối của đối tác, đồng thời cố vấn cho các doanh nghiệp có sản phẩm chưa đạt chuẩn. 

Trong khi đó, Satra trực tiếp phân phối sản phẩm và tư vấn phát triển thị trường kinh doanh đối với các sản phẩm đạt chuẩn từ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua kết nối từ quỹ khởi nghiệp.

Tin mới lên