Tiêu điểm

Tập đoàn Công Thanh 'kêu cứu' UBND tỉnh Thanh Hoá

(VNF) - Trước nguy cơ bị thu hồi Cảng chuyên dụng Công Thanh, ngày 30/8/2018, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công Thanh Nguyễn Công Lý đã có đơn kêu cứu gửi với UBND tỉnh Thanh Hoá, yêu cầu xin được giữ lại cảng, vì đây là công trình quan trọng phục vụ cho nhiều nhà máy của Tập đoàn tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

Tập đoàn Công Thanh 'kêu cứu' UBND tỉnh Thanh Hoá

Sơ đồ thiết kế bến cảng Công Thanh đã được Cục hàng hải Việt Nam, Bộ GTVT phê duyệt

Mỗi năm mất trên 200 tỷ đồng để thuê cảng

Công văn ghi rõ: Bến cảng chuyên dùng Công Thanh là kết cấu hạ tầng quan trọng, không thể thiếu của việc vận hành và phát triển các Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh, Xi măng Công Thanh đảm bảo cho hoạt động xuất, nhập sản phẩm và cung ứng nhiên liệu phục vụ vận hành nhà máy.

“Hiện mỗi năm, Tập đoàn Công Thanh mất trên 200 tỷ đồng để thuê lại các khu bến cảng trong Khu kinh tế Nghi Sơn. Vì thế, việc xây dựng một bến cảng chuyên dùng hiện đại, quy mô là rất cần thiết đối với Tập đoàn”, ông Lý nói.

Căn cứ vào nhu cầu thực tiễn đó, ngày 13/3/2018, Công ty Nhiệt điện Công Thanh đã gửi Công văn số 05/NĐCT và các tài liệu liên quan đến Bộ giao thông vận tải (GTVT), Cục hàng hải Việt Nam xin chấp thuận đầu tư bến cảng chuyên dùng tại Khu cảng chuyên dùng Nghi Sơn – Thanh Hoá.

Ngày 22/5/2018, Cục hàng hải Việt Nam đã tổ chức cuộc họp với Công ty CP Nhiệt điện Công Thanh, Công ty xi măng Nghi Sơn, Tổng công ty ĐTXD và thương mại Anh Phát, Cảng vụ hàng hải Thanh Hoá, Công ty Hoa tiêu, Đảm bảo hàng hải, Công ty CP Tư vấn xây dựng cảng – đường thuỷ (TEDI PORT) cùng các đơn vị liên quan đã thống nhất các nội dung về: Quy hoạch mặt bằng khu cảng chuyên dùng cho cỡ tàu 50.000 DWT đầy tải và 70.000 DWT hạ tải.

Các bên cũng thống nhất các phương án sử dụng chung tuyến luồng chuyên dụng của Công ty xi măng Nghi Sơn theo bản vẽ đề xuất. Qua đó, đến ngày 28/6/2018, Cục hàng hải Việt Nam đã có công văn số 2565/CHHVN-KHĐT đề nghị lên Bộ GTVT chấp thuận.

Sau 2 tháng thẩm định, Bộ GTVT đã có văn bản số 9298/BGTVT – KHĐT về việc “Ý kiến về sự phù hợp quy hoạch của bến cảng chuyên dùng – Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh tại Nghi Sơn”.

Tại Công văn này, Bộ GTVT đã thống nhất cơ bản về đầu tư bến cảng chuyên dùng Công Thanh phù hợp với quy hoạch chi tiết cảng biển đã được phê duyệt và đề nghị phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hoá thống nhất cụ thể về các nội dung về vị trí, quy mô, lượng hàng, khoảng cách an toàn và ra chủ trương đầu tư. Bộ GTVT cũng yêu cầu với Cục hàng hải Việt Nam chỉ đạo các doanh nghiệp liên quan thống nhất về phương án sử dụng chung luồng hiện hữu.

Cảng chuyên dùng Công Thanh quy mô cỡ nào?

Trao đổi với VietnamFinance, ông Nguyễn Công Lý, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công Thanh chia sẻ, ngay sau khi được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương và có những chỉ đạo cụ thể thực hiện Cảng chuyên dùng Công Thanh.

Công ty CP Nhiệt điện Công Thanh đã có văn bản số 31/NĐCT – QLDA ngày 30/8/2018 gửi UBND tỉnh Thanh Hoá đề nghị chấp thuận đầu tư Cảng chuyên dùng Công Thanh tại Nghi Sơn.

Đáng chú ý, trong văn bản này, ông Nguyễn Công Lý thể hiện khát vọng đầu tư thực sự khi trình bản vẽ toạ độ bến cảng được Tư vấn TEDI PORT, Cục hàng hải Việt Nam và Bộ GTVT chấp thuận.

Theo đó, về quy mô Cảng sẽ xây dựng 2 cầu bến tiếp nhận cỡ tàu từ 30.000 – 50.000 DWT đầy tải và đến 70.000 DWT giảm tải. Sau khi hoàn thành, 2 bến chuyên dụng sẽ thông qua lượng hàng khoảng 6,8 triệu tấn/năm.

Trong đó, lượng hàng Nhà máy xi măng Công Thanh là 6,05 triệu tấn/năm, Nhà máy Nhiệt điện Công Thanh là 2,9 triệu tấn/năm; lượng hàng qua bến tổng hợp số 6 khoảng 1,4 triệu tấn/năm và lượng hàng đi bằng đường bộ khoảng 700 nghìn tấn/năm.

Vị trí cụ thể đã được Bộ GTVT và Cục hàng hải Việt Nam chấp thuận, trong đó, khoảng cách an toàn từ cảng chuyên dụng đến cảng dầu khí Công ty Anh Phát theo quy hoạch giai đoạn 1 là 1.000m, giai đoạn 2 là 610,4m và đảm bảo an toàn theo Nghị định số 13/2011/NĐ-CP ngày 11/2/2011 của Chính phủ.

“Trước những khát vọng đầu tư chính đáng và mong muốn đóng góp cho sự phát triển chung của tỉnh Thanh Hoá, Khu kinh tế Nghi Sơn, tạo thêm nhiều việc làm ổn định đời sống người dân khu vực, Tập đoàn Công Thanh mong muốn UBND tỉnh Thanh Hoá chấp thuận đầu tư để doanh nghiệp có căn cứ triển khai thực hiện các bước tiếp theo”, ông Nguyễn Công Lý kiến nghị.

Tin mới lên