Tiêu điểm

Tầm nhìn APEC đến năm 2040: Giải quyết những ‘điểm nghẽn’ trong hợp tác kinh tế số

(VNF) - Trong Tuyên bố Tầm nhìn APEC vừa được thông qua, các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC cho rằng cần thu hẹp khoảng cách số, giải quyết những “điểm nghẽn” trong hợp tác kinh tế số như lưu chuyển dữ liệu, trên cơ sở phù hợp với năng lực và trình độ của từng nền kinh tế.

Tầm nhìn APEC đến năm 2040: Giải quyết những ‘điểm nghẽn’ trong hợp tác kinh tế số

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các nền kinh tế thành viên thông qua “Tầm nhìn APEC Putrajaya 2040”.

Hội nghị các nhà Lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 27 diễn ra ngày 20/11/2020 đã thông qua Tuyên bố Tầm nhìn APEC đến năm 2040.

Trong Tuyên bố Tầm nhìn APEC vừa được thông qua, các nhà Lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC đã nhất trí “Tầm nhìn của chúng tôi là một cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương mở, năng động, tự cường và hòa bình vào năm 2040, vì sự thịnh vượng của tất cả người dân và các thế hệ tương lai”.

Tuyên bố Tầm nhìn APEC đến năm 2040 là thông điệp mạnh mẽ khẳng định chính sách của các thành viên tiếp tục coi trọng vai trò của châu Á – Thái Bình Dương và diễn đàn APEC.

Với cam kết giữ vững các nguyên tắc tự nguyện, không ràng buộc và dựa trên đồng thuận, để hiện thực hóa tầm nhìn, các nhà lãnh đạo đã xác định 3 trụ cột hợp tác của APEC trong thời gian tới.

Đó là tiếp tục thúc đẩy những giá trị cốt lõi mà APEC đã theo đuổi trong suốt ba thập kỷ qua về tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư; đẩy mạnh đổi mới và số hóa, coi đây là động lực mới để thích ứng với những thay đổi căn bản do cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và sẽ tạo ra; tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, an toàn, bền vững và bao trùm nhằm giải quyết hiệu quả các thách thức toàn cầu ngày càng gay gắt.

Những trụ cột hợp tác quan trọng này sẽ bảo đảm sự tăng trưởng bền vững của châu Á – Thái Bình Dương, tính năng động và khả năng thích ứng của cộng đồng APEC.

Về thương mại và đầu tư, APEC sẽ tiếp tục tạo dựng môi trường thương mại và đầu tư tự do, mở, công bằng, không phân biệt đối xử, minh bạch và ổn định. Các nền kinh tế APEC đề cao ý nghĩa của các cam kết đã được thống nhất của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương hoạt động hiệu quả và các dòng chảy thương mại quốc tế ổn định và dễ dự đoán.

Tầm nhìn APEC đến năm 2040 nhấn mạnh ý tưởng tham vọng về một Khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) với những cam kết tiêu chuẩn cao và toàn diện. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi châu Á – Thái Bình Dương là khu vực trong ba năm qua đã chứng kiến sự hình thành của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có quy mô lớn nhất thế giới, như CPTPP và RCEP.

Về đổi mới, sáng tạo và số hóa, APEC sẽ phát huy vai trò tiên phong đẩy mạnh môi trường thuận lợi và vận hành theo định hướng thị trường đối với kinh tế số và đổi mới sáng tạo, cải cách cơ cấu và các chính sách kinh tế đúng đắn.

Trong đó, các nền kinh tế cần có cách tiếp cận toàn diện, bao trùm đối với kinh tế số, tăng cường cơ sở hạ tầng số, đẩy nhanh chuyển đổi số, thu hẹp khoảng cách số, giải quyết những “điểm nghẽn” trong hợp tác kinh tế số như lưu chuyển dữ liệu, trên cơ sở phù hợp với năng lực và trình độ của từng nền kinh tế.

Về tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, an toàn, bền vững và bao trùm, APEC đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực toàn diện và hợp tác kinh tế kỹ thuật gắn với quá trình số hóa, đồng thời thúc đẩy các chương trình hợp tác nhằm bảo đảm tăng trưởng chất lượng và khả năng chống chịu trước các cú sốc, khủng hoảng trong tương lai.  

Xem thêm >> Kết quả bầu cử chưa ngã ngũ, ông Biden được NATO mời dự hội nghị thượng đỉnh

Tin mới lên