Tiêu điểm

Tăng trưởng 6 tháng chỉ đạt 5,52% là… ‘bất khả kháng’

(VNF) - Chính phủ cho rằng mức tăng trưởng thấp trong 6 tháng đầu năm là do các nguyên nhân bất khả kháng. Nếu không có những tác động xấu từ các nguyên nhân đó, tốc độ tăng trưởng đã đạt mức tương đương cùng kỳ 2015.

Tăng trưởng 6 tháng chỉ đạt 5,52% là… ‘bất khả kháng’

Dù bức tranh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, Chính phủ vẫn nhận định mức tăng trưởng 5,52% là tích cực

"Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2016" của Chính phủ trình Quốc hội cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2016 đạt 5,52%, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước là 6,32% và thấp hơn mục tiêu cả năm 6,7%.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do sự sụt giảm tăng trưởng của khu vực nông nghiệp và công nghiệp. Theo tính toán, sự giảm sút tăng trưởng của 2 khu vực này làm cho tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm giảm 0,8 điểm phần trăm so với mức tăng cùng kỳ năm trước.

Giả sử không có thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường biển, nông nghiệp giữ được tốc độ tăng trưởng như cùng kỳ năm trước là 2,22%, thì sẽ đóng góp thêm vào GDP khoảng 0,35 điểm phần trăm.

Nếu giá dầu không giảm sâu và kéo dài, công nghiệp khai khoáng giữ mức tăng trưởng 8,48%, thì sẽ đóng góp thêm vào GDP khoảng 0,45 điểm phần trăm.

Còn nếu không có sự cố ô nhiễm môi trường biển gây cá chết hàng loạt tác động tiêu cực đến hoạt động du lịch của 4 tỉnh miền Trung, thì dịch vụ sẽ tăng trưởng và đóng góp cao hơn.

Do đó, Chính phủ nhìn nhận mức tăng 5,52% là tích cực, thể hiện nền kinh tế vẫn đang trong đà hồi phục. Nhưng trong ngắn hạn, tăng trưởng GDP tạm thời bị giảm sút do các nguyên nhân bất khả kháng như trên, báo cáo viết.

Nợ công có nguy cơ vượt trần vào cuối năm

Theo báo cáo, với mức tăng trưởng kinh tế suy giảm như hiện nay, ảnh hưởng đến các chỉ tiêu về bội chi ngân sách trên GDP sẽ cao hơn mức Quốc hội đề ra. Từ đây cho đến cuối năm 2016, nợ công và nợ Chính phủ cũng có thể vượt trần cho phép.

Hiện tại, nợ công đang ở mức 62,2%, tiệm cận với "ranh giới đỏ" 65% mà Quốc hội đề ra, và đang gia tăng với tốc độ rất nhanh. Dự kiến tổng nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ giai đoạn 2016-2020 xấp xỉ 2 triệu tỷ đồng, khoảng 6,44% GDP.

Trong lúc áp lực trả nợ đang ngày càng nặng nề thì bức tranh thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm lại cho thấy một màu ảm đạm. Tổng thu ngân sách 6 tháng chỉ đạt 476,8 nghìn tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ năm trước trong tất cả các nguồn thu.

Đáng lưu ý, tiến độ thu ngân sách trung ương đạt rất thấp (chỉ khoảng 42% dự toán, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước đạt 46,3%), trong khi đó thu ngân sách địa phương tăng khá so dự toán (đạt 56%) và tăng cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Điều này sẽ gây khó khăn bị động cho việc cân đối ngân sách trung ương.

Trong khi đó, tổng chi ngân sách nhà nước trong 6 tháng đầu năm ước đạt 562,5 nghìn tỉ đồng, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2015 (cùng kỳ tăng 8,2%). Trong đó, chi trả nợ và viện trợ tăng 5,2% (cùng kỳ tăng 18,9%); chi thường xuyên (bao gồm chi cải cách tiền lương) tăng 5% (cùng kỳ tăng 5,2%).

Lạm phát "lăm le" vượt rào

Lạm phát 6 tháng đầu năm ở mức thấp, vẫn trong tầm kiểm soát và cơ bản ổn định. Song nền kinh tế đang tiềm ẩn nhiều yếu tố gây áp lực tăng giá như: giá xăng dầu, giá lương thực, thực phẩm và xu hướng tăng giá dầu thô và mặt bằng giá thế giới,…

Cụ thể, giá dầu thô thế giới đã xuống đáy và đang tăng trở lại, hiện đang dao động quanh mức 45 USD/thùng, thấp hơn cùng kỳ năm trước, nhưng tăng 70% so với mức giá thấp nhất hồi đầu năm.

Dự báo giá dầu thô còn có nhiều biến động khó lường, có thể còn tăng cao hơn trong thời gian tới. Xu hướng tăng của mặt bằng giá thế giới và giá dầu thô sẽ tác động làm tăng giá hầu hết các vật tư, nguyên liệu. Đặc biệt, đối với nước ta đang phải nhập khẩu khoảng 85% nguyên, nhiên liệu, vật tư, thiết bị cho đầu tư, sản xuất kinh doanh, thì việc giá dầu thô tăng trở lại sẽ tác động đẩy chi phí, giá thành sản xuất tăng lên, gây áp lực tăng mặt bằng giá đầu ra.

Việc điều chỉnh tăng giá các mặt hàng do nhà nước quản lý, như: giá dịch vụ y tế dự kiến tăng trong 4 đợt, học phí dự kiến tăng vào tháng 9/2016,... cũng sẽ tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng trong 6 tháng cuối năm.

Ngoài ra, hậu quả thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng cả đến vụ hè thu, vụ mùa và đến nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản, làm giảm sản lượng, gây áp lực tăng giá lương thực, thực phẩm.

Tin mới lên