Tài chính

'Tầm soát' cổ phiếu thép sau nhiều phiên tăng mạnh liên tiếp

(VNF) - Hàng loạt doanh nghiệp thép lỗ nặng sau khi bước vào chu kỳ liên tục điều chỉnh giảm giá bán sản phẩm. Nguyên nhân được cho là nhu cầu với mặt hàng này trên thế giới và thị trường nội địa suy yếu, các dự án đầu tư, bất động sản gặp khó khăn. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp có tỷ lệ hàng tồn kho trên tổng tài sản thấp được cho là sẽ ít chịu tác động tiêu cực hơn. Cộng hưởng thêm định giá P/B thấp, một số cổ phiếu ngành thép có tiềm năng tạo đáy sớm hơn và hồi phục mạnh hơn sau đó.

'Tầm soát' cổ phiếu thép sau nhiều phiên tăng mạnh liên tiếp

'Tầm soát' cổ phiếu thép sau nhiều phiên tăng mạnh liên tiếp

Tuy vậy, điều này cũng còn tùy thuộc vào diễn biến của thị trường. Nếu nhu cầu đột ngột tốt trở lại, chẳng hạn như trường hợp Trung Quốc mở cửa khiến nhu cầu thép tăng cao, thì những doanh nghiệp sở hữu lượng hàng tồn kho cao lại có thể thu lợi lớn.

POM, VGS và TIS: Định giá và tỷ lệ tồn kho đều thấp

So với mặt bằng chung của ngành thép, cổ phiếu TIS của Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên (UPCoM: TIS) đang là một trong số các cổ phiếu được định giá khá thấp với mức giá trên giá trị sổ sách (P/B) đạt 0,34 lần, tức thị giá chỉ bằng một phần ba giá trị sổ sách.

Kết thúc quý III, giá trị hàng tồn kho của công ty giảm nhẹ so với đầu quý, về mức 10.513 tỷ đồng, tương đương với khoảng 19,5% tổng giá trị tài sản công ty. Đây cũng là một mức khá thấp so với bình quân của các doanh nghiệp ngành thép.

Về tình hình kinh doanh, TIS ghi nhận 2.605 tỷ đồng doanh thu trong quý III, giảm 15,56% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, công ty đã ghi nhận lỗ sau thuế 25,06 tỷ đồng. Lũy kế 3 quý, doanh thu chỉ giảm nhẹ, đạt 9.527 tỷ đồng, mức lợi nhuận sau thuế luỹ kế của công ty lại giảm sâu về mức 9,93 tỷ đồng, chỉ bằng 1/10i so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, cổ phiếu VGS của Công ty Cổ phần Ống thép Việt Đức VG PIPE (HNX: VGS) đã ghi nhận 2 phiên hồi phục liên tiếp gần đây, đưa mức P/B lên mức 0,43 lần. Trong quý III, giá trị hàng tồn kho bình quân của công ty chiếm khoảng 29,4% giá trị tổng tài sản. Cụ thể, giá trị hàng tồn kho của VGS đã giảm từ 839 tỷ đồng về 543 tỷ đồng vào cuối quý.

Tuy doanh thu của VGS trong quý III/2022 đã có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.938 tỷ đồng, mức lợi nhuận sau thuế giảm về mức 4,99 tỷ đồng, tương đương giảm tới 86,31% so với quý III/2021. Luỹ kế kể từ đầu năm, công ty ghi nhận 6.132 tỷ đồng doanh thu và 82,33 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 25,86% và giảm 15,18% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, cổ phiếu POM của Công ty Cổ phần Thép Pomia (HoSE: POM) cũng đang được định giá hợp lý so với mức hàng tồn kho của công ty. Cổ phiếu POM đang có mức P/B đạt 0,39 lần với mức giá trị hàng tồn kho bằng 38,92% tổng giá trị tài sản của công ty.

Gần đây, công ty này đã phải thông báo dừng hoạt động sản xuất lò cao từ ngày 23/9/2022 do thua lỗ nặng. Cụ thể, công ty ghi nhận lỗ 715,6 tỷ đồng sau thuế trong quý III với mức doanh thu giảm nhẹ 4%. Kể từ đầu năm, doanh thu lũy kế của POM đạt 11.132 tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước nhưng lỗ lũy kế tới 707,53 tỷ đồng sau thuế với 2 quý báo lỗ liên tiếp.

Các cổ phiếu ngành thép đa phần được định giá thấp hơn nhiều giá trị sổ sách

HPG và TNS: Tỷ lệ tồn kho thấp nhưng định giá cao

So với mức trung bình trong ngành, cổ phiếu HPG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) và TNS của Công ty Cổ phần Thép tấm lá Thống Nhất (UPCoM: TNS) đang có mức P/B khá cáo, lần lượt đạt 0,9 và 1,26. Tuy nhiên, hai doanh nghiệp này lại duy trì được lượng hàng tồn kho tương đối thấp trong quý III vừa rồi.

Cụ thể, về phần HPG, lượng hàng tồn kho đã giảm từ 57.554 tỷ đồng xuống mức 43.880 tỷ đồng, chiếm khoảng 25,92% tổng giá trị tài sản của công ty. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của HPG đã trở nên ảm đạm trong quý III với 34.103 tỷ đồng doanh thu, chỉ giảm nhẹ so với cùng kỳ nhưng lỗ tới 1.786 tỷ đồng sau thuế. Theo đó, lợi nhuận sau thuế luỹ kế 3 quý đầu của HPG cũng giảm sâu 61,47% và đạt 10.443 tỷ đồng.

Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), HPG đã chủ động giảm hàng tồn kho và sản lượng sản xuất trong bối cảnh tiêu thụ yếu. HPG cho biết sẽ quản trị hàng tồn kho chặt chẽ và có thể ghi nhận giá vốn thấp hơn vào quý tới. Doanh nghiệp này cũng ra quyết định tạm dừng hoạt động một số lò cao trong bối cảnh nhu cầu yếu. 

Trên thực tế, các doanh nghiệp ngành thép hầu hết đều phải ghi nhận lỗ trong quý vừa rồi do giá bán thép giảm và tồn kho vật liệu giá cao. HPG được cho là sẽ có lợi thế cạnh tranh từ chi phí nhờ luôn tối ưu hoá chuỗi giá trị sản xuất. Vì vậy, biên lợi nhuận gộp của HPG cao nhất trong các doanh nghiệp sản xuất thép.

Về TNS, đây là một trong những số ít cổ phiếu có mức P/B lớn hơn 1. Trong quý III, giá trị hàng tồn kho bình quân của công ty đạt 57,50 tỷ đồng, chỉ chiếm 16,27% tổng tài sản công ty.

Cũng giống như các doanh nghiệp thép khác, TNS đã báo lỗ trong quý III với mức lỗ 6,2 tỷ đồng sau thuế với mức doanh thu giảm sâu so với các quý trước, đạt 21,3 tỷ đồng.

Nhiều cổ phiếu thép có lượng hàng tồn kho cao

Cổ phiếu TLH của Công ty Cổ phần Tập đoàn Thép Tiến Lên (HoSE: TLH) đã có 3 phiên tăng giá mạnh liên tiếp gần đây, nâng mức P/B lên 0,27 lần. Khác với phần lớn các doanh nghiệp cùng ngành, giá trị hàng tồn kho của TLH đã tăng từ 2.902 tỷ đồng lên mức 3.386 tỷ đồng, chiếm 70,81% giá trị tổng tài sản của công ty. Đây là một mức tỷ lệ khá cao so với mặt bằng chung trong ngành.

Trong quý III vừa qua, công ty ghi nhận mức doanh thu đạt 1.159 tỷ đồng, tăng khoảng 30% nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm mạnh 93,3% so với cùng kỳ năm trước, đạt 6,8 tỷ đồng.

Tương tự, cổ phiếu SMC của Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại SMC (HoSE: SMC) là một trong những cổ phiếu thép được định giá thấp nhất với mức P/B đạt 0,27 lần. Trong quý III, giá trị hàng tồn kho của SMC đã giảm 32,3% về mức 2.283 tỷ đồng. Tuy nhiên bình quân hàng tồn kho vẫn chiếm khoảng 60% giá trị tài sản công ty.

Luỹ kế kể từ đầu năm, công ty ghi nhận 18.922 tỷ đồng doanh thu, tăng mạnh 36,98% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, lỗ sau thuế luỹ kế của SMC lên tới 96,42 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, giảm mạnh so với mức lãi 877 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Hai “ông lớn” khác trong ngành là cổ phiếu HSG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) và NKG của Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (HoSE: NKG) đã ghi nhận mức giá trị hàng tồn kho khá tương đồng trong quý III, chiếm khoảng một nửa giá trị tổng tài sản công ty.

Kết phiên gần nhất 18/11, HSG ghi nhận phiên tăng trần với giá đóng cửa đạt 8.990 đồng/cổ phiếu, nâng mức P/B lên 0,46 lần. Trong quý III, công ty đã ghi nhận mức doanh thu đạt 7.939 tỷ đồng và 887 lỗ sau thuế. Theo đó, luỹ kế từ đầu năm, HSG ghi nhận lỗ 388 tỷ đồng sau thuế.

Bên cạnh đó, theo đà phục hồi của giá cổ phiếu thép, NKG cũng ghi nhận phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp, mức giá đóng cửa phiền gần nhất của NKG đạt 9.050 đồng/cổ phiếu, theo đó mức P/B đạt 0,42 lần. Kể từ đầu năm, tình hình kinh doanh của NKG đã trở nên ảm đạm. Công ty thông báo mức doanh thu đạt 14.790 tỷ đồng và mức lợi nhuận sau thuế đạt 289 tỷ đồng, giảm mạnh lần lượt 23,74% và 83,66% so với cùng kỳ năm trước.

Cuối cùng, cổ phiếu PAS của Công ty Cổ phần Quốc tế Phương Anh (UPCoM: PAS) đang được giao dịch với mức giá tương đương khoảng một phần ba giá trị sổ sách. Công ty ghi nhận tỷ lệ hàng tồn kho đạt 45,09% giá trị tổng tài sản công ty.

Luỹ kế 3 quý đầu năm, PAS cũng đã ghi nhận tình hình hoạt động kinh doanh đi xuống mạnh mẽ. Công ty ghi nhận mức doanh thu lũy kế đạt 765,12 tỷ đồng và mức lợi nhuận sau thuế đạt 7,39 tỷ đồng, lần lượt giảm 8,20% và 80,89% so với cùng kỳ năm trước.

Tin mới lên