Tài chính

Tài chính tuần qua: Lotte muốn thoái hết vốn Bibica, HAGL Agrico bán tiếp công ty cho Thaco

(VNF) - Lotte muốn thoái sạch 44% vốn tại Bibica; HAGL Agrico chuyển nhượng công ty cao su thứ tư cho Thaco; Vietnam Airlines kêu gọi cổ đông cho vay tiền để hỗ trợ thanh khoản; MWG lên kế hoạch lợi nhuận sau thuế 4.750 tỷ đồng trong năm 2021 là các thông tin tài chính đáng chú ý tuần qua.

Tài chính tuần qua: Lotte muốn thoái hết vốn Bibica, HAGL Agrico bán tiếp công ty cho Thaco

Tài chính tuần qua: Lotte muốn thoái hết vốn Bibica, HAGL Agrico bán tiếp công ty cho Thaco (Ảnh minh họa)

Hồi kết cuộc chiến cổ đông nội - ngoại tại Bibica?

Công ty Cổ phần Bibica (HoSE: BBC) mới đây đã đưa ra thông báo giao dịch cổ phiếu của tổ chức có liên quan của người nội bộ, theo đó, cổ đông lớn Lotte Corporation quyết định thoái toàn bộ vốn tại Bibica, tương ứng bán ra 44,03% vốn (gần 6,8 triệu cổ phiếu).

Thời gian thực hiện dự kiến từ ngày 29/12/2020 - 27/1/2021 thông qua phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận.

Hiện tại, cơ cấu cổ đông của Bibica gồm 2 cổ đông lớn nhất là Công ty Thực phẩm PAN nắm giữ 50,07% cổ phần và Lotte nắm giữ 44,03% cổ phần.

Động thái mới của Lotte cho thấy cuộc chiến cổ đông nội - ngoại tại Bibica đang đi đến hồi kết.

Lotte đầu tư vào Bibica từ năm 2007, thời điểm đó ông Trương Phú Chiến, nhà sáng lập Bibica cho biết mục đích ban đầu của công ty là để phát triển thương hiệu bánh kẹo Việt với công nghệ tiên tiến của nước ngoài.

Tuy nhiên, sau khi trở thành cổ đông lớn nhất tại Bibica vào năm 2012, Lotte lại có tham vọng đổi tên công ty thành Lotte - Bibica. Kế hoạch này sau đó đã bị nhóm cổ đông trong nước phản đối, cuộc chiến cổ đông nội - ngoại ảnh hưởng khá rõ rệt đến tình hình kinh doanh của Bibica.(Xem thêm)

HAGL Agrico bán tiếp công ty cao su thứ tư cho Thaco

HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HoSE: HNG) vừa thông qua quyết định chuyển nhượng 100% vốn góp tại Công ty TNHH MTV An Đông Mia cho Công ty Cổ phần Nông nghiệp Trường Hải (Thagrico) - công ty con của Thaco.

Thương vụ M&A này được thực hiện khi chỉ một tháng nữa HAGL Agrico tổ chức cuộc họp đại hội đồng cổ đông bàn chuyện tăng vốn, thông qua phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ và bổ sung vốn hoạt động kinh doanh. Dự kiến cuộc họp bất thường diễn ra vào giữa tháng 1/2021.

Đây là công ty cao su thứ tư được HAGL Agrico chuyển nhượng cho Thaco.

Trước đó, năm 2019, HAGL Agrico đã lần lượt bán toàn bộ phần vốn góp tại ba công ty con là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Cao su Đông Dương, Công ty TNHH Đông Pênh và Công ty TNHH MTV Cao su Trung Nguyên cho Công ty Cổ phần Sản xuất Chế biến và Phân phối Nông nghiệp Thadi - một thành viên khác của Thaco.(Xem thêm)

Vietnam Airlines kêu gọi cổ đông cho vay tiền để hỗ trợ thanh khoản

Chủ trương kêu gọi các cổ đông cho vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ thanh khoản là 1 trong 3 nội dung tại kỳ họp đại hội cổ đông bất thường năm 2020 của Vietnam Airlines vào ngày 29/12 tới đây.

Tại đại hội, Vietnam Airlines sẽ họp về 3 vấn đề, bao gồm: phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ cho cổ đông hiện hữu; phương án kiện toàn hội đồng quản trị và đặc biệt là chủ trương kêu gọi các cổ đông cho Vietnam Airlines vay với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ thanh khoản.

Trước đó, ngày 17/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Trong đó, Quốc hội nhất trí với đề nghị của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo đó, Quốc hội cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tái cấp vốn và gia hạn không quá 2 lần cho tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức tín dụng đang được kiểm soát đặc biệt) để cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng cho phép Vietnam Airlines chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ khi đáp ứng quy định Luật Chứng khoán.(Xem thêm)

MWG đặt kế hoạch lợi nhuận sau thuế 4.750 tỷ đồng trong năm 2021

HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) vừa quyết định thông qua kế hoạch kinh doanh cho năm 2021 để trình Đại hội cổ đông thường niên năm sau.

Theo đó, doanh thu thuần năm 2021 của MWG dự kiến đạt 125.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế mục tiêu cán mốc 4.750 tỷ đồng.

Mặc dù MWG chưa đưa ra ước tính lợi nhuận cả năm 2020, tuy nhiên dựa trên số liệu 11 tháng, có thể ước tính mức tăng lợi nhuận năm 2021 dự kiến khoảng 20%, bất chấp ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

"Sang năm 2021, ban lãnh đạo nhận định thị trường còn nhiều rủi ro tiềm ẩn do tình hình dịch Covid-19 chưa hoàn toàn chấm dứt. Tuy nhiên, MWG quyết tâm trở lại đà tăng trưởng hai chữ số mặc dù không có nền so sánh thấp trong năm 2020 như các doanh nghiệp cùng ngành", thông cáo từ MWG viết.(Xem thêm)

Sau Sữa Mộc Châu, đến lượt Sữa Quốc tế (IDP) chuẩn bị niêm yết UPCoM

ĐHCĐ bất thường của Sữa Quốc tế diễn ra vào ngày 18/12 đã thông qua việc đăng ký chứng khoán tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam và đăng ký giao dịch cổ phiếu trên hệ thống UPCoM tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Tổng số cổ phần mà Sữa Quốc tế đăng ký niêm yết là hơn 58,9 triệu đơn vị. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý IV/2020. Thời gian chốt danh sách cổ đông để thực hiện đăng ký chứng khoán tập trung trên UPCoM mà phía Sữa Quốc tế cho biết là ngày 4/12/2020.

Như vậy, rất có thể Sữa Quốc tế sẽ là doanh nghiệp sữa tiếp theo niêm yết tại hệ thống UPCoM sau Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk).

ĐHCĐ bất thường của Sữa Quốc tế cũng phê duyệt việc bổ sung ngành sản xuất các loại bánh từ bột và sản xuất ca cao, socola và mứt kẹo vào ngành nghề kinh doanh của công ty.

Ngoài ra, đại hội cũng thông qua việc sửa đổi điều lệ của công ty. Cụ thể, người đại diện theo pháp luật của Sữa Quốc tế sau khi điều lệ được sửa đổi là tổng giám đốc và chủ tịch HĐQT, tương ứng là bà Đặng Phạm Minh Loan và ông Tô Hải.(Xem thêm)

 
Tin mới lên