Tiêu điểm

Suy ngẫm về thông điệp của cố TBT Nguyễn Văn Linh tại Diễn đàn đầu tư 1991

(VNF) - Đã 30 năm trôi qua, thông điệp mạnh mẽ về đổi mới, mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tại Diễn đàn đầu tư năm 1991 ( do Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư - SCCI tổ chức) vẫn còn tươi rói trong ký ức của nhiều nhà đầu tư và tiếp tục là hiệu lệnh đối với các cơ quan chức năng về cải cách thể chế và thủ tục hành chính.

Suy ngẫm về thông điệp của cố TBT Nguyễn Văn Linh tại Diễn đàn đầu tư 1991

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.

Việt Nam đứng vững và phát triển

Chiều ngày 15 tháng 3 năm 1991, trước gần 1.100 nhà đầu tư nước ngoài và trong nước tại Hội trường Thống nhất TP. HCM, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh xuất hiện trong bộ trang phục giản dị, nhưng toát lên uy phong của một vị nguyên thủ quốc gia. Chào mừng các nhà đầu tư quốc tế - những người mà Ông gọi là “bạn”, cố Tổng Bí thư nói rằng, “sự có mặt đông đảo của các bạn chứng tỏ sự quan tâm đối với hoạt động đầu tư ở Việt Nam, đồng thời biểu thị sự đồng tình và cổ vũ đường lối Đổi mới của Việt Nam”.

Cảm nhận chân tình của cố Tổng Bí thư xuất phát từ nhận thức sâu sắc rằng, một Việt Nam Đổi mới, mở cửa hội nhập quốc tế sẽ là miền đất hứa đối với các nhà đầu tư quốc tế. Song ở thời điểm năm 1991, sau sự sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu, vẫn còn không ít hoài nghi về thành công của công cuộc Đổi mới ở Việt Nam. Vì vậy, một cách quyết đoán và thẳng thắn, cố Tổng Bí thư khẳng định: “Sẽ là sai lầm nếu một ai đó dựa vào sự bất ổn do cải cách sinh ra ở một số nước để dự báo tương tự đối với Việt Nam”.

Theo l‎‎ý giải của Ông, “Việt Nam tiến hành đổi mới dựa trên những đặc thù và điều kiện thực tế của mình, đó là: Dân tộc Việt Nam có truyền thống đoàn kết, trải qua nhiều mất mát hy sinh nên hơn ai hết thiết tha mong muốn hòa bình và xây dựng đất nước phồn thịnh; Đảng CSVN là con đẻ của dân tộc, đã từng gắn bó máu thịt với nhân dân và lãnh đạo toàn dân làm nên những thắng lợi to lớn, hoàn toàn có đủ khả năng thực hiện thành công sứ mệnh lịch sử của mình; công cuộc Đổi mới ở Việt Nam được tiến hành kiên quyết, theo định hướng rõ ràng, nhưng cẩn thận từng bước nhằm đáp ứng cả hai yêu cầu là đổi mới để ổn định, phát triển và giữ vững ổn định để tiếp tục đổi mới và đi lên”.

Với quan điểm hội nhập nhưng giữ vững độc lập, tự chủ, Ông nhấn mạnh rằng, “trong khi coi trọng và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm cải cách, đổi mới của các nước, Việt Nam không chủ trương rập khuôn bất cứ một mô hình nào”.

Giờ đây, sau 30 năm nhìn lại càng thấy rõ ‎ý nghĩa sâu sắc của những thông điệp đó. Việt Nam không chỉ đứng vững sau sự sụp đổ của các nước XHCN Liên Xô và Đông Âu mà từ một nước đói nghèo lạc hậu sau chiến tranh trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình trên thế giới. Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới nhưng không đánh mất mình, không lệ thuộc vào riêng ai và mô hình kinh tế của Việt Nam cũng không rập khuôn bất cứ một mô hình nào. Giờ đây, đất nước ta như lời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”. Và thực tiễn 30 năm qua cũng đã khẳng định lời tiên đoán của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh: “Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn có đủ khả năng thực hiện thành công sứ mệnh lịch sử của mình”.

Đổi mới vì dân, do dân

Nội dung cơ bản của công cuộc đổi mới ở Việt Nam được cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh chuyển tới các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài một cách rõ ràng, đó là “dân chủ hóa đời sống xã hội, đổi mới cơ chế quản lý‎ kinh tế và mở rộng hợp tác với tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị”.

Theo Ông, mục tiêu đổi mới của Việt Nam là “Nhằm xây dựng một mô hình kinh tế - xã hội mới, trong đó dân chủ và công bằng được đảm bảo, những giá trị tinh thần được tôn trọng, đời sống vật chất không ngừng được cải thiện đáp ứng nguyện vọng của nhân dân”.

Trước cộng đồng các nhà đầu tư quốc tế, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh không né tránh chỉ ra những sai lầm của quá khứ với tinh thần “nói thẳng sự thật, nói rõ sự thật” và nhấn mạnh bài học lấy dân làm gốc, tất cả “vì dân, do dân”, Đổi mới vì hạnh phúc của nhân dân và dựa vào nhân dân để Đổi mới.

Bài học quý giá đó trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử công cuộc Đổi mới ở nước ta, khơi dậy sức mạnh của toàn dân tộc vì một Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

Cũng trong bài phát biểu tại Diễn đàn đầu tư năm 1991, cố Tổng Bí thư cũng đã tiên liệu “Đổi mới một cách toàn diện và đồng bộ mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội là một sự nghiệp vốn dĩ đã khó khăn, lại càng thêm khó khăn trong điều kiện tình hình quốc tế có những diễn biến phức tạp, bất lợi cho Việt Nam”.

Đổi mới “vốn dĩ đã khó khăn” vì đòi hỏi phải vượt lên chính mình, phải xóa bỏ tư duy lạc hậu, lỗi thời, bảo thủ, giáo điều, duy ý‎ chí từng tồn tại cố hữu trong suy nghĩ và hành động của nhiều cán bộ lãnh đạo. Đổi mới kinh tế, chuyển từ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường làm mất đi lợi ích của đội ngũ những người nắm trong tay quyền phân phối, ban phát bằng mệnh lệnh lại càng khó khăn. Hơn thế nữa, kinh tế thị trường có những mặt trái của nó, mà nếu hệ thống luật pháp không kịp thời được hoàn thiện, thi hành luật pháp không nghiêm sẽ kéo theo nhiều hệ lụy gây tổn hại cả về vật chất và tinh thần đối với đất nước và nhân dân.

Lịch sử Đổi mới 30 năm qua đã chứng minh một cách sinh động điều đó. Không ít cán bộ lãnh đạo đã gục ngã vì xa rời tư tưởng “vì dân, do dân”, vì cám dỗ của vật chất. Trong từng giai đoạn nhất định, sự nuối tiếc, níu kéo quyền lực ban phát vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm đã làm chậm đi tiến trình Đổi mới. Đó đây vẫn tái hiện tư tưởng chủ quan, giáo điều, duy ‎ý chí trong quá trình ra quyết định, tạo nên lực cản đối với tiến trình dân chủ hóa đời sống kinh tế - xã hội. Vậy nên, Đổi mới phải là một quá trình liên tục, lấy mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh” làm thước đo của sự thành công. Những biểu hiện, hành vi đi ngược với mục tiêu đó cần được giám sát chặt chẽ, lên án và loại trừ.

Tạo môi trường đầu tư thuận lợi

Việc lần đầu tiên một vị Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam dành thời gian tham dự Diễn đàn đầu tư đã là sự kiện lớn thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng các nhà đầu tư và giới truyền thông quốc tế. Điều càng gây ấn tượng hơn là Người đứng đầu Đảng CSVN đã phát đi một thông điệp mạnh mẽ về hội nhập: “Việt Nam chủ trương mở rộng hợp tác kinh tế trong mọi lĩnh vực và dưới nhiều hình thức, phù hợp với những đặc điểm của quá trình quốc tế hóa đời sống kinh tế hiện đại” và để thực hiện được chủ trương đó, cố Tổng Bí thư chỉ đạo rất cụ thể về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Ông yêu cầu, “trên cơ sở nhận rõ những mặt yếu kém trong quản l‎ý điều hành 3 năm qua và tiếp thu ý‎ kiến trao đổi tại Diễn đàn, các cơ quan chức năng của Việt Nam có trách nhiệm chấn chỉnh hoạt động của mình nhằm sớm tạo ra một môi trường đầu tư thuận lợi, làm cho các nhà đầu tư yên tâm tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh”.

Vào thời điểm Diễn đàn đầu tư được tổ chức, Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam mới ban hành được 3 năm và dường như là cơ sở pháp lý‎ duy nhất cho hoạt động đầu tư nước ngoài. Nhiều luật khác liên quan đến đầu tư như Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Cạnh tranh, Luật Chứng Khoán, Luật Môi trường… chưa được ban hành, môi trường pháp lý‎ chưa hoàn thiện. Để tạo môi trường đầu tư thuận lợi, công việc bức bách là phải tạo môi trường pháp lý‎ thuận lợi minh bạch, phải đơn giản hóa thủ tục hành chính, ngăn chặn tình trạng tham nhũng, điều mà các nhà đầu tư rất mong muốn.

Cũng ở thời điểm đó, kết cấu hạ tầng của nước ta rất lạc hậu, đường sá giao thông xuống cấp, thiếu điện, thiếu nước, thiếu dịch vụ viễn thông. Làm thế nào để sớm cải thiện được tình trạng đó là câu hỏi lớn được đặt ra tại Diễn đàn. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực tuy dồi dào, người Việt Nam cần cù, thông minh nhưng phần đông chưa được đào tạo cũng là một trở ngại đối với nhà đầu tư.

Ngoài yếu tố giữ vững an ninh ổn định chính trị, môi trường đầu tư mà cố Tổng Bí thư nói đến chính là những vấn đề bức bách đó. Thật đáng mừng, hiệu lệnh của Người đứng đầu Đảng CSVN cách đây 30 năm đã từng bước được triển khai, môi trường đầu tư của Việt Nam ngày càng trở nên thuận lợi, có sức cạnh tranh hơn và đó chính là cội nguồn của thành công trong thu hút FDI với con số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lũy tiến đến nay lên đến gần 390 tỷ USD, không chỉ bổ sung nguồn vốn quan trọng cho công cuộc phát triển đất nước mà còn góp phần giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và tiến trình chủ động hội nhập quốc tế của nước ta.

Cùng với thu hút đầu tư nước ngoài, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh Việt Nam “khuyến khích mọi thành phần kinh tế phát triển trên cơ sở xóa bỏ tư tưởng kỳ thị đối với kinh tế tư nhân, đối xử bình đẳng đối với các thành phần kinh tế”…

Ngày nay, cùng với kinh tế nhà nước và kinh tế hợp tác xã, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và kinh tế tư nhân đã trở thành bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế khu vực và thế giới. Đặc biệt, vị trí, vai trò kinh tế tư nhân đã được khẳng định tại Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 3/6/2017, theo đó kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế.

Đất nước đang bước vào thập kỷ phát triển mới. Những thành tựu to lớn và bài học quý giá của 35 năm Đổi mới là hành trang quý giá để Việt Nam tự tin tiến bước gia nhập nhóm nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và hướng tới một quốc gia phát triển vào năm 2045. Trong tiến trình đó, tư tưởng đổi mới của Đảng ta từ Đại hội VI năm 1986, cũng như những thông điệp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gửi tới cộng đồng các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cách đây 30 năm chắc hẳn sẽ tiếp tục được vận dụng sáng tạo phù hợp với bối cảnh mới để hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, tạo động lực mới cho đất nước vững bước đi lên.

Tin mới lên