Tài chính quốc tế

Tại sao Thái Lan muốn siết chặt quản lý tiền điện tử?

Nhà đầu tư sẽ phải nộp 7% thuế giá trị gia tăng với tất cả các giao dịch tiền điện tử, ngoài ra họ phải đóng thuế 15% với lợi nhuận thu về.

Tại sao Thái Lan muốn siết chặt quản lý tiền điện tử?

Tại sao Thái Lan muốn siết chặt quản lý tiền điện tử? (Ảnh minh hoạ)

Chính quyền quân sự của Thái Lan muốn quản lý chặt chẽ thị trường tiền điện tử Thái Lan mới đang ở giai đoạn phát triển ban đầu.

Cùng lúc đó, chính phủ Thái Lan muốn đánh thuế nhà đầu tư đầu tư vào tiền điện tử để ngăn chặn việc thị trường tiền điện tử bị lạm dụng cho mục đích rửa tiền, trốn thuế và nhiều hoạt động phạm tội khác.

Những động thái mới nhất được Bộ trưởng Tài chính Thái Lan, ông Apisak Tantivorawong, công bố ngày 27/3 sau cuộc họp nội các tuần này.

Theo luật mới được thông qua để quản lý thị trường tiền ảo và tiền số, nhà đầu tư sẽ phải nộp 7% thuế giá trị gia tăng với tất cả các giao dịch tiền điện tử. Ngoài ra, họ phải đóng thuế 15% với lợi nhuận thu về.

Vào tháng 2/2018, Ngân hàng Trung ương Thái Lan đã chính thức cấm các ngân hàng Thái Lan tham gia đầu tư và giao dịch tiền điện tử. Chính sách này không khỏi khiến nhà đầu tư tiền điện tử tại Thái Lan lo lắng.

Cả hai lần can thiệp vào thị trường tiền điện tử như trên cho thấy quan điểm khá thận trọng và bảo thủ trong chính sách ngành tài chính của chính phủ Thái Lan.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Thái Lan kiêm chủ tịch Hiệp hội công nghệ tài chính Thái Lan, ông Korn Chatikavanij, tuy không ngạc nhiên với những gì mà Bộ Tài chính Thái Lan và Ngân hàng Trung ương Thái Lan đang làm, thế nhưng ông khẳng định: "Họ cần phải thận trọng nếu không quan điểm bảo thủ của họ sẽ dẫn đến những chính sách điều tiết hà khắc".

Những doanh nghiệp kinh doanh tiền điện tử ở Thái Lan đang đương đầu với ngày một nhiều khó khăn, những doanh nhân Thái Lan thành lập công ty bằng cách gọi vốn thông qua chào bán tiền điện tử (ICOs) đang có xu thế đăng ký thành lập doanh nghiệp ở môi trường đầu tư Singapore vốn được coi là thân thiện hơn.

Có thể nhắc đến như Công ty six.network - doanh nghiệp liên doanh Thái Lan – Hàn Quốc. Doanh nghiệp liên doanh này đăng ký kinh doanh ở Singapore. Ngày 27/3/2018, doanh nghiệp thông báo chào bán tiền điện tử ở Bangkok với mục tiêu huy động 44 triệu USD.

Nhà đồng sáng lập của six.network, ông Natavudh Pungcharoenpong, cho biết công ty của ông đang làm việc với nhà quản lý Thái Lan, Ủy ban chứng khoán Thái Lan (SEC) để tránh bất kỳ rủi ro nào: "Công ty chúng tôi đã làm việc chặt chẽ với các bên liên quan để đảm bảo sự minh bạch".

Nhiều doanh nhân trong ngành kinh doanh tiền điện tử Thái Lan thận trọng hơn. Cuối tháng 3/2018, JFin, một doanh nghiệp liên doanh Thái Lan từng có kế hoạch chào bán tiền điện tử trên sàn đã quyết định trì hoãn việc này sang đầu tháng 5/2018 từ kế hoạch  tháng 4/2018 như ban đầu, do lo lắng về những bất ổn chính sách.

Hiện tại Thái Lan có 6 sàn giao dịch tiền điện tử với khoảng 11 loại tiền đang được giao dịch trong đó có Bitcoin. Tiền điện tử cũng đang được sử dụng nhiều hơn trong thương mại tại Thái Lan. Một số cửa hàng tại trung tâm mua sắm cao cấp chấp nhận Bitcoin để thanh toán đồ ăn thức uống để thu hút khách hàng.

Trong năm ngoái, đã có lúc khối lượng, giá trị giao dịch Bitcoin ở Thái Lan tăng lên mức cao kỷ lục, đặc biệt là trong quý cuối cùng. Tháng 12/2017, giá trị giao dịch Bitcoin hàng tuần lên hơn 48 triệu bath trong khi đó con số cùng kỳ năm trước chỉ đạt 12 triệu bath.

Tại một số nước Đông Nam Á, trong thời gian vừa qua cũng đã có những thời điểm giao dịch tiền điện tử tăng vọt, có thể kể đến như Việt Nam hay Indonesia, thế nhưng giao dịch tại tất cả những nước trên không thể so sánh với Singapore.

Nhiều công ty mới thường muốn đăng ký thành lập doanh nghiệp tại nước/lãnh thổ có môi trường pháp lý có thuận lợi và có sự hỗ trợ cao hơn ví như Singapore, Thụy Sỹ hay Hồng Kông.

Tin mới lên