Tài chính tiêu dùng

Tăng an toàn vốn cho công ty bảo hiểm

Nếu dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) được thông qua, các doanh nghiệp ngành bảo hiểm sẽ phải đáp ứng đồng thời việc trích lập dự phòng nghiệp vụ và đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Tăng an toàn vốn cho công ty bảo hiểm

Nhà đầu tư nước ngoài mong muốn Việt Nam tiếp tục mở room ngoại trong lĩnh vực bảo hiểm

Thay đổi phù hợp thông lệ quốc tế

Tháng 9 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), trong đó mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro đã được lựa chọn áp dụng.

Theo quy định hiện hành, mức vốn yêu cầu của các doanh nghiệp bảo hiểm được tính toán dựa trên dự phòng kỹ thuật hoặc số tiền bảo hiểm và doanh thu phí bảo hiểm. Tuy nhiên theo Bộ Tài chính những căn cứ này đều không tính đến mức độ và các loại rủi ro khác nhau. Vì thế trong dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), mô hình quản lý vốn dựa trên rủi ro đã được đưa thêm vào nhằm quy định chặt chẽ hơn các chỉ tiêu an toàn về thanh toán và vốn điều lệ trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Khi luật mới được ban hành, căn cứ trên mức độ an toàn vốn của từng doanh nghiệp bảo hiểm, Bộ Tài chính sẽ áp dụng 3 biện pháp gồm: cải thiện, can thiệp sớm, kiểm soát, thay vì chỉ can thiệp khi doanh nghiệp đã có nguy cơ mất khả năng thanh toán như từ trước đến nay.

TS. Nguyễn Đình Huy - Đại học Quốc gia TP. HCM cho rằng, việc áp dụng mô hình quản lý vốn dựa trên rủi ro với các doanh nghiệp bảo hiểm là rất cần thiết và phù hợp với xu hướng quốc tế. Bởi hiện nay, các doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phải duy trì mức vốn chủ sở hữu tối thiểu, không thấp hơn mức vốn pháp định là 600 tỷ đồng. Mức vốn này là không lớn so với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực tài chính khác như ngân hàng và công ty cho thuê tài chính. Trong khi đó các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ có quy mô kinh doanh và nghĩa vụ chi trả khác nhau. Nếu chỉ bắt buộc đáp ứng vốn tối thiểu như trên thì không phù hợp và không đảm bảo khả năng thanh toán.

Ông Huy cho rằng, theo kinh nghiệm của nhiều nước, mức vốn tối thiểu của doanh nghiệp cần được xác định dựa trên quy mô hoạt động và tổng thể các rủi ro có thể tác động đến hoạt động kinh doanh của từng doanh nghiệp. Hiện nay, các doanh nghiệp bảo hiểm được coi là có đủ khả năng thanh toán khi đã trích lập đầy đủ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm và có biên khả năng thanh toán không thấp hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp bảo hiểm hiện nay là những nhà đầu tư tài chính. Vì vậy, việc giám sát theo biên khả năng thanh toán không phản ánh được hết các yếu tố rủi ro như: rủi ro thị trường, rủi ro lãi suất, rủi ro kinh doanh. Do đó, mô hình quản lý vốn doanh nghiệp nếu được thay đổi cần xây dựng dựa trên cơ sở 4 loại rủi ro là: rủi ro bảo hiểm, rủi ro tài sản, rủi ro tập trung và rủi ro hoạt động. Mô hình này hiện đang áp dụng tại Singapore khá thành công và có thể điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn thị trường Việt Nam.

Áp lực và cơ hội tăng vốn

Theo Công ty Chứng khoán SSI, nếu mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro (RBC) được lựa chọn áp dụng thì mức vốn yêu cầu đối với doanh nghiệp bảo hiểm sẽ lớn hơn và tổng vốn của doanh nghiệp cũng sẽ thay đổi phù hợp hơn với thực tiễn. Chẳng hạn như việc định giá tài sản, khi áp dụng RBC các tài sản của doanh nghiệp sẽ được tính theo giá thị trường thay vì giá trị sổ sách. Từ đó tài sản nhiều doanh nghiệp sẽ tăng lên đáng kể khi quản lý vốn trên RBC.

Ở góc độ an toàn vốn, theo SSI, hiện nay đa số các doanh nghiệp bảo hiểm tại Việt Nam đều có biên khả năng thanh toán cao hơn mức tối thiểu, thậm chí gấp 10-30 lần ở các doanh nghiệp mới thành lập. Như vậy, chênh lệch giữa giá trị tài sản và các khoản nợ phải trả là khá lớn và ít doanh nghiệp có nguy cơ mất khả năng thanh toán. Tuy nhiên, nếu mô hình quản lý vốn theo RBC được áp dụng thì một số doanh nghiệp sẽ phải chịu áp lực tăng thêm vốn tự có để đảm bảo hệ số rủi ro phù hợp, nhất là các doanh nghiệp bảo hiểm nội địa. Vì trong vài năm gần đây, việc tăng vốn tự có chủ yếu dựa vào tích lũy các khoản lợi nhuận chứ số lượng phát hành cổ phần mới là khá ít ỏi. Vốn chủ sở hữu tăng lên chủ yếu nhờ nhóm doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ nước ngoài.

Mặc dù chịu áp lực tăng vốn trong dài hạn, nhưng hầu hết các chuyên gia tài chính đều cho rằng các doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không quá bị động, do dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm đưa ra lộ trình 5 năm đối với việc áp dụng mô hình quản lý vốn RBC. Trong đó có 3 năm đầu các doanh nghiệp được phép áp dụng mô hình có sẵn để tính toán, xác định số vốn trên cơ sở rủi ro phải có, số vốn đang có và số vốn phải bổ sung để điều chỉnh cho phù hợp.

Ngoài ra, ở góc độ thị trường, cuối tháng 8/2021 vừa qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chính thức cập nhật “điều kiện tiếp cận thị trường” trong 59 ngành nghề, bao gồm lĩnh vực bảo hiểm trên Cổng thông tin quốc gia về Đầu tư. Theo thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố thì kinh doanh bảo hiểm (kể cả theo các cam kết tại các hiệp định như WTO, CPTPP, EVFTA, VKFTA hay theo pháp luật Việt Nam) đều “không hạn chế” tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, cơ hội để các doanh nghiệp bảo hiểm mở tối đa room sở hữu vốn đối với nhà đầu tư nước ngoài là rất lớn trong các năm tới.

Thực tế, trong hai năm gần đây, các công ty Bảo Minh, Bảo Việt, PTI, BIC, AAA, Vinare… cũng đều đã kiến nghị các bộ, ngành hướng dẫn về thủ tục nới room ngoại cho nhà đầu tư nước ngoài. Vì vậy, khi pháp lý không còn hạn chế tỷ lệ sở hữu vốn nước ngoài, cộng với áp lực tăng vốn để đáp ứng mô hình quản lý vốn theo cơ sở rủi ro sẽ khiến các doanh nghiệp bảo hiểm đẩy nhanh các đàm phán hợp tác và lan tỏa làn sóng tăng vốn các năm giai đoạn 2023-2027.

Tin mới lên