Tài chính

Tài chính Hoàng Huy lên sàn: Cược hay không cược?

(VNF) – 2 mảng kinh doanh chính là bất động sản và kinh doanh xe đầu kéo Mỹ của Tài chính Hoàng Huy đều vẫn đang ở trong trạng thái "dò đá qua sông" nên có rất ít cơ sở để nhận định xem, thành công liệu có đến với công ty này trong tương lai hay không.

Tài chính Hoàng Huy lên sàn: Cược hay không cược?

Tài chính Hoàng Huy phải chịu lỗ gộp từ mảng kinh doanh xe đầu kéo Mỹ trong quý II/2016

"Con đón mẹ" lên sàn

Vậy là HoSE lại đón thêm một "tân binh" tuy mới mà cũ lên sàn, đó là Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy với mã chứng khoán TCH. Nói rằng "tuy mới mà cũ" là bởi Tài chính Hoàng Huy và một công ty khác cũng đang niêm yết trên sàn là Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Hoàng Huy (HHS) là 2 công ty cùng thuộc Tập đoàn Hoàng Huy của doanh nhân Đỗ Hữu Hạ.

Nói sâu hơn về mối quan hệ giữa Tài chính Hoàng Huy và HHS thì có thể gọi đây là mối quan hệ "mẹ - con" thì đúng hơn là mối quan hệ "anh – em".

Xuất phát điểm của Tập đoàn Hoàng Huy là Công ty TNHH Thương mại Hoàng Huy được thành lập vào năm 1995, chuyên sản xuất, lắp ráp và kinh doanh xe máy và ô tô tải từ 0,5 tấn đến 25 tấn, xuất khẩu xe du lịch và các xe chuyện dụng, đồng thời cũng kinh doanh bất động sản.

Đến năm 2007, công ty này đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ Tài chính Hoàng Huy với vốn điều lệ 1.200 tỷ đồng. Đến năm 2008, ông Đỗ Hữu Hạ - Chủ tịch của Tài chính Hoàng Huy cùng với các cổ đông sáng lập mới quyết định thành lập HHS. Tuy nhiên, thay vì nắm giữ cổ phần HHS thông qua Tài chính Hoàng Huy, ông Đỗ Hữu Hạ lại lựa chọn giải pháp nắm giữ trực tiếp cổ phần.

Đến nửa đầu năm 2016 này, Tập đoàn Hoàng Huy mới quyết định tái cơ cấu với trọng tâm là đưa Tài chính Hoàng Huy trở về với vai trò là công ty mẹ trong tập đoàn, vì thế mới có chuyện Tài chính Hoàng Huy liên tục gia tăng tỷ lệ sở hữu tại HHS.

Tính đến thời điểm hiện tại, Tài chính Hoàng Huy đang sở hữu 29,81% vốn cổ phần của HHS và gần như chắc chắn sẽ nâng sở hữu tại HHS lên 37,35% sau ngày 11/10/2016. Dự kiến, Tài chính Hoàng Huy sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại HHS lên khoảng trên dưới 50%.

Cược hay không cược?

Điểm thiệt thòi cho Tài chính Hoàng Huy là sau khi thành lập HHS, mảng xe tải của Tập đoàn Hoàng Huy gần như chuyển hoàn toàn cho HHS, doanh thu của Tài chính Hoàng Huy chủ yếu đến từ mảng kinh doanh bất động sản với dự án Golden Land tại 275 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội (thông qua công ty con là Công ty Cổ phần Thương mại Hưng Việt).

Trong khi Tài chính Hoàng Huy vẫn cần mảng kinh doanh truyền thống là xe tải, đồng thời HHS lại đang kinh doanh xe tải Trung Quốc nên để không chồng chéo, Tài chính Hoàng Huy quyết định hướng đi là kinh doanh xe đầu kéo Mỹ với việc trở thành tổng đại lý phân phối độc quyền xe đầu kéo International của hãng Navistar, Hoa Kỳ.

Đây cũng chính là vấn đề gây ra phân vân đối với các nhà đầu tư, bởi lẽ Tài chính Hoàng Huy chỉ mới bắt đầu kinh doanh loại xe này từ năm 2015 nên chắc chắn doanh thu lẫn lợi nhuận trong tương lai gần sẽ tương đối bấp bênh và có lúc sẽ phải chịu lỗ để mở rộng thị trường.

Năm 2015, doanh thu từ bán xe đầu kéo Mỹ và linh kiện của Tài chính Hoàng Huy là 369 tỷ đồng. Tuy nhiên, nửa đầu năm 2016, doanh thu mảng kinh doanh này của TCH chưa bằng một nửa năm ngoái, ở mức 173,8 tỷ đồng, nghĩa là gần như không tăng trưởng.

Lợi nhuận gộp từ mảng kinh doanh xe đầu kéo Mỹ của Tài chính Hoàng Huy thậm chí còn đang diễn biến theo chiều hướng xấu hơn. Nếu như lợi nhuận gộp năm 2015 từ mảng xe đầu kéo Mỹ của TCH là 20,3 tỷ đồng thì trong quý I/2016, con số này chỉ vỏn vẹn có 414 triệu đồng. Quý II/2016, Tài chính Hoàng Huy thậm chí còn chịu lỗ gộp 554 tỷ đồng.

Theo giải trình từ phía Tài chính Hoàng Huy thì đây là kết quả từ việc thị trường xe tải chững lại, cộng với việc công ty giảm mạnh giá xe đầu kéo Mỹ để xả hàng tồn kho cũng như mở rộng thị trường.

Một điểm khác cũng khiến không ít nhà đầu tư phân vân khi bỏ tiền mua cổ phiếu TCH của Tài chính Hoàng Huy là vấn đề kinh doanh bất động sản. Thực tế thì Tài chính Hoàng Huy mới chỉ thành công đối với dự án Golden Land với doanh thu và lợi nhuận khá ấn tượng.

Tuy nhiên, dự án Golden Land đã được khai thác phần lớn nên doanh thu hiện nay đang giảm rất rõ rệt. Cụ thể, nếu như Tài chính Hoàng Huy ghi nhận doanh thu tới 1.029 tỷ đồng từ kinh doanh bất động sản trong năm 2014 thì đến năm 2015, con số này giảm còn 518 tỷ đồng. Quý I/2016, doanh thu kinh doanh bất động sản của Tài chính Hoàng Huy chỉ ở mức 78,8 tỷ đồng và tiếp tục giảm còn 39,8 tỷ đồng trong quý II/2016.

Trong khi đó, doanh nghiệp này chưa có dự án nào đưa vào khai thác để trám vào doanh thu từ dự án trên. Tình trạng bấp bênh này là điều dễ hiểu đối với một "lính mới" trong ngành kinh doanh bất động sản như Tài chính Hoàng Huy và chắc chắn sẽ tiếp diễn trong tương lai gần, thậm chí là tương lai xa nếu như doanh nghiệp này vẫn còn giữ cách làm bất động sản không sử dụng vốn vay như hiện nay.

Như vậy, cả 2 mảng kinh doanh chính của Tài chính Hoàng Huy đều vẫn đang ở trong thời kỳ "dò đá qua sông" nên doanh thu lẫn lợi nhuận đều sẽ có phần bấp bênh trong tương lai gần. Đồng thời, có rất ít cơ sở để dự đoán xem rằng trong tương lai, 2 mảng kinh doanh này có đem lại thành công cho Tài chính Hoàng Huy trong tương lai hay không.

Vì thế mà nhà đầu tư có ý định bỏ tiền mua cổ phiếu TCH của Tài chính Hoàng Huy sẽ buộc phải cân nhắc xem, liệu có nên đặt cược vào công ty này ở thời điểm hiện tại hay không.

Tin mới lên