Tiêu điểm

Suất đầu tư cao tốc Bắc - Nam 215 tỷ đồng/km liệu có quá đắt?

(VNF) - Dự án cao tốc Bắc Nam sẽ được triển khai với chiều dài 1.372km, vốn đầu tư 314 ngàn tỷ đồng, tức là suất đầu tư bình quân cho đường cao tốc 4-6 làn xe là 215 tỷ đồng mỗi km.

Suất đầu tư cao tốc Bắc - Nam 215 tỷ đồng/km liệu có quá đắt?

Theo ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn Giao thông Vận tải (TEDI), đơn vị lập dự án cao tốc Bắc Nam, trong 1.372 km cao tốc Bắc - Nam, có 739 km có quy mô 4 làn và 633 km quy mô 6 làn xe. Bình quân suất đầu tư cho cao tốc 4-6 làn xe là 215 tỷ đồng mỗi km, tương đương hơn 9,7 triệu USD/km.

Nếu trừ chi phí cầu, hầm, thiết bị, giải phóng mặt bằng, xử lý nền đất yếu và lãi vay, suất đầu tư của cao tốc Bắc Nam khoảng 102 tỷ đồng một km với đường 4 làn xe và 134 tỷ đồng một km với đường 6 làn xe. 

Theo ông Sơn, suất đầu tư của dự án đã được đơn vị nghiên cứu chi tiết bám sát vào định mức của Bộ Xây dựng. Cụ thể Bộ Xây dựng quy định suất vốn đầu tư mỗi km đường cao tốc 4 làn xe khoảng 131 tỷ đồng, 6 làn xe khoảng 200 tỷ đồng. 

TEDI cho rằng suất đầu tư này là thấp hơn các nước trong khu vực. Đơn cử, Trung Quốc đầu tư cao tốc 4 làn xe có giá 7,8-13,9 triệu USD một km; 6 làn xe là 9,4-12,3 triệu USD một km; hoặc Hàn Quốc đầu tư cao tốc 4 làn xe giá 24,3 triệu USD một km… Do đó, suất đầu tư cao tốc Bắc - Nam là thấp hơn các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của VietnamFinance, nhiều chuyên gia về kinh tế và đầu tư lại không cho là như vậy.

Tuy nhiên, các chuyên gia lại cho rằng đầu tư đường cao tốc ở Việt Nam hiện đang quá đắt. Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Chương trình Giảng dạy kinh tế Fullbright, chi phí để xây 1 km đường cao tốc 4 làn xe bình quân ở 25 bang của Mỹ năm 2002 là 5,8 triệu USD/km, điều chỉnh theo chỉ số giá năm 2010 là 7 triệu USD/km. 

Chi phí làm một con đường cao tốc thuần ở các nước bình quân 7-8 triệu USD/km. Còn ở Việt Nam, đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây 13,5 triệu USD/km (nếu tính cả chi phí xây dựng cầu, đền bù giải tỏa lên tới 18,3 triệu USD/km); cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng 10,7 triệu USD/km; cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa 12,6 triệu USD/km.

Còn đường trên cao (cầu cạn), ở Việt Nam chỉ riêng chi phí xây dựng khoảng 16 triệu USD/km. Ở nước ngoài, nơi rẻ nhất chỉ khoảng 10 triệu USD/km và cao nhất 16 triệu USD/km. 

Tại Việt Nam, đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có tổng vốn đầu tư hơn 930 triệu USD cho 55 km gồm 4 làn xe. Như vậy, suất đầu tư là 18 triệu USD/km. Nếu loại trừ các chi phí xây cầu dẫn, đền bù giải phóng mặt bằng, suất đầu tư riêng cho việc xây đường đã là 13,5 triệu USD/km. 

Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng, ở Việt Nam suất đầu tư cho 1 km đường cao tốc 4 làn xe mặt đất (không kể cầu, chi phí giải phóng mặt bằng) hiện đang quá cao và chi phí thực tế vào khoảng 8 triệu USD/km là hợp lý.

Trong khi đó, theo ông Lê Minh, chuyên gia tư vấn đầu tư thuộc Công ty BW, trong vấn đề suất đầu tư đường cao tốc, có thể tham khảo một ví dụ khác về đầu tư xây dựng là trường hợp làm nhà giá rẻ của...Vingroup. 

Gần đây, Vingroup công bố xây nhà chung cư bán giá từ 700 triệu đồng/căn ở thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh. Ngoài lý do sở hữu quỹ đất ngoại ô giá rẻ thì điều gì giúp cho Vingroup có thể tung ra thị trường căn hộ với giá như thế? 

Nêu vấn đề này, ông Lê Minh cho rằng cách tính toán thật sự không khó vì khi tiến hành sản xuất số lượng lớn, 300 - 500 nghìn căn hộ thì nhà phát triển bất động sản có thể đàm phán đặt hàng với nhà sản xuất xi măng, sắt thép, sứ vệ sinh, cửa để được hưởng mức chiết khấu lớn nhất, có thể hưởng mức chiết khấu lên đến 30 - 50% tùy năng lực đàm phán. Nhà sản xuất hưởng lợi vì nhận được đơn hàng lớn, sản xuất loạt, số lượng lớn nên giá bán thấp hẳn.

"Chúng ta có thể áp dụng mô hình này vào việc làm đường cao tốc. Việc quy hoạch toàn tuyến và tổ chức sản xuất (làm đường) cần tính toán các yếu tố cung ứng, ví dụ như cung ứng bê tông nhựa tổng tuyến là bao nhiêu", ông Lê Minh lý giải.

Chuyên gia cho rằng chúng ta có thể xác định các nhà cung ứng chủ lực, có năng lực mạnh để đàm phán hưởng chiết khấu cao nhất và chất lượng tốt nhất, có thể tránh các sự cố về lún chảy như trước đây. Nhà sản xuất nhựa đường sẽ nhận được đơn hàng quy mô lớn và tính toán ra giải pháp giá cũng như giải pháp vật liệu tốt nhất cho Việt Nam. 

"Chúng ta có thể làm tương tự với các loại vật liệu, máy móc trọng yếu khác cần cho việc làm đường: bao nhiêu triệu tấn xi măng, bê tông, bao nhiêu triệu tấn sắt thép, hành lang an toàn, thiết bị chiếu sáng, đất cát đá, sơn kẻ, cảnh quan, biển hiệu báo hiệu... Khi đã hình thành các tập đoàn cung ứng chủ lực thì giá thành sẽ được kéo xuống và chất lượng được đảm bảo tốt nhất", ông nói.

Tin mới lên