Bất động sản

Tạo đột phá cho cụm cảng Cái Mép – Thị Vải: ‘Bao giờ có đường sắt Biên Hoà – Vũng Tàu?’

(VNF) - “Dù đường sắt là phương thức vận tải chủ lực, nhưng tại Cụm cảng Cái Mép – Thị Vải và cảng Lạch Huyện vẫn chưa có đường sắt kế nối. Điều này gây lãng phí, giảm năng lực vận chuyển hàng hoá”, TS Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội nhận định

Tạo đột phá cho cụm cảng Cái Mép – Thị Vải: ‘Bao giờ có đường sắt Biên Hoà – Vũng Tàu?’

“Khoảng trắng” đường sắt tại các cảng biển

Trao đổi với VietnamFinance, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể từng chia sẻ: “Từ thời Pháp thuộc, chỉ có mấy cảng biển mà họ vẫn làm đường sắt vào cảng. Bây giờ, trục đường Bắc – Nam thông suốt, nhiều cảng biển nhưng vẫn không có đường sắt vào cảng thì làm sao phát huy logistic? Trong khi, đường sắt đóng vai trò vận tải lớn”.

Nói như nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Lã Ngọc Khuê nghe khá chua xót, “không những không xây dựng thêm 1 km đường sắt mới nào mà họ còn phá dỡ đi những tuyến đường sắt mà Pháp đã xây dựng. Đây là sự phát triển “thụt lùi” bởi đường sắt là phương thức vận tải lớn, làm xương sống vận tải cho quốc gia”.

“Về tương lai, bên cạnh các phương thức vận tải lớn như đường thuỷ nội địa, đường sắt sẽ đóng vai trò quan trọng để giảm tải cho hệ thống đường bộ. Nên nhớ, vận tải đường sắt bao giờ an toàn, chi phí thấp. Tuy nhiên, điểm vướng mắc lớn nhất đó là bốc xếp tại 2 đầu bến”.

Riêng đối với cụm cảng Cái Mép – Thị Vải và nhóm cảng biển số 5, trong bối cảnh đường bộ tê liệt, đường sắt là “khoảng trắng”, thì phần lớn hàng hoá vận tải xuống đường thuỷ nội địa. Dù đã phát huy một số hiệu quả tích cực, tuy nhiên, chỉ phương thức này không đủ sức “chia lửa” khi cụm cảng đang phát triển nhanh chóng.

Trong 5 năm qua, lượng hàng hoá tại Cái Mép – Thị Vải tăng  quân khoảng 16%/năm. Công suất khai thác hàng hóa xuất nhập khẩu của các bến cảng container tăng từ hơn 20% lên hơn 55%.

“Cái Mép -Thị Vải liên tục nằm trong top các cảng tăng trưởng nhanh nhất thế giới (theo Alphaliner). Năm 2016, cụm cảng được đánh giá là cảng tăng trưởng nhanh nhất thế giới với mức tăng trên 35%,”, Thứ trưởng Bộ giao thông vận tải Nguyễn Văn Công chia sẻ.

Chính vì sự tăng trưởng mạnh mẽ đó, việc cần thiết xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc và đường sắt kết nối tới Cái Mép – Thị Vải càng trở nên cấp bách. Sự chậm trễ này sẽ gây tổn thất lớn cho hệ thống cảng và quá trình phát triển dịch vụ logistics.

"Mòn mỏi" chờ tuyến đường sắt Biên Hoà – Vũng Tàu

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, hiện tuyến đường sắt Biên Hoà – Vũng Tàu đã được Chính phủ cho phép sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Hàn Quốc (DEEP) thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA). Về phương án đầu tư, phía Hàn Quốc đề xuất theo mô hình PPP, trong đó tách riêng phần vốn ODA và phần khu vực đầu tư tư nhân.

Ông Kim Hyun Jeong, Viện nghiên cứu đường sắt Hàn Quốc cho biết: "Bên cạnh tuyến đường sắt Biên Hoà – Vũng Tàu, chúng tôi đang nghiên cứu tuyến Phước Tân - Vũng Tàu và quy hoạch tuyến mới Dĩ An - Phước Tân".

"Tuyến đường sẽ kết nối khu vực đất liền từ các cảng chính vận chuyển hàng hóa container Thị Vải và cảng Cái Mép tại TP. HCM; kết nối với tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh theo quy hoạch và ga Dĩ An (Bình Dương)".

“Dự án sẽ đi qua địa bàn 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đoạn chính tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu dài 95,42 km gồm 12 ga, vận tốc thiết kế 160km/h, khổ đường ray là 1.435 mm. Quá trình thực hiện dự án chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ Dĩ An - Tân Mai - Thị Vải dài 62,42 km; giai đoạn 2 từ Thị Vải - Vũng Tàu dài 33 km”, ông Kim Hyun Jeong nói.

Về phương án cho phép đầu tư tư nhân, ông Kim Hyun Jeong cho rằng: " Chính phủ có thể tăng trợ giá để tư nhân có thể tham gia theo hình thức BOT hoặc BLT (xây dựng - chuyển giao - cho thuê)".

"Tuy nhiên, nếu theo hình thức BLT sẽ thu hút được khu vực tư nhân nhiều hơn do rủi ro kinh doanh thấp hơn”, ông Kim Hyun Jeong nói.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đánh giá: “Việc sớm xây dựng tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu là rất cần thiết giúp giải phải toán logistic cho Cái Mép - Thị Vải nói riêng và nhóm cảng số 5 nói chung. Đầu tư đường sắt tuyến này là khả thi, dủ sức thu hút tư nhân tham gia”.

Cảng Cái Mép - Thị Vải liên tục tăng trưởng

Ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải VN) cho biết, sau 5 năm triển khai Đề án nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác cảng biển nhóm 5 và các bến cảng tại Cái Mép - Thị Vải tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng bình quân 16%/năm. Công suất khai thác hàng hóa xuất nhập khẩu của các bến cảng container tăng từ hơn 20% lên hơn 55%.

Riêng 6 tháng đầu năm 2019, tổng khối lượng hàng hóa xếp dỡ qua cảng đạt 50,3 triệu tấn. Trong đó, hàng container đạt 13,1 triệu tấn, tăng 24% (tương ứng 1,6 triệu TEUs). Hàng hóa thông qua bằng tàu biển cũng tăng hơn so với trước, đạt 34 triệu tấn.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đạt được ngày càng khả quan, nhưng tiềm năng phát triển còn rất lớn. Hiện các tuyến vận tải kết nối còn kém nên hàng hóa vẫn tập trung nhiều ở khu vực TP. Hồ Chí Minh dẫn đến tình trạng quá tải hệ thống hạ tầng giao thông.

Tin mới lên