Diễn đàn VNF

Tại sao không cho phép ví điện tử vô danh?

(VNF) - Dự thảo nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt (thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 về thanh toán không dùng tiền mặt) đang được Ngân hàng Nhà nước đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Điểm mới nổi bật của dự thảo nghị định đó là việc hoàn thiện hành lang pháp lý về tiền điện tử.

Tại sao không cho phép ví điện tử vô danh?

Gỡ khó cho tiền điện tử

Có thể thấy được những nỗ lực rất lớn của Ngân hàng Nhà nước khi đã nhanh chóng xây dựng một khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh về tiền điện tử trong dự thảo nghị định. Việc kịp thời hoàn thiện các qui định pháp lý về tiền điện tử sẽ giúp thúc đẩy sự tăng trưởng của các phương tiện thanh toán trên nền tảng công nghệ, tiến tới phát triển tài chính toàn diện cho người dân Việt Nam.

Tuy vậy, khi xem xét chi tiết những qui định của dự thảo nghị định, vẫn còn một số điểm cần bàn thêm.

Về khái niệm tiền điện tử và các khái niệm có liên quan

Theo quy định tại điều 3 dự thảo nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt: “Tiền điện tử là giá trị tiền tệ lưu trữ trên các phương tiện điện tử được trả trước bởi khách hàng cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thực hiện giao dịch thanh toán và được đảm bảo giá trị tương ứng tại ngân hàng, bao gồm: thẻ trả trước, ví điện tử, tiền di động”.

Như vậy, có thể hiểu tiền điện tử gồm có ba hình thức: (i) thẻ trả trước (prepaid card), (ii) ví điện tử (e-wallet), và (iii) tiền di động (mobile money). Ba hình thức này không phải là tiền tệ mà chỉ là những công cụ, phương tiện, nền tảng để “số hóa” giá trị tiền tệ trong thanh toán không dùng tiền mặt. Nói cách khác, đây chỉ là đại lượng thể hiện giá trị của tiền tệ lưu trữ trên các phương tiện điện tử.

Và như vậy, ngân hàng hay các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không thể “phát hành” tiền di động như một loại tiền tệ hợp pháp. Các tổ chức này chỉ cung cấp những nền tảng thanh toán điện tử không dùng tiền mặt mà thôi.

Không khó để thấy khái niệm “tiền di động” là dịch nghĩa đen của thuật ngữ "mobile money" mà chưa có sự cân nhắc đầy đủ về ý nghĩa. Nên chăng cần thay thế khái niệm “tiền điện tử” bằng “tài khoản viễn thông có khả năng thanh toán giao dịch”. Giá trị tiền tệ được thể hiện trong tài khoản viễn thông đó mới là “tiền di động” và được sử dụng để thanh toán các giao dịch.

Mặt khác, khoản 3 điều 42 của dự thảo nghị định đã đưa ra yêu cầu: “Sau khi Nghị định này có hiệu lực thi hành, các ngân hàng thương mại đang cung ứng dịch vụ ví điện tử phải áp dụng quy định cung ứng và phát hành tiền điện tử tại Nghị định này cho phù hợp về tên gọi của dịch vụ”. Có thể hiểu rằng: nếu qui định này có hiệu lực pháp lý, các dịch vụ ví điện tử do các ngân hàng thương mại cung cấp sẽ phải chuyển đổi tên gọi thành “thẻ trả trước”.

Đây rõ ràng là một điểm bất hợp lí, bởi lẽ trước khi nghị định được ban hành, thị trường ví điện tử đã hình thành và phát triển, kéo theo đó là cách hiểu về ví điện tử đã được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng. Cách hiểu thông dụng trong người dân về ví điện tử hiện nay rất khác với khái niệm “ví điện tử” trong dự thảo nghị định.

Với những sản phẩm mới, bao giờ các doanh nghiệp cũng phải tiến hành “giáo dục người dùng” để hình thành khái niệm và nâng cao hiểu biết của khách hàng về sản phẩm của mình. Quá trình đó đòi hỏi nhiều chi phí để truyền thông, marketing, khuyến mại… Việc dự thảo Nghị định đưa ra khái niệm về “ví điện tử”, “thẻ trả trước” và yêu cầu các ngân hàng thương mại phải thay đổi tên gọi dịch vụ mà mình cung cấp, vô hình trung sẽ phủ nhận tất cả những nỗ lực “giáo dục người dùng” của các ngân hàng này về sản phẩm ví điện tử, gây ra thiệt hại cho ngân hàng.

Trên thị trường hiện nay, đa số các dịch vụ ví điện tử do các ngân hàng thương mại cung cấp đều được quảng bá là các ứng dụng “ngân hàng di động” (Bank Plus của MBBank hợp tác với nhà mạng di động Viettel), “ngân hàng số” (Timo của VPBank, Ví Việt của LienVietPostBank), “ngân hàng điện tử”… Vậy nếu như qui định về tên gọi của dự thảo nghị định có hiệu lực, các ngân hàng thương mại liệu có thể duy trì cách quảng cáo này, hay sẽ phải giới thiệu cho người dùng những sản phẩm cũ với tên gọi mới là “thẻ trả trước”?

“Vượt rào” eKYC: Tại sao không cho phép ví điện tử vô danh?

Hòn đá tảng ngáng đường phát triển của thanh toán điện tử ở Việt Nam hiện nay đó là vấn đề định danh khách hàng (Know Your Customer - KYC). Đây là vấn đề rất quan trọng vì việc định danh cụ thể khách hàng không chỉ có ý nghĩa với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán điện tử mà còn là yêu cầu bắt buộc của nhà nước, nhằm xác minh tính hợp pháp của nguồn tiền, chống rửa tiền (anti money-laundering), cũng như chống việc sử dụng nguồn tiền vào các giao dịch bất hợp pháp như hối lộ, tài trợ tội phạm, tài trợ khủng bố...

Với các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt truyền thống do các ngân hàng thương mại cung cấp, KYC được thực hiện chủ yếu thông qua giao dịch trực tiếp, khách hàng phải gặp mặt trực tiếp nhân viên ngân hàng (face-to-face), với các thủ tục xác minh nhân thân, xác minh giấy tờ, xác minh chữ kí… tương đối phức tạp.

Để giải quyết vấn đề KYC cho các dịch vụ tiền điện tử do các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (không phải ngân hàng thương mại hay chi nhánh ngân hàng nước ngoài) cung cấp, dự thảo nghị định đã đưa ra hai biện pháp: (i) đối với tiền di động, việc định danh khách hàng thực hiện thông qua cơ sở dữ liệu thuê bao di động, (ii) với ví điện tử, việc định danh được thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng của khách hàng.

Nhìn chung, quy định về KYC với tiền di động là hợp lí, vì tuy cơ sở dữ liệu thuê bao di động không chặt chẽ và đầy đủ như cơ sở dữ liệu của ngân hàng, nhưng các giao dịch tiền di động cũng bị khống chế về giá trị (Thông báo số 382/TB-VPCP ngày 01/10/2018 của Văn phòng Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, báo cáo về việc cho phép triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán các dịch vụ khác có giá trị nhỏ). Do vậy, mức độ rủi ro là không cao.

Tuy nhiên, với ví điện tử, qui định về việc định danh khách hàng thông qua tài khoản ngân hàng là chưa phù hợp. Bởi lẽ, theo qui định này, thì để có thể sử dụng dịch vụ ví điện tử, thì khách hàng phải mở tài khoản thanh toán tại ngân hàng và kết nối tài khoản thanh toán này với ví điện tử. Nói cách khác, qui trình KYC của dịch vụ ví điện tử sẽ giống hệt qui trình KYC của ngân hàng thương mại.

Điều này rõ ràng là bất hợp lí, bởi các quy trình nhận biết khách hàng (KYC) truyền thống hiện nay đã không còn phù hợp với các dịch vụ trung gian thanh toán trên nền tảng công nghệ như ví điện tử.

Hiểu một cách đơn giản: các dịch vụ như ví điện tử và tiền di động được ra đời để thúc đẩy tài chính toàn diện, hướng tới những khu vực mà mạng lưới ngân hàng còn chưa phát triển, chưa tiếp cận được người dân. Nếu áp dụng qui trình KYC giống hệt như qui trình KYC của ngân hàng thì lợi thế của ví điện tử sẽ không được phát huy trên thực tế. Nói cách khác, để tạo ra lợi thế cạnh tranh của ví điện tử so với các dịch vụ ngân hàng truyền thống, phương thức định danh khách hàng riêng biệt là yếu tố tiên quyết.

Nhìn rộng ra, việc nhận biết khách hàng thông qua phương thức điện tử (e-KYC) sẽ là giải pháp cho cả ngành ngân hàng lẫn các dịch vụ trung gian thanh toán điện tử trong tương lai. Đây là hướng đi đã được triển khai trên thực tế ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, với điều kiện Việt Nam, việc triển khai e-KYC vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn chủ quan và khách quan.

Nghị định 87/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2013/NĐ-CP ngày 04/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền vẫn chưa thể đưa ra quy định về nhận biết khách hàng qua phương thức điện tử để đưa vào triển khai trên thực tế.

Trong tương lai gần, có thể cân nhắc giải pháp chấp nhận ví điện tử vô danh. Hiện nay, đối với dịch vụ thẻ trả trước (do ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp), quy định của Thông tư 19/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép tồn tại hai loại hình thẻ trả trước, đó là: (i) thẻ trả trước định danh (có các thông tin định danh khách hàng) với hạn mức giao dịch cao, và (ii) thẻ trả trước vô danh với hạn mức giao dịch thấp. Theo điều 14 Thông tư 19/2016/TT-NHNN, trong mọi thời điểm, số dư trong thẻ trả trước vô danh được khống chế trong hạn mức không quá 5 triệu đồng.

Khi đã có sẵn khuôn mẫu qui định về thẻ trả trước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể nghĩ đến việc đưa ra qui định về ví điện tử định danh và vô danh. Theo đó, nếu khách hàng liên kết ví điện tử với tài khoản ngân hàng để định danh thông tin thì sẽ cho phép ví điện tử được giao dịch với hạn mức cao.

Ngược lại, nếu khách hàng chỉ sử dụng ví điện tử mà không liên kết với tài khoản ngân hàng (ví điện tử vô danh), thì chỉ có thể giao dịch với hạn mức thấp (số dư trong ví điện tử không quá 5 triệu đồng trong mọi thời điểm).

Nguyên tắc của quy định này đó là khi có đủ thông tin khách hàng thì sẽ cho phép giao dịch với hạn mức cao, còn khi không có thông tin khách hàng, thì chỉ cho phép giao dịch với hạn mức thấp, mà chủ yếu là các giao dịch tiêu dùng thông thường với giá trị nhỏ, mức độ rủi ro thấp. Điều này giúp cân bằng, hài hòa giữa hai mục tiêu: (i) chống rửa tiền và các giao dịch phi pháp, (ii) phổ biến dịch vụ thanh toán điện tử không dùng tiền mặt, thúc đẩy tài chính toàn diện.

Suy cho cùng việc sử dụng ví điện tử (dù là vô danh) thì vẫn tốt hơn là thanh toán bằng tiền mặt. Không thể phân biệt tờ giấy bạc đã dùng để mua ma túy với tờ giấy bạc dùng để mua hàng tiêu dùng, cũng như không thể truy vết được những tờ tiền đã được dùng để đưa hối lộ. Tuy nhiên, ngay cả với ví điện tử vô danh, các cơ quan chức năng vẫn có những manh mối nhất định (dù nhỏ), để có thể điều tra và xác minh.

Chẳng hạn, tài khoản ví điện tử vô danh đã dùng để thanh toán một giao dịch phi pháp, trước đó 20 phút cũng đã thanh toán một giao dịch mua bán tại một cửa hàng tiện lợi. Và tại cửa hàng tiện lợi đó, lại có camera ghi lại hình ảnh của người thực hiện giao dịch ví điện tử.

Sự ra đời của quy trình nhận biết khách hàng (KYC) chủ yếu là để chống rửa tiền và giao dịch phi pháp. Vì vậy, không nên để quy trình KYC trở thành rào cản cho sự phát triển của các dịch vụ thanh toán điện tử, nhất là khi sự phát triển của các dịch vụ này cũng sẽ là đóng góp vào việc xây dựng nền tài chính minh bạch, chống rửa tiền và giao dịch phi pháp.

Tin mới lên