Trong cuộc phỏng vấn riêng của Đầu tư Tài chính, PSG.TS Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ tham mưu Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách để huy động và thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo theo tinh thần bảo đảm đối xử bình đẳng, tạo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch giữa cơ sở giáo dục, đào tạo công lập và ngoài công lập

01


Giáo dục là ngành nhận được mối quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Trong thời gian tới, Bộ trưởng sẽ ưu tiên cho những nội dung công việc nào?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Bộ GDĐT đã ban hành Chương trình hành động của Bộ GDĐT triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong đó xác định 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo. Để thực hiện thành công Chương trình này, chúng tôi tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, đó là: Đổi mới về thể chế, trong đó tập trung điều chỉnh phương thức quản lý nhà nước với các cơ sở giáo dục theo hướng phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tự giải trình, tự chịu trách nhiệm trên cơ sở kiểm tra, kiểm soát chất lượng; Phát triển nguồn nhân lực lấy trọng tâm là phát triển đội ngũ các nhà giáo; Tăng cường cơ sở vật chất; và Triển khai chuyển đổi số.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường, bám sát tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh theo Nghị quyết số 128/NQ-CP, Bộ đã ban hành các văn bản chỉ đạo các tỉnh/thành phố thực hiện các biện pháp củng cố, tăng cường chất lượng dạy và học khi học sinh trở lại trường học tập, và hướng dẫn tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục14. Tiếp đó, Bộ đã ban hành công văn đề nghị các địa phương báo cáo việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, phối hợp với Bộ Y tế để thống nhất các nội dung đảm bảo an toàn học đường cho học sinh, sinh viên học tập trực tiếp.

Cùng với chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29, bộ đang thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn của ngành, trong đó, tập trung và quyết tâm triển khai thành công Chương trình GDPT 2018.

02

Việt Nam đã và đang dành nguồn lực công đáng kể để đầu tư cho lĩnh vực giáo dục. Trong kế hoạch đầu tư phát triển chung của ngành trong thời gian tới, Bộ trưởng và ngành sẽ ưu tiên cho những lĩnh vực nào?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Với quan điểm “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm, chăm lo, đầu tư cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã nêu: Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách.

Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế, nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn hạn chế nên việc lựa chọn ưu tiên đầu tư là việc cần phải làm. Một trong những ưu tiên trước mắt của ngành Giáo dục là tập trung cho kiên cố hóa trường lớp, xóa lớp học tạm ở các vùng khó khăn và là đầu tư để đảm bảo có đủ số lớp học phục vụ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo thống kê từ các địa phương, giai đoạn 2021-2025, số lượng phòng học cần xây dựng để thay thế các phòng học tạm thời, phòng học bán kiên cố đã hết niên hạn sử dụng, đang xuống cấp, phòng học nhờ, mượn, thuê là 66.412 phòng; số lượng phòng học cần xây dựng bổ sung để đủ số phòng học trên lớp và số học sinh mỗi lớp không vượt quá quy định của từng cấp học là 76.745 phòng. Ngoài ra, nhu cầu về phòng học bộ môn, trang thiết bị, bàn ghế học tập tối thiếu cần được trang bị cũng rất lớn.

03

Bên cạnh đầu tư công, các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng đã và đang đầu tư rất lớn vào lĩnh vực này, đặc biệt trong vòng 10 năm trở lại đây. Từ góc nhìn của nhà quản lý và là chuyên gia về giáo dục, ông đánh giá thế nào về xu hướng này?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Bộ GDĐT sẽ tham mưu Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách để huy động và thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo. Bảo đảm đối xử bình đẳng, tạo môi trường cạnh tranh công bằng, minh bạch giữa cơ sở giáo dục, đào tạo công lập và ngoài công lập. Khuyến khích phát triển các loại hình trường ngoài công lập đáp ứng nhu cầu xã hội về giáo dục chất lượng cao ở những nời có điều kiện.

Trong khoảng chục năm qua, hệ thống các trường ngoài công lập từ mầm non đến đại học không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng giảm gánh nặng cho hệ thống các trường công lập. Đặc biệt là ở các thành phố lớn, có mật độ dân số đông, các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Tính đến cuối năm học 2020-2021, số cơ sở giáo dục ngoài công lập chiếm tỷ lệ gần 10% trong tổng số các cơ sở giáo dục trên toàn quốc. Ở bậc học mầm non, hệ thống các cơ sở giáo dục ngoài công lập hiện chiếm gần 15% và gia tăng rất nhanh trong những năm gần đây, đặc biệt ở nhóm lớp độc lập tư thục.

Không chỉ gia tăng về số lượng, hệ thống giáo dục ngoài công lập cũng từng bước khẳng định chất lượng. Nhiều trường đã chú trọng đầu tư phát triển cơ sở vật chất, điều kiện dạy học, tìm tòi ứng dụng các phương pháp dạy học tiên tiến, thúc đẩy dạy học ngoại ngữ, các hoạt động trải nghiệm cho học sinh, sinh viên.

Các chính sách về hợp tác đầu tư trong giáo dục ngày càng rộng mở, thuận lợi đã mở đường cho hệ thống giáo dục quốc tế phát triển tại Việt Nam. Hiện, tại Việt Nam có 339 cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn có vốn đầu tư nước ngoài… Ngoài ra, đầu tư nước ngoài dưới hình thức liên kết đào tạo ở bậc đại học cũng phát triển nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội, đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho đất nước.

Trong thời gian tới, Bộ GDĐT bằng các giải pháp quản lý sẽ tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách liên quan để tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo; trong đó bao gồm cả các giải pháp quản lý về chất lượng đào tạo.

04

Nhu cầu phát triển nội tại của đất nước và bối cảnh hội nhập, cạnh tranh mới đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ và kỹ năng quốc tế. Bộ trưởng và ngành sẽ làm gì để góp phần giải quyết bài toán quan trọng này?

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Vai trò, trọng trách của ngành Giáo dục là rất lớn trong thực hiện yêu cầu đó.

Triển khai nhiệm vụ này, những năm qua, Bộ GDĐT đã xây dựng, ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học xây dựng nội dung, triển khai đào tạo các ngành mới, thay đổi phương pháp đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Từ đây, các cơ sở giáo dục đại học đã thực hiện điều chỉnh cơ cấu ngành nghề, đổi mới chương trình đào tạo, gắn đào tạo với thị trường lao động. Các trường đại học cũng đã chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục đại học còn hạn chế; các điều kiện đảm bảo chất lượng chưa tương xứng với yêu cầu; đồng thời có sự khác biệt rất lớn về chất lượng đào tạo giữa các trường đại học. Yêu cầu đặt ra với các cơ sở giáo dục đại học trong thời gian tới là phải trở thành cầu nối gắn kết giữa phát triển giáo dục đào tạo với phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy hơn nữa tự chủ đại học; tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục đại học. Đồng thời, kết nối với các bộ, ngành dự báo nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao cho từng lĩnh vực và khu vực, đảm bảo cơ cấu ngành nghề, hoàn thiện trình Chính phủ quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và cơ sở đào tạo giáo viên phù hợp với dự báo. Ngoài ra, tập trung đầu tư trọng điểm vào các ngành, trường đào tạo mũi nhọn, ưu tiên ngành công nghệ cao, đáp ứng yêu cầu nhân lực của công nghiệp 4.0.