Ngân hàng

Tăng vốn ngân hàng trước nỗi lo ‘thất thoát vốn Nhà nước’

(VNF) – Nỗi lo "thất thoát vốn Nhà nước" đang là cản bước tăng vốn đối với những ngân hàng có vốn Nhà nước như BIDV hay Vietcombank, không chỉ gây khó khăn cho tiến độ đáp ứng chuẩn Basel II, mà còn ngăn cản việc tạo nguồn lực xử lý nợ xấu khi BIDV, Vietcombank phải nhận sáp nhập, tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém.

Tăng vốn ngân hàng trước nỗi lo ‘thất thoát vốn Nhà nước’

Tiến trình tăng vốn của BIDV, Vietcombank vẫn chịu ám ảnh lớn từ nỗi lo "thất thoát vốn Nhà nước"

Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) vừa diễn ra mới đây lại tiếp tục nóng chuyện tăng vốn, khi kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu đã "lỡ hẹn" theo chỉ đạo chia cổ tức bằng tiền mặt từ Bộ Tài chính, sau nhiều lần kế hoạch tăng vốn bằng phương thức bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài bất thành.

Về bản chất, tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu không làm tăng vốn chủ sở hữu, vì thế mà vai trò của việc này không quá quan trọng với BIDV, có chăng chỉ là việc thay vì chia cổ tức bằng cổ phiếu, BIDV lại phải rút tiền chia cổ tức bằng tiền mặt, khiến vốn chủ sở hữu giảm đi.

Vấn đề lớn nhất với BIDV lúc này là tăng vốn điều lệ thông qua chào bán cổ phần riêng lẻ bởi Nhà nước không thể bỏ tiền ngân sách ra tăng vốn cho BIDV, phương án tăng vốn cấp 2 thì bị kẹt bởi đã chạm giới hạn cho phép.

Tăng vốn ngân hàng thông qua chào bán cổ phần riêng lẻ, dù chào bán cho nhà đầu tư trong nước hay đa phần như hiện nay là chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài, trước nay luôn vướng nỗi lo "thất thoát vốn Nhà nước".

BIDV là trường hợp còn dư địa bán cổ phần rất lớn, lên tới gần 30%, tuy vậy nhiều năm nay, dù đã qua nhiều lần đám phán với hàng chục định chế tài chính nhưng vẫn chưa tìm được đối tác phù hợp.

Theo ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc BIDV, một trong những khó khăn của BIDV trong vấn đề tăng vốn là yêu cầu về giá từ Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính. Cụ thể, giá bán cổ phần phải không thấp hơn giá cổ phần đang giao dịch trên thị trường, với BIDV là không thấp hơn thị giá cổ phiếu BID trên sàn HoSE.

Sở dĩ có yêu cầu này là do đa phần tài sản của BIDV vẫn thuộc sở hữu Nhà nước (trên 95%), nếu bán cổ phần dưới giá thị trường thì ngân hàng này không tránh khỏi việc bị cho là "làm thất thoát vốn Nhà nước".

BIDV chịu ảnh hưởng từ nỗi lo này, ở cả khía cạnh khách quan và chủ quan.

BIDV

Chưa có hướng dẫn rõ ràng về vấn đề bán cổ phần dưới thị giá đối với các ngân hàng có vốn Nhà nước như BIDV

Ở khía cạnh khách quan, thông thường, các ngân hàng như BIDV luôn hướng đến việc bán trọn lô lớn cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Theo quy luật thị trường, mua với số lượng lớn luôn phải có giá thấp hơn mua lẻ. Thế nhưng quy định hiện hành lại chưa cho phép bán cổ phần dưới thị giá, hay ít nhất là chưa có hướng dẫn cụ thể, dù điều này là tuân theo quy luật khách quan.

Chủ quan, như chia sẻ của ông Phan Đức Tú tại đại hội đồng cổ đông 2017, BIDV phải chịu ảnh hưởng từ việc nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (MHB), khiến bộ máy nhân sự mở rộng thêm 3.760 người (tăng thêm khoảng 20% nhân sự), chất lượng tài sản cũng bị ảnh hưởng. Điều này tác động tới giá bán cổ phần BIDV trong quá trình đàm phán với đối tác nước ngoài.

Sáp nhập MHB là "nhiệm vụ chính trị", nhưng lại ảnh hưởng tiêu cực về mặt kinh tế đối với BIDV, dù thế, BIDV vẫn không có "cơ chế đặc thù" nào cho phép giảm giá bán cổ phần vì "nhiệm vụ chính trị" này.

Nỗi lo "thất thoát vốn Nhà nước" cách đây không lâu đã vận vào một ngân hàng có vốn Nhà nước khác là Vietcombank. Quá trình đàm phán bán 7,73% cổ phần cho đối tác ngoại gần như đã hoàn tất, bỗng chốc giá cổ phiếu tăng cao khiến Vietcombank phải hoãn lại thương vụ để chờ phê duyệt từ Ngân hàng Nhà nước. Đến nay, thương vụ vẫn trong trạng thái chờ đợi.

Vướng mắc từ nỗi lo "thất thoát vốn Nhà nước" rõ ràng cần được tháo gỡ ngay, hay ít nhất là có hướng dẫn cụ thể từ Ngân hàng Nhà nước. Đây là vấn đề hệ trọng với các ngân hàng có vốn Nhà nước, không chỉ để đáp ứng yêu cầu vốn theo chuẩn Basel II, mà còn để tạo nguồn lực xử lý nợ xấu. Như trường hợp của BIDV là nợ xấu từ "nhiệm vụ chính trị" sáp nhập MHB, hay như Vietcombank cũng đang đăng ký tái cơ cấu một tổ chức tín dụng yếu kém như một "nhiệm vụ chính trị".

Tin mới lên