Tiêu điểm

Tân chủ tịch Hà Nội nói về "kinh tế thị trường"

(VNF) - Chủ tịch Hà Nội nói kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta là một mô hình hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử và thời gian thực hiện chưa đầy 30 năm, nên "gặp không ít trở ngại, khó khăn và cả thiếu sót".

Tân chủ tịch Hà Nội nói về "kinh tế thị trường"

Đăng đàn tại phiên thảo luận tại Đại hội Đảng sáng 22/1, tân Chủ tịch Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đã bày tỏ quan điểm của mình đối với vấn đề "kinh tế thị trường" trong bối cảnh mới.

Đã vận dụng sáng tạo

Theo ông Chung, để kinh tế thị trường định hướng XHCN đi vào cuộc sống, vấn đề mấu chốt là phải hoàn thiện thể chế, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và chịu tác động sâu sắc, nhiều chiều đến mọi mặt của đời sống xã hội.

Chính vì vậy, Đại hội XI đã xác định "hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính" là một trong ba khâu đột phá chiến lược về kinh tế.

Và giờ đây, dự thảo Văn kiện Đại hội XII tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, vì vậy trong dự thảo đã nêu rõ phương hướng hoàn thiện thể chế để phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN là nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ tới.

Trong bối cảnh đó, "Hà Nội có trách nhiệm cao trong việc chủ động nhận thức, tiên phong thực hiện, vận dụng sáng tạo, từng bước tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phát huy các tiềm năng thế mạnh, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để xây dựng thành công kinh tế thị trường định hướng XHCN trên địa bàn Thủ đô".

Chủ tịch Chung cho hay trong suốt 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Trung ương Đảng, Hà Nội đã "vận dụng sáng tạo kinh tế thị trường thông qua việc thực hiện các giải pháp phát triển đồng bộ, vững chắc các loại thị trường, trong đó sớm hình thành một số thị trường mới như thị trường mua bán và sáp nhập doanh nghiệp, thị trường mua bán nợ, thị trường ý tưởng mới và tri thức, thị trường khoa học và công nghệ…"

Thành phố cũng đã chủ động đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng kết hợp hiệu quả giữa phát triển chiều rộng với chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô.

Bên cạnh việc tập trung phát triển, hoàn thiện đồng bộ các thiết chế, công cụ và nguyên tắc vận hành kinh tế thị trường, Hà Nội cũng "luôn ý thức sâu sắc tầm quan trọng và đặc biệt quan tâm tới việc giải quyết hài hòa giữa mục tiêu trước mắt và lâu dài; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội".

Đặc biệt, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã rất chú trọng tới việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư bảo đảm thông thoáng, minh bạch nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư và sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thủ đô.

Nhờ sự vận dụng sáng tạo đường lối phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN phù hợp với đặc thù của Thủ đô, cơ cấu kinh tế của Hà Nội có sự chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện đồng bộ và hiện đại hơn.

GDP đã có sự tăng trưởng vượt bậc sau 30 năm đổi mới: GDP tăng từ 4,48% giai đoạn đầu đổi mới (1986-1990) lên 9,3% giai đoạn 2009-2015; GDP đầu người năm 2015 tăng gấp 6,4 lần so với năm 1990.

Tuy nhiên, Chủ tịch Hà Nội cũng thừa nhận "kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta là một mô hình kinh tế hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử và thời gian thực hiện chưa đầy 30 năm. Cho nên, trong quá trình phát triển, mặc dù rất chủ động, tích cực và vận dụng sáng tạo trong hoàn cảnh cụ thể nhưng Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung gặp không ít trở ngại, khó khăn và cả thiếu sót".

Ba nhóm giải pháp để thành "tiên phong"

Để phát triển thành công kinh tế thị trường định hướng XHCN trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, theo Chủ tịch Chung, việc hoàn thiện thể chế "là điều kiện tiên quyết, hết sức quan trọng". Theo đó, ông đề xuất ba nhóm giải pháp.

Thứ nhất, rà soát lại mô hình tổng quát phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của nước ta cho phù hợp với yêu cầu hội nhập sâu rộng của đất nước trong thời gian tới. Trong quá trình rà soát, cần xác định những đặc trưng mang tính phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại để tham chiếu, vận dụng trong quản lý, điều hành nền kinh tế nước ta.

Bên cạnh đó, cần xác lập cụ thể hơn vai trò chủ thể của Nhà nước theo hướng Nhà nước đề ra những thể chế kiến tạo sự phát triển, nhất là kiến tạo phát triển thị trường, tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển và cạnh tranh bình đẳng, đồng thời đề ra các công cụ điều tiết và kiểm soát thị trường hiệu quả, đảm bảo nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, đảm bảo công bằng xã hội.

Thứ hai là tiến hành rà soát và có lộ trình điều chỉnh, bổ sung các chính sách, pháp luật và văn bản hướng dẫn có liên quan về phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhất là về chế độ sở hữu, phân phối và lưu thông hàng hoá, đảm bảo tính đồng bộ, không chồng chéo, phù hợp các quy định của Hiến pháp, các văn bản pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia.

Thứ ba, bên cạnh việc vận dụng thống nhất, đồng bộ và hiệu quả thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN trong cả nước, cần tính đến các đặc thù của từng vùng, từng địa phương.

"Hà Nội sẽ nghiên cứu để thực hiện trong thẩm quyền hoặc đề xuất với Trung ương cho phép triển khai một số cơ chế, chính sách đặc thù trong tái cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ, trọng dụng và đãi ngộ nhân tài, thực hiện an sinh xã hội… nhằm tiên phong thực hiện thành công mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN trên địa bàn Thủ đô", ông Chung nói.

Tin mới lên