Diễn đàn VNF

Sứ mệnh lịch sử của Luật Đầu tư

Kể từ khi ra đời Luật Đầu tư đã thúc đẩy nhanh chóng quá trình thu hút vốn đầu tư vào mọi lĩnh vực, đặc biệt là thu hút vốn FDI.

Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư, khẳng định như vậy khi trao đổi với phóng viên

Theo thống kê, cho đến nay, Việt Nam có khoảng 750.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Việc thu hút đầu tư nước ngoài đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Giai đoạn 2016-2018, số lượng dự án đăng ký và vốn đầu tư giải ngân tăng nhanh. Riêng năm 2018, vốn giải ngân đạt gần 20 tỷ USD.

- Nhưng nhiều quan điểm vẫn cho rằng, Luật Đầu tư đã hết vai trò lịch sử và đã đến lúc chúng ta phải bỏ Luật Đầu tư, thưa ông?

GS Nguyễn Mại: Bắt đầu từ năm 1987, với mục tiêu khuyến khích đầu tư nước ngoài, Luật Đầu tư nước ngoài của Việt Nam ra đời. Đáng chú ý toàn bộ Luật này chỉ có một đoạn đầu nói về khuyến khích đầu tư, nói chung là quản lý doanh nghiệp đầu tư, quản trị, tổng giám đốc, cách phân chia tài chính, phân chia lợi nhuận.

Đến năm 1991, bắt đầu có một số doanh nghiệp tư nhân ở trong nước cho rằng, Chính phủ đã ưu đãi quá nhiều nhà đầu tư nước ngoài mà không chú ý nhà đầu tư trong nước. Do đó mà ra đời Luật Khuyến khích đầu tư trong nước vào năm 1991.

Tuy nhiên, hai luật này về bản chất không phải là luật đầu tư bởi một luật điều chỉnh doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, một luật khuyến khích đầu tư tư nhân trong nước.

Sự ra đời của Luật Đầu tư (năm 2005) đã xoá bỏ phân biệt đối xử, tạo lập sân chơi bình đẳng cho cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, khuyến khích, ưu đãi và quản lý hữu hiệu các hoạt động đầu tư kinh doanh, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Cho đến bây giờ việc lựa chọn các dự án đầu tư là vấn đề rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế. Chúng ta không thể thu hút FDI một cách bừa bãi...

Như vậy, xét một cách khách quan, thì việc ra đời Luật Đầu tư là một đặc biệt riêng có của Việt Nam và nó có trọng trách, cùng vai trò lịch sử của mình.

-Hiện tại, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phàn nàn rằng, thủ tục đăng ký đầu tư đang rất phiền hà, làm cản trở quá trình kinh doanh của doanh nghiệp, thưa ông?

Với doanh nghiệp trong nước, việc xin giấy đăng ký là rất đơn giản.

Còn với đầu tư nước ngoài, trước Luật Đầu tư 2014, doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam có hai cách. Một là, anh lập doanh nghiệp trước, và lập thủ tục đầu tư sau. Hai là, khi anh muốn đầu tư vào một dự án nào đó bằng cách mua cổ phần của doanh nghiệp nội thì việc này sẽ được ghi trong giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp.

Cho đến bây giờ việc lựa chọn các dự án đầu tư là vấn đề rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế. Chúng ta không thể thu hút FDI một cách bừa bãi rồi để mặc các doanh nghiệp này tàn phá đất nước mình được.

Hiện nay, có rất nhiều địa phương công bố cấp phép đầu tư trong thời gian rất ngắn. Điển hình như Samsung với dự án 3 tỉ USD được cấp phép đầu tư chỉ trong một ngày. Đương nhiên phải hạn chế nhũng nhiễu, nhưng bảo thủ tục phiền hà để bỏ Luật Đầu tư là không có cơ sở.

Đáng nói, việc bỏ đi Luật Đầu tư và xây dựng một Bộ luật mới sẽ mất rất nhiều thời gian. Trong khi đó, nguồn lực của chúng ta ở thời điểm hiện tại không cho phép thực hiện điều này.

-Nhưng thời đại hôm nay đã biến đồi rất nhiều, hoạt động đầu tư cũng vì thế mà trở nên đa dạng hơn nên những quy định trong Luật Đầu tư vì thế mà đã bộc lộ những hạn chế nhất định, thưa ông?

Quả đúng là như vậy, đúng là sau nhiều năm thực thi, Luật đã phát sinh một số vướng mắc chính cần phải sửa đổi. Cụ thể là:

Thứ nhất, lĩnh vực và địa bàn khuyến khích đầu tư còn dàn trải, thiếu tính thống nhất và chưa thật sự hướng mạnh vào việc thu hút các dự án đầu tư với chất lượng, hiệu quả cao.

Thứ hai, các quy định về quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư cũng như cơ chế phối hợp giữa cơ quan trung ương và địa phương nói riêng chưa được hoàn thiện kịp thời trong bối cảnh thực hiện chế độ phân cấp.

Thứ ba, các quy định về điều kiện đầu tư và thủ tục đầu tư thiếu tính minh bạch, khả thi và đồng bộ, chưa thật sự tạo lập được một mặt bằng pháp lý bình đẳng cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài; đồng thời, chưa có cơ chế để đảm bảo thực hiện một cách nhất quán và hiệu quả các cam kết quốc tế của Việt Nam về điều kiện đầu tư, kinh doanh.

Thứ tư, các quy định về cấp Giấy chứng nhận đầu tư và triển khai thực hiện dự án còn phức tạp, tồn tại nhiều đầu mối xem xét, giải quyết, không phù hợp với chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp.

-Vậy, ông có gợi ý như thế nào để Luật Đầu tư 2020 được sửa đổi một cách toàn diện nhất?

Việt Nam đang bước vào giai đoạn mới, thì phải có cách tiếp cận mới, chính sách mới trong Luật Đầu tư Việt Nam.

Theo đó, với những vấn đề như: Việc tiếp cận đất đai, xây dựng công trình, tuyển dụng lao động, tuân thủ tiêu chuẩn môi trường, tiêu chuẩn an toàn sản phẩm... vào trong các luật chuyên ngành để các luật này điều chỉnh. Với Luật Đầu tư, chúng ta chỉ cần giữ được khung chính sách căn bản của Luật.

Với các dự án đầu tư nước ngoài, Luật phải đảm bảo giữ chính sách nhất quán, có chọn lọc, không được thu hút đầu tư nước ngoài một cách dễ dãi, tùy tiện nhưng cũng không được tạo ra quá nhiều thủ tục hành chính để làm khó doanh nghiệp. Đồng thời, cần có các biện pháp bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, bởi đây là yếu tố quan trọng trong việc thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài.

Cuối cùng, trong quá trình soạn thảo, ban soạn thảo cũng cần lưu ý về cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, có nhiều vấn đề mới nảy sinh mà chưa có pháp luật điều chỉnh. Điển hình là Grab và Uber, Fintech (công nghệ tài chính), AI (trí tuệ nhân tạo)… một số ngành nghề không tồn tại, một số ngành nghề mới xuất hiện. Do đó cần có cách tiếp cận thích hợp để không lấy luật pháp hiện hành điều chỉnh hành vi mới và không căn cứ vào luật pháp hiện hành để xử lý theo hướng “vi phạm luật pháp” vì cả hai đều cản trở việc thực hiện theo hướng đổi mới, sáng tạo.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Tin mới lên