Tài chính

Tài chính tuần qua: Tập đoàn Kiến Á huy động 440 tỷ trái phiếu, Genco 2 lên sàn UPCoM

(VNF) - HDBank chi 440 tỷ đồng mua trái phiếu Tập đoàn Kiến Á; Genco 2 lên sàn UPCoM vào ngày 7/5; Vinaconex thoái toàn bộ vốn tại Công ty Cổ phần Xây dựng Đà Nẵng... là các thông tin tài chính đáng chú ý tuần qua.

Tài chính tuần qua: Tập đoàn Kiến Á huy động 440 tỷ trái phiếu, Genco 2 lên sàn UPCoM

Tài chính tuần qua: Tập đoàn Kiến Á huy động 440 tỷ trái phiếu, Genco 2 lên sàn UPCoM

HDBank rót 440 tỷ đồng mua trái phiếu Tập đoàn Kiến Á

Công ty Cổ phần Sài Gòn Phú Minh (Công ty Phú Minh), thành viên Tập đoàn Kiến Á, vừa phát hành thành công 440 tỷ đồng trái phiếu, kỳ hạn 5 năm với mã SPJCH2126001.

Theo đó, tài sản đảm bảo của lô trái phiếu này là các quyền sử dụng đất tại TP. HCM của nhóm doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Kiến Á là Công ty TNHH Đầu tư Việt Thăng Long, Công ty TNHH Lavila Phước Kiến, Công ty TNHH Kiến Á Galleria, ông Huỳnh Bá Lân (người sáng lập Tập đoàn Kiến Á) và bà Trần Thúy Nga (vợ ông Lân).

Ngoài ra, tài sản đảm bảo còn có hợp đồng tiền gửi mở tại Ngân hàng TMCP Phát triển TP. HCM (HDBank) của Công ty Phú Minh. Khối tài sản đảm bảo nêu trên được HDBank định giá là 583,5 tỷ đồng.

HDBank là trái chủ duy nhất, Công ty Chứng khoán HDB (HDBS) là tổ chức thu xếp cho đợt huy động vốn này của Tập đoàn Kiến Á.

Công ty Phú Minh cho biết mục đích phát hành là để bổ sung vốn thực hiện dự án khu chung cư cao tầng - thương mại - dịch vụ - văn phòng (Lavila 5) tại xã Phước Kiến, huyện Nhà Bè, TP. HCM.(Xem thêm)

Genco 2 lên sàn UPCoM

Theo thông báo trước đó của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), mã chứng khoán của Genco 2 được HNX công bố là GE2, số lượng chứng khoán đăng ký giao dịch phiên đầu tiên là 262.500 cổ phần.

Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên (7/5/2021) là 24.600 đồng/cổ phiếu.

Được biết, số lượng cổ phần của Genco 2 được giao dịch trên hệ thống UPCoM chính là số cổ phần trúng đấu giá và đã được thanh toán trong cuộc đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của Genco 2 vào đầu tháng 2 vừa qua.

Mức giá đấu thành công bình quân là 24.570 đồng/cổ phần, xấp xỉ bằng giá tham chiếu của GE2.


Phiên đấu giá này của Genco 2 được cho là không mấy thành công khi “ế ẩm” đến 99,97% số cổ phần chào bán. Mức giá khởi điểm được ra là 24.520 đồng/cổ phần, tương đương với kỳ vọng thu về tối thiểu 14.224 tỷ đồng cho 580 triệu cổ phần được chào bán.

Chốt phiên đấu giá, 14 nhà đầu tư đã đấu giá thành công bao gồm 1 tổ chức và 13 cá nhân, trong đó số lượng cổ phần trúng giá của nhà đầu tư nước ngoài là 210.500 trên tổng số 262.500 cổ phần.(Xem thêm)

Vì sao Vietjet lãi ròng còn Vietnam Airlines lỗ ròng trong quý I/2021?

Quý đầu năm, Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (Vietjet, HoSE: VJC) ghi nhận 4.048 tỷ đồng doanh thu, giảm 44% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, doanh thu vận chuyển hành khách đạt 1.081 tỷ đồng, giảm 76%; doanh thu hoạt động phụ trợ đạt 1.516 tỷ đồng, giảm 61%; đặc biệt, Vietjet còn ghi nhận tới 1.355 tỷ đồng doanh thu từ chuyển quyền sở hữu và thương mại tàu bay (cùng kỳ năm ngoái không ghi nhận doanh thu này); còn lại hơn 94 tỷ đồng là doanh thu khác.

Đáng chú ý, giá vốn cao hơn doanh thu thuần, 5.062 tỷ đồng so với 4.048 tỷ đồng. Như vậy, hoạt động kinh doanh của Vietjet ghi nhận lỗ gộp 1.013 tỷ đồng trong quý I/2021 (cùng kỳ năm ngoái lỗ gộp 841 tỷ đồng).

Trong khi đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HoSE: HVN) ghi nhận lỗ gộp từ hoạt động kinh doanh lên đến 3.869 tỷ đồng trong quý đầu năm (cùng kỳ năm ngoái lỗ gộp 632 tỷ đồng).

Cụ thể, trong kỳ, Vietnam Airlines ghi nhận 7.528 tỷ đồng doanh thu, giảm 60%. Trong đó, doanh thu vận tải hàng không đạt 5.141 tỷ đồng, giảm 64%; doanh thu bán hàng đạt 1.234 tỷ đồng, giảm 60%; doanh thu hoạt động phụ trợ vận tải hàng không đạt 1.006 tỷ đồng, giảm 20%; còn lại 145 tỷ đồng là doanh thu khác.(Xem thêm)

Tin mới lên