Tài chính quốc tế

Sự cố nổ pin Galaxy Note 7 có liên quan đến Samsung Bắc Ninh?

(VNF) - Nhà máy Samsung tại Bắc Ninh là nơi xử lý và đóng gói pin dùng cho Galaxy Note 7 vừa bị ngừng sản xuất trên toàn cầu sau sự cố cháy nổ.

Sự cố nổ pin Galaxy Note 7 có liên quan đến Samsung Bắc Ninh?

Pin Galaxy Note 7 bị nổ được gia công, đóng gói tại Bắc Ninh

Sau khi Samsung chính thức khai tử Galaxy Note 7, nhật báo hàng đầu nước Anh - Daily Mail đã thực hiện một bài phóng sự độc quyền về tình trạng của nhà máy Samsung SDI hiện nay tại tỉnh Bắc Ninh.

Theo tờ báo này, pin của Galaxy Note 7 được gia công, đóng gói tại nhà máy sản xuất pin SDI của Samsung ở Bắc Ninh, Việt Nam, nơi hãng sản xuất điện thoại khổng lồ của Hàn Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD từ năm 2009 để xây dựng một trung tâm sản xuất toàn cầu chi phí thấp. 

Các nhà điều tra đang xem xét quy trình sản xuất tại nhà máy của Samsung ở Bắc Ninh để tìm ra nguyên nhân khiến dòng điện thoại mới ra phát nổ, công nhân trong nhà máy nói với tờ Daily Mail. Phía Samsung nói rằng những vụ nổ đầu tiên của chiếc Galaxy Note 7 là do tế bào pin gặp sự cố. 

Những ngày gần đây có sự xuất hiện của thanh tra tại nhà máy Samsung SDI Bắc Ninh

Những ngày gần đây có sự xuất hiện của thanh tra tại nhà máy Samsung SDI Bắc Ninh.

Galaxy Note 7 với giá bán lẻ khoảng hơn 20 triệu đồng được sản xuất tại 2 nhà máy Samsung ở Bắc Ninh và Thái Nguyên cũng như tại Hàn Quốc và Trung Quốc, trong đó pin được đóng gói tại Bắc Ninh, các công nhân cho biết. 

Các tế bào cấu thành nên viên pin (cell pin) được làm tại một trong những nhà máy Samsung SDI tại Hàn Quốc, Trung Quốc và Malaysia nhưng công ty từ chối cho biết chính xác là nhà máy nào. Sau đó, cell pin được gửi đến Samsung SDI Bắc Ninh để xử lý và đóng gói, lắp vào các thiết bị.

Pin Galaxy Note 7 được xử lý và đóng gói, lắp vào các thiết bị tại nhà máy Samsung Bắc Ninh.

Pin Galaxy Note 7 được xử lý và đóng gói, lắp vào các thiết bị tại nhà máy Samsung Bắc Ninh.

Các cell pin được gắn vào khuôn để tương thích với smartphone trước khi được niêm phong và lắp vào máy. Sau đó, chúng lại được lắp vào điện thoại tại một dây chuyền khác trong nhà máy Bắc Ninh.

Hiện Samsung đã thu hồi 2,5 triệu chiếc Galaxy Note 7 sau khi xảy ra ít nhất 25 trường hợp pin phát nổ. Samsung SDI là chi nhánh sản xuất pin của Tập đoàn Samsung nhưng hoạt động như một công ty riêng biệt.

Công nhân bị sa thải?

Theo Daily Mail, có gần 50.000 công nhân từ những ngôi làng và thị xã nghèo nhất Việt Nam phải làm tối đa 12 tiếng/ngày tại nhà máy Samsung.

Dù Samsung tuyên bố sẽ không cắt giảm việc làm tại 2 nhà máy ở Việt Nam bất chấp sự cố với điện thoại Galaxy Note7, công nhân trong nhà máy pin Bắc Ninh lại cho biết công ty đã bắt đầu cho nghỉ việc tạm thời. 

Một nữ công nhân 23 tuổi đã làm việc cho Samsung SDI được 2 năm bày tỏ sự lo ngại về tương lai của mình. "Chúng tôi đều rất lo lắng về tương lai. Quan chức có mặt ở đây trong vài tuần qua và các quản lý người Hàn Quốc có vẻ bực bội", nữ công nhân này cho biết.

 Công nhân Samsung SDI bày tỏ sự lo ngại về tương lai của mình.

 Công nhân Samsung SDI bày tỏ sự lo ngại về tương lai của mình. 

Gần 50.000 lao động đến từ những vùng nghèo nhất Việt Nam đã phải làm việc đến 12 giờ mỗi ngày tại khu phức hợp Samsung. Khu phức hợp này được xây dựng trên đất nông nghiệp tại một trong những thị trường lao động giá rẻ nhất khu vực Đông Nam Á.

Theo Daily Mail, công nhân làm việc tại nhà máy Samsung ở Bắc Ninh được trả lương tối thiểu khoảng 4 triệu một tháng, cao hơn so với mức lương tối thiểu 3,5 triệu đồng tại Việt Nam. Nếu làm thêm giờ thì thu nhập mỗi tháng của họ khoảng 8 triệu đồng, thậm chí có thể được 12 triệu đồng/tháng với công nhân tay nghề cao.

Nhà máy tại Việt Nam, nơi sản xuất pin cho các mẫu và các hãng khác, hiện vẫn đang hoạt động trong tuần này. Tuy nhiên, trao đổi với Daily Mail, công nhân cho biết cửa sổ trên tầng ba, nơi pin Note 7 được xử lý, đã đóng cửa và tắt điện trong khi các tầng khác vẫn làm việc vào buổi tối.

"Chúng tôi không biết những gì đang xảy ra nhưng một số đồng nghiệp của tôi đã được cho về nhà với 70% tiền lương và họ bảo phải chờ cho đến khi công việc có nhiều việc hơn", một công nhân nói với tờ Daily Mail. Các công nhân cũng được quản lý cảnh báo không được tiết lộ với ai về vấn đề bên trong nhà máy Samsung. Do đó, những công nhân chỉ tiết lộ với điều kiện được giấu tên, Daily Mail cho biết.

Vẫn tự tin Samsung sẽ phục hồi

Samsung đã đầu tư 300.000 tỷ đồng tại Việt Nam kể từ khi bắt đầu hoạt động cách đây 7 năm và tuyển dụng trực tiếp khoảng 130.000 lao động, ước tính có 270.000 công việc phụ trợ. Chỉ riêng tại Bắc Ninh, có hơn 2.000 khách sạn và nhà hàng mới mở từ năm 2011 đến năm 2015 nhờ sự có mặt của Samsung. GDP của tỉnh cao gấp 3 lần so với mức trung bình cả nước.

Khu phức hợp của Samsung ở Bắc Ninh đã sản xuất ra 100 triệu sản phẩm vào năm ngoái, tạo doanh thu 280.000 tỷ đồng, chiếm hơn 11% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Riêng năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Samsung đạt 33 tỷ USD.

Vụ bê bối nổ pin đã đặt ra câu hỏi về triển vọng của Samsung cũng như kinh tế Việt Nam. Dù vậy, các công nhân, ngồi ăn mì và uống bia tại khu xóm trọ nghèo vẫn tự tin rằng công ty sẽ phục hồi trở lại.

Các công nhân ngồi ăn mì và uống bia tại khu xóm trọ nghèo vẫn tự tin rằng công ty sẽ phục hồi trở lại.

"Trước khi Samsung xuất hiện, ở đây chẳng có gì cả", một công nhân 27 tuổi nói. "Họ là những nhà kinh doanh tài ba và sẽ sớm vượt qua trở ngại này. Tôi nghe được rằng các nhà khoa học của họ đã hoàn thành Galaxy S8. Chúng tôi sẽ bắt đầu sản xuất nó trong vài tháng nữa và đến lúc đó, sẽ có nhiều việc hơn bao giờ hết và những ồn ào này sẽ sớm bị lãng quên".

Công nhân Samsung tin sẽ có nhiều việc làm hơn trong thời gian tới khi đưa vào sản xuất Galaxy S8.

Công nhân Samsung tin sẽ có nhiều việc làm hơn trong thời gian tới khi đưa vào sản xuất Galaxy S8.

Trong khi đó, người phát ngôn của Samsung đã phủ nhận tin công nhân ở Samsung SDI bị cho thôi việc vì sự cố Note 7. "Không hề có chuyện có ai bị buộc nghỉ việc. Chúng tôi vẫn giữ nguyên số lượng công nhân như trước khi xảy ra sự cố Note 7", người này nói trong thư trả lời.

Nhưng khi được hỏi lý do tại sao lại có sự xuất hiện của thanh tra tại nhà máy SDI Bắc Ninh và người phát ngôn này đáp: "Miễn bình luận". Người này cũng chỉ cho biết các cell pin được chế tạo tại Hàn Quốc, Trung Quốc và Malaysia nhưng không xác nhận nhà máy nào đã gửi cell pin tới Việt Nam.

Tin mới lên