Tài chính

Tài chính tuần qua: Thêm loạt 'ông lớn' giải trình việc cổ phiếu 'nằm sàn'

(VNF) - Trong tuần qua, loạt doanh nghiệp bất động sản lớn như Novaland, DIC Corp đã phải giải trình về việc giá cổ phiếu giảm kịch sàn 5 phiên, thậm chí 10 phiên liên tiếp.

Tài chính tuần qua: Thêm loạt 'ông lớn' giải trình việc cổ phiếu 'nằm sàn'

Tài chính tuần qua: Thêm loạt 'ông lớn' giải trình việc cổ phiếu nằm sàn, rủ nhau mua trái phiếu trước hạn.

Cổ phiếu "nằm sàn" nhiều phiên liên tiếp, thêm loạt doanh nghiệp giải trình

Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HoSE: NVL) mới đây đã có công văn giải trình về việc giá cổ phiếu NVL giảm sàn 10 phiên giao dịch liên tiếp từ 3/11 đến 16/11.

Theo Novaland, giá cổ phiếu NVL giảm trong thời gian gần đây do yếu tố tâm lý trên thị trường chứng khoán và bị tác động bởi nhiều điều kiện kinh tế vĩ mô. Nguyên nhân này được Novaland đưa ra lần thứ 2. Trước đó, khi cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tiếp từ ngày 3/11 đến ngày 9/11/2022, tập đoàn này cũng đã giải trình như vậy.

Sau 5 phiên giá cổ phiếu giảm sàn liên tiếp, Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, HoSE: DIG) cũng đã có văn bản giải trình về tình hình kinh doanh của công ty.

Theo đó, DIC Corp cho biết cổ phiếu DIG giảm những phiên gần đây đều do tác động tiêu cực của yếu tố vĩ mô và niềm tin của nhà đầu tư suy giảm và khẳng định đến nay, tình hình sản xuất của công ty vẫn đang diễn ra bình thường.

Tuy nhiên, DIC Corp cho hay trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, xung đột quân sự, tình hình địa chính trị ở một số khu vực đang diễn biến phức tạp,... trong nước, thị trường vốn suy giảm, giới hạn room tín dụng cho các ngân hàng thương mại do NHNN cấp hàng năm đã được sử dụng hết, lãi suất tăng cao với tốc độ nhanh, tỷ giá có xu hướng tăng, các chính sách liên quan chưa được tháo gỡ… dẫn đến tâm lý lo ngại về cổ phiếu và nhóm ngành hoạt động của DIC Corp.

Kéo theo đó, giá cổ phiếu suy giảm liên tục dẫn đến hiện tượng nhà đầu tư mất kiên nhẫn và bán tháo trên diện rộng với cả nhiều mã cổ phiếu khác thuộc cùng nhóm ngành hoạt động.

Để hạn chế sự giảm giá cổ phiếu bất thường, một mặt, DIC Corp cho biết sẽ tiếp tục nỗ lực trong hoạt động để gia tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, có nhiều biện pháp hỗ trợ phù hợp.

Sau khi giá cổ phiếu giảm sàn 5 phiên liên tiếp từ 10-16/11/2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group, HoSE: OGC) đã có văn bản giải trình cho biết hiện tại công ty vẫn đang hoạt động bình thường, báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2022 đã được công bố với kết quả có lãi ở cả quý III và 9 tháng. Theo đó, OGC đánh giá không có các biến động xấu ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của Công ty.

OGC cũng khẳng định giá cổ phiếu giảm đến từ thị hiếu của nhà đầu tư và cung cầu thị trường, điều này nằm ngoài tầm kiểm soát của công ty.

"Cổ phiếu OGC được niêm yết và giao dịch minh bạch trên sàn HoSE. Tuy nhiên, trước diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán trong nước thời gian qua, niềm tin của các nhà đầu tư đã bị suy giảm", OGC cho hay.

Thêm nhiều lãnh đạo doanh nghiệp và người nhà bán bị bán giải chấp cổ phiếu

Bà Hà Thị Thanh Châu, em dâu ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT DIC Corp vừa bị bán giải chấp 15.000 cổ phiếu DIG để giảm sở hữu từ 354.151 cổ phiếu về 339.151 cổ phiếu, tương ứng 0,055% vốn điều lệ. Bối cảnh bị bán giải chấp cổ phiếu của bà Châu diễn ra khi loạt người nhà ông Nguyễn Thiện Tuấn, cổ phiếu DIG liên tục bị bán tháo.

Trước đó, ngày 14/11, Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho biết sẽ bán giải chấp 1,6 triệu cổ phiếu DIG của bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó chủ tịch HĐQT, đồng thời là con gái ông Nguyễn Thiện Tuấn kể từ ngày 15/11/2022 đến khi đảm bảo đủ tỷ lệ theo quy định về giao dịch ký quỹ.

Cách đó không lâu, tại ngày 7/11, ngày 9/11 và ngày 10/11, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cũng đã bị bán giải chấp hơn 5,8 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu từ 4,36% về còn 3,39% vốn điều lệ.

Thêm nữa, ông Nguyễn Hùng Cường, Phó chủ tịch HĐQT, đồng thời là con trai ông Nguyễn Thiện Tuấn cũng bị bán giải chấp hơn 6,4 triệu cổ phiếu DIG để giảm sở hữu từ 10,06% về còn 9% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 7/11 và ngày 9/11.

Trước đó, từ ngày 27/10 đến 28/10, ông Nguyễn Thiện Tuấn và ông Nguyễn Hùng Cường cũng đã bị bán giải chấp hơn 4,4 triệu cổ phiếu DIG.

Ngoài ra, hơn 9,4 triệu cổ phiếu DIG do ông Nguyễn Thiện Tuấn sở hữu cũng đã bị công ty chứng khoán bán giải chấp trong 4 phiên 4/11, 7/11, 8/11 và 9/11. Sau giao dịch này, số lượng cổ phiếu DIG mà Chủ tịch DIC Corp còn nắm giữ là hơn 49 triệu đơn vị, tỷ lệ sở hữu giảm từ 9,59% xuống còn 8,04%.

Như vậy, tính tới ngày 11/11, ông Nguyễn Thiện Tuấn và 2 người con đã bị bán giải chấp 26,1 triệu cổ phiếu DIG, tương ứng 4,29% vốn điều lệ.

Tại Công ty Cổ phần Phát triển nhà Bà Rịa - Vũng Tàu (Hodeco, HoSE: HDC), ông Đoàn Hữu Thuận, Chủ tịch HĐQT công ty vừa bán ra 200.000 cổ phiếu HDC. Giao dịch được thực hiện vào ngày 16/11/2022 theo phương thức khớp lệnh.

Lý do thực hiện giao dịch được ông Thuận đưa ra là “bị bán giải chấp do công ty chứng khoán thiếu tinh thần trách nhiệm và thiện ý, hạ tỷ lệ margin về 0 một cách đột ngột, mặc dù đã liên hệ đảm bảo nộp tiền trong buổi sáng ngày 16/11/2022”.

Sau giao dịch này, số lượng cổ phiếu mà ông Thuận nắm giữ tại Hodeco còn hơn 10,4 triệu cổ phiếu (tương ứng tỷ lệ 9,65%).

Bên cạnh đó, ông Lê Viết Liên, Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hodeco, cũng vừa bị bán giải chấp 804.600 cổ phiếu HDC để giảm sở hữu từ 4,17% về còn 3,42% vốn điều lệ. Như vậy, Chủ tịch và Tổng giám đốc Hodeco bị bán giải chấp hơn 1 triệu cổ phiếu HDC.

Tại Công ty Cổ phần Đầu tư LDG (HoSE: LDG), Chủ tịch HĐQT Nguyễn Khánh Hưng mới đây cũng có báo cáo về việc bị bán giải chấp thêm hơn 1,3 triệu cổ phiếu LDG, giảm sở hữu từ 7,77% (tương ứng hơn 18,6 triệu cổ phiếu) về còn 7,23% vốn điều lệ (tương ứng 17,3 triệu cổ phiếu). Giao dịch được thực hiện từ 14/11 đến 15/11 theo phương thức khớp lệnh.

Chỉ trong thời gian ngắn tính từ cuối tháng 10, ông Hưng bị bán giải chấp hơn 9,7 triệu cổ phiếu LDG, tương ứng khoảng 4,06% vốn điều lệ.

Loạt doanh nghiệp bất động sản mua lại trái phiếu trước hạn

Nhiều công ty bất động sản đang triển khai mua lại trái phiếu trước hạn như Bất động sản An Gia, Gotec Land, Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp),... với tổng giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 14/11, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (HoSE: AGG) vừa công bố thông tin về kết quả mua lại trái phiếu trước hạn 300 tỷ đồng. Theo đó, lô trái phiếu được huy động vào cuối năm 2021, kỳ hạn 12 tháng đã được mua lại 240,5 tỷ đồng còn lại 59,5 tỷ đồng. Trước đó, ngày 1/11, An Gia cũng đã mua lại 456 tỷ đồng của lô trái phiếu có kỳ hạn 10 năm được phát hành vào 9/2021.Theo Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, tính từ đầu năm tới ngày 4/11, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp được mua lại hơn 149 nghìn tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ.

Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Land cũng cho biết sẽ mua lại trước hạn toàn bộ 4 triệu trái phiếu đã phát hành vào ngày 28/12/2021 và đáo hạn ngày 28/12/2023. Thời gian dự kiến mua bắt đầu vào ngày 24/11/2022 và dự kiến hoàn thành mua lại trong 30 ngày. Lô trái phiếu này có giá trị 400 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần Gotec Land cam kết mua lại trước hạn toàn bộ 6 triệu trái phiếu được phát hành vào ngày 15/10/2021 và đáo hạn ngày 15/10/2025. Lô trái phiếu có giá trị phát hành là 600 tỷ đồng. Thời gian dự kiến mua lại không muộn hơn ngày 30/6/2023.

Ngày 17/11, DIC Corp cũng công bố hoàn tất việc mua lại trước hạn hai lô trái phiếu phát hành năm 2021 và đáo hạn năm 2024. Theo đó, tại ngày 10/11, DIC Corp hoàn tất mua lại 539 tỷ đồng trái phiếu trước hạn lô trái phiếu mã DIGH2124002 , kỳ hạn 36 tháng, phát hành ngày 30/9/2021 và đáo hạn ngày 30/9/2024 với mệnh giá 1.000 tỷ đồng. Khối lượng mã trái phiếu này hiện còn lại 461 tỷ đồng.

Với mã trái phiếu DIGH2124003, DIG hoàn tất mua lai 1.061 tỷ đồng trái phiếu trước hạn trong cùng ngày. Lô trái phiếu có kỳ hạn 36 tháng, phát hành ngày 26/11/2021 và đáo hạn ngày 26/11/2024 với mệnh giá 1.500 tỷ đồng. Tương đương giá trị còn lại của lô trái phiếu mã này là 439 tỷ đồng.

Như vậy, DIC Corp đã mua lại trước hạn tổng cộng 1.600 tỷ đồng trái phiếu trước hạn.

Lãnh đạo doanh nghiệp ồ ạt đăng ký mua vào hàng triệu cổ phiếu

Lãnh đạo của hàng hoạt doanh nghiệp lớn như Hóa chất Đức Giang, Thép Nam Kim, Đầu tư Nam Long,… đều có động thái mua vào cổ phiếu của doanh nghiệp mình trong bối cảnh thị trường đi xuống.

Cụ thể, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (HoSE: NLG), ông Nguyễn Xuân Quang và 2 con trai là ông nguyễn Hiệp và ông Nguyễn Nam vừa báo cáo về kết quả giao dịch cổ phiếu NLG. Theo đó, gia đình ông Nguyễn Xuân Quang đã mua vào thành công 1,6 triệu cổ phiếu theo phương thức khớp lệnh.

Trước đó, ông Quang và 2 người con trai đã đăng ký mua vào tổng cộng 6 triệu cổ phiếu NLG, tuy nhiên không mua vào thành công toàn bộ số lượng đã đăng ký do điều chỉnh tiến độ mua vào và theo diễn biến rủi ro từ thị trường.

Sau giao dịch, Chủ tịch Nam Long nâng số lượng nắm giữ lên hơn 46,4 triệu đơn vị, tỷ lệ sở hữu tăng tương ứng từ 11,87% lên 12,09%. Ông Nguyễn Nam và ông Nguyễn Hiệp lần lượt tăng tỷ lệ sở hữu lên 0,35% và 0,18%.

Tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HoSE: DGC), Chủ tịch HĐQT Đào Hữu Huyền mới đây cũng đã đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu DGC trong thời gian từ ngày 17/11 đến ngày 16/12 theo phương thức khớp lệnh.

Tạm tính theo thị giá của DGC, ông Đào Hữu Huyền sẽ phải chi khoảng hơn 53 tỷ đồng để hoàn tất giao dịch. Hiện ông Huyền đang sở hữu gần 68,8 triệu cổ phiếu DGC, tương đương tỷ lệ sở hữu là 18,11% và sẽ nâng số lượng nắm giữ lên gần 69,8 triệu đơn vị, tỷ lệ sở hữu tăng tương đương lên 18,38% nếu mua thành công.

Cũng trong chiều mua vào, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (HoSE: NKG), bà Trần Ngọc Diệu vừa đăng ký mua 2 triệu cổ phiếu NKG trong thời gian từ ngày 18/11 đến ngày 17/12, theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh.

Số tiền bà Trần Ngọc Diệu dự kiến chi để hoàn thành giao dịch là 14,8 tỷ đồng, chiếu theo thị giá của cổ phiếu NKG trên thị trường chứng khoán.

Phó tổng giám đốc Thép Nam Kim hiện đang sở hữu 432.828 cổ phiếu NKG, tương đương tỷ lệ sở hữu 0,164%.

Đáng chú ý, không chỉ dừng lại ở 1, 2 triệu cổ phiếu, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HoSE: KBC) mới đây đã đăng ký mua vào 25 triệu cổ phiếu KBC trong thời gian từ ngày 15/11 đến ngày 14/12, theo hình thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận.

Tạm tính theo thị giá, số tiền mà lãnh đạo KBC dự chi để hoàn tất giao dịch là 375 tỷ đồng.

Số lượng mua vào này đã được điều chỉnh giảm một nửa so với thông báo trước đó của ông Đặng Thành Tâm. Lý do điều chỉnh liên quan đến việc tỷ lệ sở hữu của Chủ tịch KBC và những người liên có thể vượt quá 25% nếu đăng ký mua vào 50 triệu cổ phiếu KBC và phải thực hiện chào mua công khai.

Ông Đặng Thành Tâm cho biết sau khi kết thúc việc mua 25 triệu cổ phiếu KBC, ông và những người liên quan sẽ xem xét quy trình để tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu KBC. Như vậy, Chủ tịch KBC không có ý định dừng lại ở việc mua vào 25 triệu cổ phiếu KBC mà số lượng có thể hơn thế.

Ngoài ra, một số lãnh đạo khác đã mua vào thành công cổ phiếu của doanh nghiệp đang điều hành có thể kể đến như ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (HoSE: DXG) mua xong 10 triệu cổ phiếu DSG trong thời gian từ ngày 27/10 – 8/11; ông Trần Huy Thanh Tùng, Tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) mua xong 500.000 cổ phiếu MWG trong thời gian từ ngày 11/11 đến ngày 14/11.

Từ khoá: DIG, DIC Corp, LDG, Hodeco, HDC,
Tin mới lên