Tiêu điểm

Sửa Luật Xây dựng 2014: Làm rõ quy định về chuẩn bị và thực hiện dự án

(VNF) - Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 , sau 4 năm đi vào thực tiễn, cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung một số nội dung nhằm thống nhất Luật với các văn bản hướng dẫn, các đạo luật khác liên quan đến đầu tư xây dựng và phù hợp thông lệ quốc tế.

Sửa Luật Xây dựng 2014: Làm rõ quy định về chuẩn bị và thực hiện dự án

Ông Lê Văn Thịnh, nguyên là Trưởng phòng Giám định 1, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng)

Liên quan đến vấn đề này, VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Thịnh, nguyên là Trưởng phòng Giám định 1, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng)

Thưa ông, Luật Xây dựng 2014 sau 04 năm đi vào thực tiễn đã thể hiện rõ nét những ưu điểm và bất cập gì?

Luật cơ bản tháo gỡ nhiều khó khăn trong quá trình chuẩn bị dự án, thực hiện dự án đầu tư xây dựng, hướng đến cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, hoạt động xây dựng, tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong đầu tư xây dựng và hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hóa các quy định của Luật vẫn tồn tại một số vướng mắc, chưa phủ kín hết hành lang pháp lý.

 Xin ông cho biết cụ thể, vướng mắc ở đây là gì?

Một vấn đề rất đơn giản thôi là cách phân loại công trình giữa Luật với Thông tư hướng dẫn số 03/2016/TT-BXD và thông lệ quốc tế không thống nhất. Bên cạnh đó, việc không bắt nhà thầu thi công xây dựng mua bảo hiểm dân sự cho người lao động thi công trên công trường là không phù hợp với thông lệ quốc tế.

Về vấn đề quy hoạch xây dựng thì sao, thưa ông?

Nội dung này đang có sự không tương thích giữa Luật Xây dựng và Luật Đầu tư, cụ thể là thủ tục giới thiệu địa điểm xây dựng trong giai đoạn hình thành dự án.

Theo quy định tại Điều 46 của Luật Xây dựng, cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng có trách nhiệm giới thiệu địa điểm đầu tư xây dựng cho các nhà đầu tư khi có yêu cầu.

Tuy nhiên, Điều 33 của Luật Đầu tư trong hồ sơ thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, yêu cầu nhà đầu tư phải nộp “Đề xuất dự án đầu tư trong đó có nội dung về địa điểm đầu tư”. Như vậy, nhà đầu tư phải có địa điểm đầu tư trước khi thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, chẳng khác nào “đánh đố” nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, Luật Xây dựng 2014 đang thiếu chế tài xử lý vi phạm quy định về quy hoạch, mặc dù Luật đã đưa ra các quy định về quy hoạch vùng, quy hoạch khu chức năng đặc thù, tổ chức thực hiện quy hoạch xây dựng và quản lý theo quy hoạch xây dựng nhằm khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, khép kín giữa các địa phương, nhưng tình trạng này vẫn chưa giảm.

Hiện vẫn xảy ra tình trạng quy hoạch chậm trễ, xây dựng xong công trình mới hoàn thành quy hoạch khiến nhiều công trình sai vị trí, không gian hoặc sai quy hoạch, khi xây dựng xong không sử dụng được vì không có chế tài xử lý mạnh.

Xin ông cho biết những bất cập liên quan đến việc chuẩn bị dự án/đầu tư trong Luật Xây dựng 2014?

Khoản 2, Điều 52 của Luật Xây dựng không đề cập đến việc lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư đối với các dự án thực hiện theo Luật Đầu tư công cũng như các loại dự án bằng nguồn vốn khác.

Hiện nay, hầu hết các dự án bằng nguồn vốn khác đều không có Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thậm chí không có Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư. Doanh nghiệp chỉ có tờ trình là UBND cấp tỉnh có quyết định chủ trương đầu tư.

Ngoài ra, Luật Xây dựng quy định cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở nhưng không thẩm định thiết kế công nghệ là trái nguyên tắc thiết kế đi từ ruột ra vỏ.

Về chi phí, nội dung thẩm định dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách không thống nhất với thẩm định thiết kế. Thẩm quyền thẩm định báo cáo kinh tế-kỹ thuật đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách không rõ ràng và ôm đồm.

Cần làm rõ khi nào phải thuê tư vấn thẩm tra dự án, việc thẩm tra dự án có là bắt buộc, cơ quan nào có trách nhiệm tổng hợp kết quả thẩm định dự án trình người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, phê duyệt, người quyết định đầu tư có được ủy quyền cho chủ đầu tư quyết định dự án. Riêng đối với vấn đề thẩm định dự án đầu tư xây dựng, tôi cho rằng nên quay trở về với các quy định của Luật Xây dựng 2003.

Về hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư xây dựng, Luật Xây dựng 2014 quy định Ban quản lý chuyên ngành, khu vực do Bộ trưởng, UBND cấp tỉnh quyết định thành lập là đơn vị sự nghiệp công lập dẫn đến sự lúng túng, vướng mắc trong việc xây dựng cơ chế quản lý tài chính của Ban quản lý dự án.

Nhiều Bộ/ngành có ít dự án, một số dự án được đầu tư nằm rải rác tại nhiều vùng trong khắp cả nước dẫn đến việc thành lập Ban quản lý chuyên ngành/khu vực của Bộ/ngành gặp khó khăn về cán bộ quản lý dự án, kinh phí cho hoạt động thường xuyên, xử lý các phát sinh trong quá trình thực hiện dự án không kịp thời dẫn đến chất lượng quản lý dự án và tính chuyên nghiệp không cao.

Bên cạnh đó, với quy định tại Điều 62 của Luật xây dựng về thuê tư vấn quản lý dự án đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách, vốn khác và dự án có tính chất đặc thù, đơn lẻ, thì hầu hết các dự án đều vi phạm.

Tôi đề nghị mở rộng đối tượng, quy mô dự án được áp dụng hình thức chủ đầu trực tiếp thực hiện quản lý dự án. Riêng với nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng tại Điều 66 của Luật Xây dựng 2014, hiện chưa có văn ban quy phạm pháp luật nào quy định hoặc hướng dẫn cụ thể.

Đối với các nội dung liên quan đến khảo sát, thiết kế dự án, Luật Xây dựng 2014 và Nghị định số 50/2015/NĐ-CP chưa quy định điều kiện năng lực tổ chức, cá nhân lập nhiệm vụ khảo sát xây dựng mặc dù Nghị định số 46/2015/NĐ-CP quy định ngưới quyết định đầu tư/chủ trương đầu tư được thuê tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực lập nhiệm vụ khảo sát xây dựng.

Tại Nghị định số 46/2015/NĐ-CP, công tác nghiệm thu, phê duyệt báo cáo kết quả khảo sát xây dựng, cần phải lập biên bản nghiệm thu không phải là thông báo chấp nhận nghiệm thu, làm rõ nội dung phê duyệt nhiệm vụ thiết kế, thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ thiết kế, người đại diện theo pháp luật của chủ đầu tư ký, ghi rõ rõ tên, chức vụ và đóng dấu pháp nhân để làm gì. Xác định rõ số bước thiết kế (thiết kế hai bước, thiết kế ba bước, thiết kế bốn bước và thiết kế gồm các bước khác).

Nên nhớ là không bao giờ có thiết kế một bước và cần có hướng dẫn cụ thể về nội dung thuyết minh và bản vẽ cho từng bước thiết kế. Xác định rõ Hồ sơ thiết kế, hiện Luật Xây dựng 2014 và Nghị định số 59/2015/NĐ-CP đang vênh nhau và cùng sai khi đề cập đến vấn đề này.

Hồ sơ thiết kế phải được lập cho từng công trình bao gồm thuyết minh thiết kế, bản tính, các bản vẽ thiết kế, các tài liệu khảo sát xây dựng liên quan, dự toán xây dựng công trình, chỉ dẫn kỹ thuật và quy trình bảo trì công trình xây dựng.

Chỉ dẫn kỹ thuật quy định tại Nghị định số 46/2015/NĐ-CP cần viết lại với ý: Công trình ở bất kỳ cấp nào cũng phải có chỉ dẫn kỹ thuật, công trình từ cấp II trở lên phải lập chỉ dẫn kỹ thuật riêng, công trình các cấp còn lại có thể lập riêng hoặc quy định trong thuyết minh thiết kế xây dựng công trình. Chủ đầu tư phải chỉ ra những loại vật liệu phải làm thí nghiệm và cấu kiện, kết cấu phải kiểm định.

Cần bổ sung việc sử dụng chữ ký số, điện tử thay cho chữ ký trực tiếp trên bản vẽ. Bỏ thẩm tra thiết kế và tư vấn thẩm tra dự toán vì báo cáo thẩm tra thiết kế chỉ là hình thức, là chỗ dựa cho nhà thầu thiết kế không chú trọng chất lượng thiết kế và cơ quan chuyên môn về xây dựng cũng chép từ đó ra.

Riêng đối với thẩm định thiết kế, công trình sử dụng vốn ngân sách và công trình sử dụng vốn ngoài ngân sách phải có sự thẩm định cả thiết kế và dự toán của cơ quan chuyên môn về xây dựng. Đối với công trình sử dụng vốn khác, chủ đầu tư không cần trình thẩm định cơ quan chuyên môn về xây dựng.

Cơ quan chuyên môn phải thẩm định cả thiết kế công nghệ, nếu không thì phải bổ sung Báo cáo kết quả thẩm định thiết kế công nghệ trong hồ sơ trình thẩm định thiết kế cho cơ quan chuyên môn về xây dựng.

Về điều kiện năng lực, cần làm rõ khái niệm “hành nghề độc lập” và bỏ thi sát hạch vì cơ quan sát hạch cũng là cơ quan cấp Chứng chỉ hành nghề tổ chức, bộ đề thi mang tính lý thuyết và soạn sai quá nhiều, cho nên nhiều khi biết đáp án sai vẫn cứ phải làm theo đáp án để khỏi bị trượt.

Bỏ bớt Chứng chỉ hành nghề những cá nhân trực tiếp thực hiện quản lý dự án, thiết kế, định giá, giám sát thi công xây dựng. Những người phụ trách các công việc này mới cần Chứng chỉ hành nghề như: Giám đốc quản lý dự án, chủ nhiệm, chủ trì thiết kế, chủ trì thẩm tra thiết kế, giám sát trưởng, chủ trì kiểm định, chủ trì định giá xây dựng.

Điều chỉnh điều kiện của Chỉ huy trường công trường, không quy định phải có Chứng chỉ hành nghề giám sát. Bỏ toàn bộ Chứng chỉ năng lực chuyển sang Điều kiện hành nghề. Làm rõ Điều kiện đối với Chỉ huy trưởng công trường, nên tập trung về kinh nghiệm, năng lực thực tế. Riêng đối với nhà thầu thiết kế nước ngoài không cần Chứng chỉ hành nghề tại Việt Nam vì không hoạt động xây dựng tại Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Tin mới lên