Tài chính quốc tế

Sự kiện Hy Lạp có là bài học đắt giá của EU?

(VNF) - Thế là kịch bản nói "Không" với hơn 61% số phiếu đã diễn ra vào cuối ngày 5/7/2015. Tuy nhiên, ngay sau đó Chính phủ Hy Lạp lại làm ngược lại với ý chí của đa số cử tri, thông qua việc chấp nhận phần lớn các yêu cầu cải cách của bộ ba chủ nợ, để đối lấy gói cứu trợ thứ ba nhằm thoát khỏi kịch bản tuyên bố vỡ nợ. Giới nghiên cứu và dư luận cho rằng, sự kiện Hy Lạp là bài học đắt giá của EU.

Sự kiện Hy Lạp có là bài học đắt giá của EU?

Thông qua lá phiếu của mình, người dân Hy Lạp đã không chấp nhận đề xuất cải cách của bộ ba chủ nợ theo hướng "khắc khổ". Việc rời khỏi Eurozone của Athena tưởng chừng như sẽ xảy ra. 

Từ chuyển đổi liên minh, gia tăng thể chế…

Liên minh tiền tệ ra đời gắn với Eurozone (1999). Theo đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nắm quyền phát hành đồng Euro và ấn định tỷ giá, nhưng việc quản lý vĩ mô và điều hành tài chính, ngân hàng vẫn thuộc quyền các quốc gia riêng biệt, khiến hiệu quả điều hành chung bị hạn chế.

Ý tưởng về Liên minh Ngân hàng thay thế cho Liên minh Tiện tệ được hình thành từ năm 2012, nhưng phải đến năm 2013 mới rõ nét. Liên minh mới ra đời đã tạo nên một "Cơ chế giám sát duy nhất" (MUS) cho các ngân hàng, đồng thời giải quyết hậu quả nếu một ngân hàng nào đó đứng trước nguy cơ mất thanh khoản.

Nghị viện châu Âu và Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên EU đã trao cho ECB chức năng giám sát chặt chẽ các ngân hàng trong khu vực (trừ Vương quốc Anh). Ngoài ra, trong trường hợp ngân hàng nào đó bị phá sản, liên minh có trách nhiệm bảo đảm bồi thường một khoản tiền lớn lên tới 100.000 euro.

Thể chế của Liên minh Ngân hàng gồm hai trụ cột. Thứ nhất là Cơ chế giải quyết chung (SRM), với một quỹ có giá trị 55 tỷ euro (76 tỷ USD) do các ngân hàng đóng góp trong thời gian hơn mười năm (2015-2025).

Theo đó, một cơ quan ra nghị quyết của EU cũng được thành lập – với chức năng xem xét và đưa ra các quyết định đối với số phận của các ngân hàng làm ăn thua lỗ, chấm dứt việc dùng các khoản thuế của dân để cứu trợ các ngân hàng yếu kém. SRM đã đi vào hoạt động từ đầu năm nay và sẽ kết thúc vào năm 2025.

Và thứ hai là Cơ chế giải quyết duy nhất. ECB chịu trách nhiệm giám sát trực tiếp những ngân hàng lớn nhất Eurozone. Số ngân hàng này hiện vào khoảng 130, chiếm 85% tài sản của ngân hàng các nước thành viên Eurozone. Và 6.000 ngân hàng thông qua cơ quan giám sát của các nước thành viên.

"Quỹ giải thể ngân hàng" có nhiệm vụ trang trải việc đóng cửa ngân hàng và cung cấp các khoản tài chính khẩn cấp, nhằm chấm dứt "kỷ nguyên" bảo lãnh ồ ạt. Nếu vượt quá "quy trình tự cứu", các tài khoản tiền gửi tiết kiệm trị giá dưới 100.000 euro (137.000 USD) sẽ được an toàn theo cơ chế bảo lãnh tiền gửi, phần lớn hơn 100.000 euro người gửi phải chấp nhận chịu thiệt.

Cơ quan giám sát ngân hàng duy nhất (SSM) cũng được trao cho ECB, cơ quan này trực tiếp giám sát khoảng 200 ngân hàng lớn nhất, có giá trị tài sản hơn 30 tỷ euro (39 tỷ USD) trong số khoảng 6.000 ngân hàng cho vay trong khu vực và can thiệp các ngân hàng nhỏ hơn, khi các ngân hàng này gặp rắc rối.

Đến ứng dụng "không thành"…

"Thắt lưng buộc bụng", đã có lúc được coi là liều thuốc chữa bách bệnh cho các nền kinh tế bị khủng hoảng của EU, thì nay nó lại trở thành lực cản của quá trình tăng trưởng và thậm chí có nguy cơ phá vỡ khối liên kết châu Âu.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tình trạng phản tác dụng của các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" chủ yếu là do những nhượng bộ quá mức của các nhà hoạch định chính sách EU đối với các nước trong những vấn đề như thanh toán nợ và giảm thâm hụt ngân sách.

Hy Lạp đã từng là quốc gia đầu tiên thỏa thuận với bộ 3 chủ nợ quốc tế (EC, ECB, IMF) về chương trình "thắt lưng buộc bụng" (4/2013), nhưng từ khi chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras lên nắm quyền, thì giải pháp khắc khổ đó bị kịch liệt tẩy chay, đây cũng là chủ đề trưng cầu ý dân của Hy Lạp trong ngày 5/7/2015 vừa qua.

Liên minh Ngân hàng ra đời là vì lợi ích của khu vực, nhưng cũng tạo ra mâu thuẫn lợi ích giữa các quốc gia thành viên. Bởi quỹ 55 tỷ euro do các ngân hàng đóng góp rất có lợi cho các quốc gia đang có mức nợ công cao, còn các nước khác lại phải thiệt thòi như nước Đức, Pháp…

Trong khi người dân Đức không muốn hiệu quả "thắt lưng buộc bụng" của họ lại dùng để "cứu" các ngân hàng yếu kém của Hy Lạp, Tây Ban Nha, Ireland hay Italia… thì Pháp, với vị thế chủ nợ, lại nhìn nhận Liên minh Ngân hàng ở góc độ chung cần chia sẻ trách nhiệm khu vực.

Sự kiện Hy Lạp tưởng trừng là quốc gia thành viên lần đầu tiên phá lệ "thắt lưng buộc bụng", nhưng sự "cứng rắn" của bộ ba chủ nợ đã thành công, mặc dù có áp lực của cuộc trưng cầu ý dân.

Tuy nhiên, trước nguy cơ đổ vỡ, Chính phủ Hy Lạp vẫn phải "ngậm đắng" chấp nhận những yêu của của liên minh và các chủ nợ để vẫn ở lại khu vực Eurozone.

Và bài học tiếp theo…

Qua cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp, dù muốn hay không EU cũng sẽ phải nhìn nhận lại những chính sách hiện có và việc cải tổ EU là điều khó tránh.

Trước nguy cơ "vỡ nợ" của Hy Lạp, các nhà lãnh đạo EU cũng đã rút ra một số bài học và dự kiến sẽ thảo luận các vấn đề tại Hội nghị thượng đỉnh EU trong thời gian tới như: (1) phát hành trái phiếu chung, (2) xây dựng thị trường thống nhất, (3) xây dựng hệ thống tiền tệ (4) và thay đổi một số điều khoản trong Hiệp ước chung châu Âu… 

Theo đó tập trung tháo gỡ các vấn đề chủ chốt như: (1) nâng cao khả năng cạnh tranh của EU bằng cách tối ưu hóa các quy định; (2) mở rộng Eurozone, nhưng không tổn hại đến lợi ích của thành viên EU nhưng không nằm trong khu vực này; (3) hạn chế phúc lợi xã hội đối với người nhập cư; (4) tăng thêm quyền hạn cho nghị viện các nước thành viên; (5) sớm kết thúc đàm phán FTA với Mỹ và các nước châu Á...

Như vậy, từ chuyển đổi liên minh, với các thể chế tương ứng nhằm quyết tâm thoát khỏi khủng hoảng nợ công đã không thành, để ngăn cản sự "vỡ nợ" của Athena là một quá trình khó khăn, và câu hỏi sự kiện Hy Lạp liệu có còn lặp lại ở đâu đó trong các thành viên Eurozone hay không vẫn đang còn để ngỏ. 

Với giải pháp "thắt lưng, buộc bụng" đã thành công ở Đức, nhưng lại bị gượng ép ở Ireland, Bồ Đào Nha, và đến Hy Lạp (lần hai) thì "suýt nữa bị đứt" vì đây là khâu "yếu nhất", khiến các nhà nghiên cứu, hoạch định chính sách và dư luận, không khỏi nghi ngờ các bước "cải cách" vừa qua của EU, nhất là không đủ kiên nhẫn để tin vào giải pháp "khắc khổ" mà các chủ nợ áp đặt cho các con nợ trong khu vực Eurozone.

Và với câu trả lời "Không" của người dân Hy Lạp ngày 5/7, và nói "Có" của Chính phủ Hy Lạp vừa qua đã tác động mạnh đến toàn bộ châu Âu, nhất là khu vực Eurozone.

Giờ đây, vấn đề ở lại hay ra đi khỏi Eurozone của Hy Lạp tạm thời không phải bàn đến, nhưng việc cải tổ toàn diện của Liên minh châu Âu đã và đang đặt ra một cách cấp bách.

Tuy nhiên, Athena sẽ phải bươn trải như thế nào sau khi "vỡ nợ hụt" và bài học nào sẽ được EU tiếp tục rút ra để Liên minh kinh tế này phục hồi và tiếp tục phát triển vẫn còn đang ở phía trước.

Tin mới lên