Tài chính tiêu dùng

Tài chính tiêu dùng: Khi tiềm năng được đánh thức

(VNF) - Tổng dư nợ cho vay tiêu dùng còn khiêm tốn, sự bùng nổ của thanh toán không tiền mặt và sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại là những yếu tố sẽ đánh thức tiềm năng của thị trường tài chính tiêu dùng.

Tài chính tiêu dùng: Khi tiềm năng  được đánh thức

Tính đến ngày 31/5/2022, dư nợ cho vay tiêu dùng đạt trên 2,26 triệu tỷ đồng, chiếm 20% dư nợ của kinh tế.

Tiềm năng còn rất lớn

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/5/2022, dư nợ cho vay tiêu dùng đạt trên 2,26 triệu tỷ đồng, chiếm 20% dư nợ của kinh tế. Con số này theo ông Kalidas Ghose, Tổng giám đốc Công ty Tài chính TNHH Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng SMBC (FE Credit) còn rất khiêm tốn, cơ hội của thị trường tài chính tiêu dùng theo đó vẫn còn rất lớn.

Vậy yếu tố nào sẽ đánh thức thị trường còn nhiều dư địa và tiềm năng này? Trao đổi với Đầu tư Tài chính, ông Kalidas Ghose cho biết yếu tố đầu tiên là dân số trẻ của Việt Nam. Theo Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), dân số trong độ tuổi 15 – 64 ở Việt Nam chiếm đến 68% tổng dân số cả nước, là đặc điểm nổi bật của dân số trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng”. Tuy nhiên, không chỉ xét đến cơ cấu dân số và độ tuổi trung bình, đại diện FE Credit cho biết những người trẻ của Việt Nam còn sẵn sàng kết nối và trải nghiệm những sản phẩm mới mẻ, dễ dàng nhận thấy qua sự thay đổi phương thức mua sắm của thế hệ này. “Điều đó sẽ tạo ra sự cộng hưởng cho sự bùng nổ của thị trường tài chính tiêu dùng trong tương lai”, ban lãnh đạo FE Credit cho biết.

Yếu tố thứ hai, theo Tổng giám đốc FE Credit, là sự phát triển vượt trội của cuộc cách mạng 4.0, đưa xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt lên ngôi. Sau đại dịch Covid-19, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đã len lỏi vào thói quen tiêu dùng của nhiều người dân, tạo động lực để các doanh nghiệp thúc đẩy các dịch vụ tài chính tiêu dùng như quét mã QR, ví điện tử, thẻ tín dụng không chạm… hay phát triển hoạt động thương mại điện tử, mua sắm online. Việc đẩy mạnh phát triển các dịch vụ này có thể làm tăng nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Hiện nay, việc tiếp cận các hình thức thanh toán không tiền mặt khá dễ dàng với phương thức định danh điện tử eKYC. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, hiện nay, gần 70% người Việt Nam trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại tổ chức tín dụng với gần 5,5 triệu tài khoản thanh toán và khoảng 8 triệu thẻ được mở bằng phương thức điện tử eKYC đang hoạt động. Tổng số ví điện tử đã kích hoạt là 39,19 triệu đơn vị (tăng 3,68% so với cuối năm 2021).

Ngoài ra, ông Kalidas Ghose còn cho rằng sự quan tâm của giới đầu tư nước ngoài tới thị trường tài chính tiêu dùng cũng đang cho thấy tiềm năng của thị trường này. Năm 2021 chứng kiến một làn sóng M&A các công ty tài chính tiêu dùng trong nước với sự góp mặt của các nhà đầu tư ngoại. Với FE Credit, công ty này đã đón thêm một cổ đông ngoại là Tập đoàn SMBC của Nhật Bản thông qua thương vụ bán 49% vốn của FE Credit do Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) sở hữu. Định giá của FE Credit trong thương vụ này được tiết lộ lên đến 2,8 tỷ USD.

Không chỉ có thương vụ bán vốn FE Credit, trong năm 2021, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã công bố về việc chuyển nhượng toàn bộ vốn của tại SHB Finance cho phía đối tác “người Thái” là Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri). Giá trị của thương vụ này được giới truyền thông nước ngoài tiết lộ là khoảng 5,1 tỷ baht, tương đương khoảng 156 triệu USD và vào khoảng hơn 3.500 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 cũng cho biết kế hoạch bán vốn tại Công ty TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM) với giá trị thu về dự kiến là 2.000 tỷ đồng. Như vậy, việc khối ngoại sẵn sàng chi một số tiền lớn để đầu tư vào các công ty tài chính ở Việt Nam đang cho thấy tiềm năng của thị trường này.

Fintech đổ bộ, miếng bánh tài chính tiêu dùng bị chia nhỏ lại

Các công ty công nghệ tài chính (fintech) đang có xu hướng đổ bộ mạnh mẽ vào thị trường cung cấp dịch vụ tài chính. Sản phẩm mà các công ty Fintech cung cấp phục vụ cho đa dạng các nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đơn cử với một chiếc ví điện tử, người tiêu dùng có thể thanh toán hàng trăm dịch vụ thiết yếu từ mua vé máy bay, mua vé xem phim… đến đóng phí bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm xã hội, thanh toán qua sàn thương mại điện tử hay thậm chí là thanh toán dịch vụ công. Khi cuộc đua fintech vào thị trường cung cấp dịch vụ tài chính bùng nổ, hàng loạt ưu đãi và khuyến mãi “đốt tiền” được các công ty này tung ra để thu hút người tiêu dùng sử dụng dịch vụ.

Không chỉ dừng lại ở chức năng thanh toán, một số fintech còn kết hợp với ngân hàng cho ra mắt dịch vụ “mua trước trả sau”. Đây là dịch vụ cho vay tiêu dùng không có tài sản đảm bảo do ngân hàng cung cấp dưới hình thức cấp hạn mức cho khách hàng theo hợp đồng tín dụng, để sử dụng hạn mức vay này thanh toán một số dịch vụ qua các sản phẩm của công ty fintech, chẳng hạn như ví điện tử. Với những quảng cáo như lãi suất 0%, không phí dịch vụ, không phí kích hoạt, không chứng minh thu nhập, điều kiện để sử dụng dịch vụ “mua trước trả sau” được cho là khá dễ dàng. Có thể thấy, trên thị trường tài chính tiêu dùng, các công ty fintech đang trở thành đối thủ cạnh tranh “đáng gờm” của các công ty tài chính.

Ngoài ra, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiến hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng, bao gồm các hoạt động thanh toán, tín dụng, cho vay ngang hàng (P2P Lending). Theo đó, P2P Lending cho phép những người có nhu cầu vay được tiếp cận với nguồn vốn nhanh chóng, thay vì đến ngân hàng hay các tổ chức tài chính trung gian khác, còn những người có vốn lại dễ dàng kiếm được những nguồn lợi tức hấp dẫn từ nguồn tiền nhàn rỗi của mình.

Như vậy, miếng bánh tài chính tiêu dùng đang càng ngày càng bị chia nhỏ. Theo Tổng giám đốc FE Credit, ở góc độ tích cực thì đây là một yếu tố góp phần vào sự phát triển của thị trường cho vay tiêu dùng. Sự xuất hiện của các công ty fintech đang mở rộng việc tiếp cận vốn mới cho những khách hàng không đủ tiêu chuẩn vay từ các tổ chức tín dụng. Ông Kalidas Ghose cũng cho rằng đây là động lực để FE Credit tập trung đầu tư vào công nghệ cho mục tiêu số hóa toàn diện, nâng cao trải nghiệm của khách hàng, đáp ứng mọi nhu cầu khách hàng.

Mặc khác, lãnh đạo FE Credit cho biết cần có sự kiểm soát chặt chẽ từ các bộ, ban, ngành để tránh sự lợi dụng và biến tướng của các tổ chức tín dụng phi pháp, núp bóng công ty fintech. Trên thực tế, thị trường đã xuất hiện nhiều công ty cho vay ngang hàng với những quảng cáo hấp dẫn nhằm dụ dỗ, lôi kéo người dân tham gia vay tiền. Thực chất, đây là các tổ chức tín dụng đen núp bóng cho vay với lãi suất “cắt cổ”, dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng, ảnh hưởng tới đời sống an sinh xã hội.

Tin mới lên