Tài chính

Sửa nghị định 20: Hồi tố thuế có thật sự 'nguy hiểm' theo như Bộ Tài chính?

Luật thuế quy định rất "ghê gớm" là thời hạn truy thu thuế đối với những hành vi vi phạm lên tới 10 năm. Vậy tại sao, với những khoản nộp thừa lại không bù trừ cho doanh nghiệp vào các năm tiếp theo?

Sửa nghị định 20: Hồi tố thuế có thật sự 'nguy hiểm' theo như Bộ Tài chính?

Hồi tố thuế sẽ là tin vui giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Ảnh: Phạm Hùng

"Vấn đề là phải sòng phẳng, sai phải sửa. Nếu doanh nghiệp có dấu hiệu trốn thuế, chuyển giá thì 1 đồng cũng phải thu, nhưng đây là thu sai, doanh nghiệp không chuyển giá, không ăn bớt” – Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật Basico, nêu quan điểm về việc hồi tố khoản thuế 2017, 2018 thu sai của doanh nghiệp.

Đảm bảo công bằng và lợi ích hàng triệu người

- Bộ Tài chính mới đây đã công bố dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP (Nghị định 20) theo hướng tăng mức khống chế chi phí lãi vay lên 30% thay vì mức 20% như hiện tại. Ông đánh giá như thế nào về điều chỉnh này?

Luật sư Trương Thanh Đức: Sau gần 3 năm áp dụng Nghị định 20 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, hiện tại, mức trần này mới được đề xuất sửa. Thực tế, ngay từ đầu, tôi vẫn lo lắng vì mục đích của nghị định là chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Tuy nhiên, với doanh nghiệp nước ngoài, họ có rất nhiều "chiêu" để qua mặt cơ quan chức năng như chuyển giá ngay từ nguyên liệu đầu vào. Thành ra, người gánh nhầm hậu quả lại toàn là doanh nghiệp trong nước.

Tuy vậy, trong thời điểm hiện tại, việc nâng mức khống chế từ 20% lên 30% cũng cơ bản xử lý được vướng mắc của doanh nghiệp. Điều này cho thấy Chính phủ đã có sự lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp và có sự tiếp thu, sửa đổi.

Các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn Chính phủ cho áp dụng hồi tố đối với những khoản thuế đã đóng của năm 2017, 2018, đặc biệt trong tình hình khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Thế nhưng, Bộ Tài chính vẫn không chấp nhận với lý do, việc này không thuộc trường hợp để đảm bảo lợi ích chung của xã hội để được hồi tố. Theo ông, cơ sở pháp lý cho việc hồi tố liệu có đảm bảo không?

Tôi khẳng định việc hồi tố là đầy đủ cơ sở pháp lý bởi điều 152 Luật Ban hành văn bản pháp luật năm 2015 đã nêu rõ, không được quy định hiệu lực trở về trước (hiệu lực hồi tố) đối với các trường hợp quy định trách nhiệm pháp lý mới hoặc nặng hơn trước đó. Ngược lại, thì được phép hồi tố trong trường hợp cần thiết “để bảo đảm lợi ích chung của xã hội, thực hiện quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân”. Điều này cũng đã được Bộ Tư pháp cho ý kiến khẳng định là không vướng mắc.

Với lý lẽ của Bộ Tài chính, tôi thấy vấn đề được nêu lên hoàn toàn không đúng. Bộ Tài chính chỉ căn cứ vào một trường hợp là vì “lợi ích chung” mà bỏ qua trường hợp nữa là vì “quyền lợi của tổ chức”. Không những thế, việc hồi tố này còn vì cả hai lợi ích, ngoài vì các doanh nghiệp, thì còn vì cả “lợi ích chung”. Tôi chỉ nêu một ví dụ nhỏ để mọi người cùng hiểu. Tập đoàn Điện lực Việt Nam vì Nghị định 20 mà phải nộp thêm cả khoảng 500 tỉ đồng tiền thuế, dẫn tới tăng giá điện. Như thế, lợi ích chung của người dùng phải nộp tiền “oan” để bù vào khoản này cho ngành điện. Khi ấy, người bị ảnh hưởng sẽ là hàng triệu con người trên đất nước này, đâu phải chỉ riêng một đối tượng nào.

Đó chỉ là một ví dụ, trong khi trong trường hợp này là hàng nghìn doanh nghiệp bị tác động, sức ảnh hưởng lớn hơn gấp nhiều lần. Nên việc hồi tố không những là đảm bảo lợi ích chung của xã hội, của doanh nghiệp mà quan trọng hơn là còn củng cố niềm tin vào pháp luật.

Thực tế, việc hồi tố cũng đã có tiền lệ nhiều lần trong trường hợp tương tự. Ví dụ năm 2014, Nghị định 91/2014/NĐ-CP của Chính phủ đã có quy định cho phép doanh nghiệp hồi tố áp dụng chuyển đổi ưu đãi do chấm dứt ưu đãi theo điều kiện xuất khẩu do thực hiện cam kết với WTO cho các năm trước đó. Khoản thuế chênh lệnh do áp dụng quy định này sau đó được chính Bộ Tài chính hướng dẫn tại Thông tư 151/2014/TT-BTC là "khoản thuế nộp thừa và được hoàn lại hoặc bù trừ với nghĩa vụ thuế của các năm sau".

Hồi tố hoàn toàn không phức tạp

- Việc không đồng ý hồi tố theo Bộ Tài chính còn vì lý do không có nguồn, ngân sách 2017 - 2018 đã quyết toán rồi, trong khi khoản 4.875 tỉ đồng nếu bồi hoàn không có trong dự toán ngân sách năm 2020 trình Quốc hội. Bộ Tài chính có vẻ như đang mắc kẹt trong cách xử lý, thưa ông?

Về lý, đúng là không thể thay đổi báo cáo quyết toán ngân sách các năm trước, nhưng có một cách đơn giản hoàn toàn làm được là bù trừ vào các khoản thuế, phí, tiền thuê đất các năm tiếp theo. Khoản này được coi như Nhà nước đã thu trước, nay sẽ trừ nợ cho doanh nghiệp vào các năm tiếp theo.

Điều 47, Luật Quản lý thuế hiện hành còn quy định rõ, người nộp thuế có số tiền thuế đã nộp lớn hơn số tiền thuế phải nộp trong thời hạn 10 năm, kể từ ngày nộp tiền vào ngân sách nhà nước thì được bù trừ số tiền thuế, kể cả việc bù trừ giữa các loại thuế với nhau; hoặc trừ vào số tiền thuế phải nộp của lần nộp thuế tiếp theo. Vậy thì chẳng có lý do gì vướng mắc nếu cho phép hồi tố, bằng cách bù trừ cho doanh nghiệp vào các năm tiếp theo? Vấn đề là phải sòng phẳng, sai phải sửa. Nếu doanh nghiệp trốn thuế, chuyển giá thì 1 đồng cũng phải thu, nhưng đây là thu sai, doanh nghiệp không chuyển giá, không gian lận.

- Trong văn bản trình Thủ tướng Chính phủ mới đây, mặc dù phần lớn ý kiến thành viên Chính phủ đồng tình hồi tố nhưng Bộ Tài chính vẫn bảo lưu ý ngược lại. Một trong những lý lẽ là, nếu cho áp dụng hồi tố sẽ gây khó khăn cho công tác quản lý thuế, phức tạp khi triển khai thực tế và có khả năng phát sinh tiêu cực trong quá trình thực hiện? Điều này thực tế có phải là điều đáng suy ngẫm hay không, thưa ông?

Riêng về điều này, tôi cho rằng Bộ Tài chính đã sai. Việc hồi tố hoàn toàn không phức tạp. Số thuế doanh nghiệp đã nộp chính ngành thuế đã tính ra và bây giờ chỉ cần bù trừ chính con số đó. Nếu nghi ngờ, chẳng lẽ cơ quan chức năng nghi ngờ cách tính của chính mình? Chưa kể, các doanh nghiệp đều đã kê khai điện tử, hồ sơ đầy đủ do cơ quan thuế lưu giữ. Việc này rất dễ dàng.

- Cũng có ý kiến là trong giai đoạn dịch bệnh, khó khăn như hiện tại, Chính phủ đang tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho cả nền kinh tế với những gói cứu trợ lớn. Việc sửa Nghị định 20 có cần thiết phải xử lý ngay lúc này không, thưa ông?

Tôi thì cho rằng, càng trong những lúc khó khăn, chúng ta càng cần phải có tinh thần sửa sai và tháo gỡ. Thủ tướng Chính phủ mới đây cũng khẳng định sẽ có chính sách mạnh hơn và yêu cầu huy động tất cả nguồn lực trong nước, tinh thần quật cường để vượt khó, vươn lên.

Tình hình các doanh nghiệp đang vô cùng khó khăn. Thực tế, có doanh nghiệp đã lỗ nặng nhưng vẫn phải nộp thêm khoản thuế cả trăm tỉ đồng thì thật không tưởng tượng nổi. Bởi thế, việc sửa Nghị định 20 với nội dung cho hồi tố sẽ là tin vui giúp doanh nghiệp có thêm niềm tin và sức sống.

Tin mới lên