Công nghệ

Sự giả dối và cướp giật của Uber, WeWork và các startup chia sẻ

Nhà nghiên cứu Matt Stoller của Open Markets Institute khẳng định WeWork, Uber và hàng loạt startup kinh tế chia sẻ hoạt động theo mô hình “chủ nghĩa tư bản hàng giả” nguy hiểm.

Sự giả dối và cướp giật của Uber, WeWork và các startup chia sẻ

Chuyên gia Stoller - tác giả cuốn Goliath: The Hundred-Year War Between Monopoly Power and Democracy - gọi xu hướng các quỹ đầu tư đổ hàng chục tỷ USD vào nhiều startup kinh doanh lỗ là “chủ nghĩa tư bản hàng giả”. Và ví dụ hài hước nhất, mới nhất chính là WeWork, startup chia sẻ văn phòng đình đám, từng được định giá tới 47 tỷ USD.

Theo ông Stoller, WeWork không hẳn là một mớ rác rưởi vô dụng. Các văn phòng của WeWork được đánh giá là thiết kế đẹp, bài trí tốt. Dịch vụ này hoàn toàn có thể ăn nên làm ra ở quy mô nhỏ, phục vụ nhu cầu các công ty vừa và nhỏ.

Vấn đề là quy mô của WeWork được đẩy lên quá tầm trong khi giá trị vốn hóa cũng được thổi phồng tới mức vô lý: 47 tỷ USD. Cáo bạch IPO của WeWork và các điều tra sau đó cho thấy CEO WeWork Adam Neumann quản lý tệ hại và quá tham lam. Tuy nhiên, Neumann lại được tiếp cận nguồn vốn khổng lồ.

CEO WeWork bị đánh giá là kẻ tham lam và quản lý kém cỏi. Ảnh: Getty. 

“Bản thân Neumann không phải là kẻ quan trọng. Trung tâm quyền lực đằng sau mớ bòng bong này là các nhà đầu tư đã bơm hàng tỷ USD vào WeWork. Đó là Chủ tịch JP Morgan Jamie Dimon và CEO SoftBank Masayoshi Son”, chuyên gia Stoller khẳng định.

Quyền lực đứng sau WeWork và Uber

Ông Stoller đánh giá Dimon là một kẻ tầm thường, thiếu hiểu biết và dễ dàng bị Neumann “thuốc”. Ngược lại, tỷ phú Nhật Bản Son là nhân vật “thú vị” hơn nhiều. CEO SoftBank xây dựng danh tiếng nhờ khoản đầu tư sinh lãi 100 tỷ USD vào Alibaba. “Giống như nhiều nhà tài phiệt khác, Son rất quyền lực và có nhiều mối quan hệ chính trị đáng giá”, ông Stoller nhận xét.

Theo chuyên gia của Open Markets Institute, mô hình đầu tư của SoftBank là dùng biển tiền mặt để dìm chết đối thủ cạnh tranh. SoftBank đầu tư nhiều đợt vào WeWork, mua cổ phần startup này với giá cao hơn nhiều so với giá trị thực tế.

Tổng cộng SoftBank và quỹ Vision Fund đầu tư tới gần 11 tỷ USD vào WeWork. Startup chia sẻ văn phòng này được định giá tới 47 tỷ USD hồi tháng 1 bởi tỷ phú Son nói rằng nó có giá trị cao chứ không hề dựa trên cơ sở thực tế.

WeWork dùng hàng tỷ USD tiền mặt từ SoftBank để cung cấp dịch vụ cho thuê văn phòng với giá rẻ hơn các đối thủ. Công ty này hi vọng sẽ có lãi khi đã dìm chết các đối thủ và chiếm thế độc bá thị trường cho thuê văn phòng chia sẻ.

Như vậy, chiến lược của tỷ phú Son - cũng giống như nhiều nhà đầu tư mạo hiểm khác - là tìm một thị trường lớn, đổ tiền tỷ vào một công ty để nó có đủ nguồn lực đánh bật mọi đối thủ cho đến khi đạt vị thế độc quyền, rồi tận dụng sự độc quyền đó để kiếm lời.

CEO SoftBank Masayoshi Son, người đứng sau vụ bê bối WeWork. Ảnh: Reuters.

Chiến lược này còn được gọi là “định giá ăn cướp”. Trong những năm qua, mô hình này trở nên rất phổ biến. Startup xe trượt Bird (California, Mỹ) lỗ 100 triệu USD trong quý I, doanh thu chỉ đạt vỏn vẹn 15 triệu USD. Trước đó, Bird huy động được tới 718 triệu USD tiền đầu tư.

Tương tự, Uber và Lyft đốt tiền như lửa đốt rừng Amazon. Theo Business Insider, trong quý II Uber lỗ tới 5,2 tỷ USD. Cùng quãng thời gian đó, Lyft cũng lỗ 644 triệu USD. Cả hai công ty gọi xe này đều không đưa ra được chiến lược cụ thể nào để chứng minh rằng chúng có thể kinh doanh lãi trong tương lai.

Cần ngăn chặn chủ nghĩa tư bản hàng giả

Tại sao một công ty gọi xe khổng lồ như Uber lỗ nặng đến vậy? Công ty này không hề tốn nhiều tiền trả lương thưởng cho tài xế, bởi họ không được coi là nhân viên có hợp đồng. Khảo sát của Ridester cho thấy thu nhập của tài xế Uber tại Mỹ chỉ vào khoảng 9,73 USD/giờ, còn thấp hơn cả nhân viên nhà hàng thức ăn nhanh McDonald’s.

Vậy Uber đốt hàng tỷ USD vào đâu? Chính là khách hàng. Để chiếm thế độc quyền trên thị trường, Uber quyết liệt cắt giảm giá dịch vụ và hậu quả là mỗi khi có một khách hàng lên xe Uber là hãng này mất tiền. Nhà báo Dominic Rushe của Guardian, từng đoạt giải Pulitzer, mô tả Uber cũng như nền kinh tế chia sẻ là một “cú lừa”.

Nhà phân tích Stoller cũng gọi mô hình kinh doanh lỗ triền miên liên tục là “chủ nghĩa tư bản hàng giả”. “Chủ nghĩa tư bản hàng giả có thể gây ra những hậu quả kinh tế nguy hiểm. Cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn tại Mỹ (207-2010) là một ví dụ điển hình”, ông nhấn mạnh.

Uber cũng là một điển hình của "chủ nghĩa tư bản hàng giả". Ảnh: Getty

Cú lừa WeWork bị lật tẩy khi startup này phải công khai sức khỏe tài chính khi xin phép thực hiện phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu (IPO) theo quy định của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC). Điều đó có nghĩa là những con số mà SoftBank thổi phồng hoàn toàn không tương thích với tình hình kinh doanh thảm hại của WeWork.

“SEC được thành lập để ngăn chặn độc quyền và lừa đảo chứng khoán. Và nó đã hoạt động hiệu quả. Điều đó có nghĩa là chính sách công chuẩn mực có thể ngăn chặn chủ nghĩa tư bản hàng giả”, chuyên gia Stoller bình luận.

Theo nhà nghiên cứu của Open Markets Insititute, đã đến lúc chính phủ Mỹ khôi phục lại các luật ngăn chặn hành vi “định giá ăn cướp” và quản lý thị trường tài chính hiệu quả hơn. “Chỉ như vậy mới có thể tiêu diệt hoàn toàn mô hình chủ nghĩa tư bản hàng giả”, ông khẳng định.

Tin mới lên