Bất động sản

Sửa đổi Luật Đấu thầu: Cần gỡ vướng trong đấu thầu dự án có sử dụng đất

(VNF) - Một trong những điểm mới quan trọng của Luật Đấu thầu (sửa đổi) là mở rộng phạm vi điều chỉnh, luật hóa quy định về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án khu đô thị, nhà ở thương mại, trụ sở, văn phòng làm việc, công trình thương mại, dịch vụ…) vốn đang được quy định ở cấp nghị định. Dẫu vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, còn nhiều điểm Luật Đấu thầu (sửa đổi) phải rà soát để khớp nối với các luật liên quan như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đầu tư.

Sửa đổi Luật Đấu thầu: Cần gỡ vướng trong đấu thầu dự án có sử dụng đất

Luật Đấu thầu (sửa đổi) cần rà soát để gỡ vướng đấu thầu dự án có sử dụng đất

Nhà đầu tư được giao đất theo cơ chế nào?

Theo Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Điều 1 của Luật Đấu thầu (sửa đổi)  quy định phạm vi điều chỉnh gồm đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện “Dự án đầu tư có sử dụng đất để xây dựng khu đô thị; xây dựng công trình dân dụng có một hoặc nhiều công năng gồm: nhà ở thương mại; trụ sở, văn phòng làm việc; công trình thương mại, dịch vụ; dự án đầu tư phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật”. Các loại hình dự án nêu trên được kế thừa từ Nghị định số 25/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, Nghị định số 35/2021/NĐ-CP).

Như vậy, dự thảo Luật Đấu thầu sẽ mở rộng phạm vi điều chỉnh, hoàn thiện các quy định về hình thức, phương thức tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; khắc phục bất cập, hạn chế, nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu thầu, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, tiếp tục cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục đấu thầu, hoàn thiện quy định về ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên theo các chuyên gia, so với Nghị định 25, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) còn thiếu quy định về việc triển khai thực hiện dự án của nhà đầu tư trúng đấu thầu sau khi ký kết hợp đồng dự án.

“Điều 60 Nghị định 25 đã quy định rõ về triển khai thực hiện dự án. Sau khi phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư; các bên ký kết hợp đồng dự án; nhà đầu tư nộp tiền giải phóng mặt bằng (GPMB) để nhà nước thu hồi đất và giao đất cho nhà đầu tư không qua đấu giá. Như vậy, dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) cần bổ sung quy định như tại Điều 60 Nghị định 25; hoặc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần trao đổi với Bộ Tài nguyên Môi trường, cơ quan chủ trì soạn Luật Đất đai, để bổ sung các quy định nêu trên vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Nếu Luật Đất đai sửa đổi và Luật Đấu thầu sửa đổi đều không quy định nội dung này sẽ gây khoảng trống pháp luật như giai đoạn trước”, luật sư Lê Văn Thắng (đoàn luật sư TP. HCM) cho biết.

Còn theo đại diện của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, trước khi Nghị định 25 có hiệu lực, các địa phương đều lúng túng trong việc giao đất cho nhà đầu tư trúng đấu thầu do Luật Đất đai 2013 chỉ quy định 2 cơ chế giao đất: giao đất thông qua đấu giá và giao đất không thông qua đấu giá mà “bỏ quên” cơ chế giao đất thông qua đấu thầu và cũng không ghi nhận hình thức đấu thầu dự án có sử dụng đất như Luật Đất đai 2003.

“Điều 60 Nghị định 25 đã tháo gỡ cơ chế triển khai, tuy nhiên do quy định nằm trong một văn bản dưới luật, để tránh xung đột, chồng chéo, cần luật hóa hình thức đấu thầu dự án trong Luật Đất đai sửa đổi và quy định trường hợp đấu thầu dự án thì giao đất không qua đấu giá", vị đại diện này chia sẻ.

Khẳng định vai trò của chính quyền địa phương

Bà Nguyễn Hồng Mai, Phó tổng giám đốc Bình Minh Land (quận 7, TP. HCM) cho hay, một trong những sức hấp dẫn của hình thức đấu thầu dự án là nhà đầu tư được miễn giải phóng mặt bằng, công việc này thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. Nhà đầu tư trúng thầu ứng tiền để địa phương chi GPMB, thu hồi đất và giao đất cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, các dự án nhà ở thương mại; trụ sở, văn phòng làm việc; công trình thương mại, dịch vụ lại không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất theo pháp Luật Đất đai hiện hành.

“Khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai năm 2013 quy định các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng gồm các dự án do HĐND cấp tỉnh chấp thuận: dự án xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước; dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của địa phương; dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư... Tuy nhiên các dự án nhà ở thương mại; trụ sở, văn phòng làm việc; công trình thương mại, dịch vụ theo dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi không thuộc trường hợp thu hồi đất theo Luật Đất đai, vậy làm sao chúng tôi hy vọng có thể áp dụng phương thức đấu thầu" bà Mai phân tích.

Do đó, theo luật sư Thắng, với phương án sửa đổi Luật Đấu thầu nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đảm bảo thống nhất, đồng bộ, khớp nối các loại hình dự án được đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư với các dự án được thu hồi đất.

“Điều 52 dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi quy định về căn cứ lập danh mục dự án. Đây là các quy định được luật hóa từ Nghị định 25. Tuy nhiên dự thảo thiếu quy định điều kiện tiên quyết là thuộc danh mục dự án cần thu hồi đất theo pháp luật về đất đai hoặc thuộc khu đất do nhà nước đang quản lý, sử dụng (đã quy định tại Điều 11 Nghị định 25). Do vậy, cần bổ sung điều kiện để thuận lợi cho triển khai dự án, GPMB của nhà đầu tư trúng thầu”, ông Trần Quyết, chủ đầu tư một dự án nhà ở công nhân ở Bình Dương, cho hay.

So sánh đấu giá đất và đấu thầu dự án có sử dụng đất, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, đánh giá việc thực hiện đúng các quy định của pháp luật về đấu giá sẽ là phương thức có thể ngăn chặn được tham nhũng về đất trong quá trình giao đất, cho thuê đất của nhà nước. Đây là phương thức luôn đặt mục tiêu duy nhất là thu giá trị đất đai cao nhất, lựa chọn được các nhà đầu tư có tiềm năng tài chính lớn.

Tuy nhiên, nhà nước chỉ có thể xem xét và lựa chọn các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính cao mà không quan tâm tới các yếu tố khác của dự án, đồng thời cơ chế đấu giá đất thường rất phức tạp. Trong khi đó, đấu thầu dự án có sử dụng đất mang tính toàn diện, không chỉ căn cứ vào một tiêu chí duy nhất là mức độ thu về giá trị đất đai. Một dự án đầu tư cần được phân tích cả về phát triển lẫn bền vững. Do đó, phương thức đấu thầu dự án có sử dụng đất cần được áp dụng đối với tất cả các dự án đầu tư mà nhà nước thu hồi đất có mục tiêu lợi nhuận, kể cả trường hợp đã giải phóng mặt bằng hoặc chưa giải phóng mặt bằng. Trong đó cần có cơ chế rõ ràng về trách nhiệm của chính quyền trong việc giao đất sạch cho nhà đầu tư.

Tại hội thảo mới đây do Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội tổ chức về góp ý kiến cho Luật Đấu thầu (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Phú Cường cũng cho rằng Luật Đấu thầu (sửa đổi) cần được nghiên cứu kĩ lưỡng, phải gỡ được những điểm vướng mắc tồn tại hiện nay chứ không thể lại làm vướng hơn.

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng Luật Đấu thầu (sửa đổi) cần phải đảm bảo mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật, hoàn thiện các quy định về hình thức, phương thức tổ chức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; đảm bảo công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, tiếp tục cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục đấu thầu; đặc biệt, nghiên cứu sửa đổi luật cần phải có sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tránh mâu thuẫn, xung đột với các luật có liên quan như Luật Đầu tư, Luật Đất đai.

Tin mới lên