Tài chính quốc tế

Tân Thủ tướng Anh cáo buộc Nga ‘biến lương thực thành vũ khí’

(VNF) - Tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak cáo buộc Nga "biến lương thực thành vũ khí" và hối thúc các nước cần tăng cường sản xuất lương thực, thực phẩm theo khả năng và giải phóng kho dự trữ để ngăn chặn nạn đói.

Tân Thủ tướng Anh cáo buộc Nga ‘biến lương thực thành vũ khí’

Tân Thủ tướng Anh Rishi Sunak.

Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Anh Sunak đã có một bài viết trên tờ Telegraph của Anh, trong đó ông lưu ý rằng "cuộc chiến ở Ukraine làm trầm trọng thêm những vấn đề mà các nước trên thế giới đang phải đối mặt. 2/3 các nước thành viên G20 hiện nay có tỷ lệ lạm phát trên 7%”.

Theo ông Sunak, trước hết phải tiếp tục hỗ trợ "những nơi cần thiết nhất trong mùa đông tới". Về vấn đề này, ông lưu ý sự trợ giúp đối với người dân Ukraine, cũng như "các biện pháp ngăn chặn nạn đói ở những nơi dễ bị tổn thương nhất trên thế giới".

"Thứ hai chúng ta cần phải chấm dứt việc biến lương thực thành vũ khí khủng khiếp của Nga. Tôi ủng hộ Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong việc đảm bảo rằng nguồn cung cấp ngũ cốc ở Biển Đen sẽ được tiếp tục và kêu gọi tất cả những nước có khả năng sản xuất nhiều lương thực hơn hoặc giải phóng kho dự trữ hãy làm điều đó để giúp gia tăng nguồn cung", ông Sunak nhấn mạnh thêm.

Thủ tướng Anh cũng lưu ý sự cần thiết phải "nhanh chóng chuyển đổi để thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp nhiên liệu từ những nước như Nga”.

Trước đó, hồi cuối tháng 7, Nga và Ukraine đã ký riêng với Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ thỏa thuận Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen nhằm giải quyết vấn đề cung cấp lương thực và phân bón ra thị trường toàn cầu.

Theo thỏa thuận này, Nga sẽ cung cấp một “hành lang ngũ cốc” an toàn qua Biển Đen trong vòng 120 ngày (tức đến ngày 19/11) để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine.

Được biết, hơn 9,5 triệu tấn ngô, lúa mì, các sản phẩm từ hướng dương, lúa mạch, hạt cải dầu và đậu nành đã được xuất khẩu trong thời gian này.

Tới ngày 29/10, Nga đã đình chỉ tham gia thỏa thuận này "trong thời gian không xác định" với tuyên bố không thể đảm bảo an toàn cho các tàu dân sự đi qua Biển Đen do một cuộc tấn công vào hạm đội Nga tại Bán đảo Crimea.

Tuy nhiên, ngày 2/11, Nga đã quyết định nối lại việc tham gia thỏa thuận ngũ cốc sau khi Ukraine, thông qua vai trò trung gian của Liên hợp quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, đảm bảo bằng văn bản rằng nước này sẽ không sử dụng hành lang an ninh ở Biển Đen cho mục đích quân sự.

Dù vậy, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moscow không cam kết gia hạn thỏa thuận sau ngày hết hạn là 19/11. Tổng thống Nga Putin cũng cảnh báo rằng Nga có quyền rút khỏi thỏa thuận một lần nữa nếu Ukraine vi phạm cam kết.

Mới đây, sau cuộc họp với các quan chức cấp cao của Liên hợp quốc hôm 11/11, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin cho biết Moscow muốn ngân hàng cho vay nông nghiệp chính của mình, Rosselkhozbank, được kết nối lại với mạng lưới tài chính SWIFT, Hiệp hội Viễn thông Liên Ngân hàng và Tài chính Quốc tế, để giải phóng hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón.

Xem thêm >> Liên hợp quốc: Thế giới cần ngũ cốc và phân bón từ Nga

Tin mới lên