Tài chính quốc tế

Tập đoàn nước ngoài tại Trung Quốc ‘méo mặt’ vì Covid-19

Việc Mỹ - Trung ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một vào hôm 15/1 đã mang lại lạc quan cho nhiều tập đoàn nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc. Tuy nhiên theo nhận định ông Paul Sives thuộc Văn phòng thương mại Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc, những hy vọng của của các tập đoàn trên dường như đã ‘chết yểu’ khi dịch viêm phổi Covid-19 bùng phát khiến mức thiệt hại của các tập đoàn này ‘tăng gấp đôi’.

Tập đoàn nước ngoài tại Trung Quốc ‘méo mặt’ vì Covid-19

Dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc mất đi lợi nhuận. Ảnh: Bloomberg

Dù nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc đang cố hoạt động trở lại, song nhiều tập đoàn nước ngoài đã chịu thiệt hại nặng nề. Nhiều công ty đã phàn nàn về việc chuỗi sản xuất đã bị gián đoạn, và các biện pháp khẩn cấp được đưa ra để giúp các công ty tái hoạt động đang dẫn tới chi phí sản xuất tăng, trì hoãn dài việc giao hàng và cuối cùng là mất đi các khách hàng.

“Một số công ty đã chuyển các dây chuyền sản xuất của họ ra nhiều nơi khác trên thế giới, nhằm cung cấp những hàng hóa mà họ không thể xuất đi từ Trung Quốc”, SCMP trích lời ông Sives nói.

Trong khi việc sản xuất hàng hóa đang dần trở lại bình thường, thì các điều kiện gắn liền với việc tái hoạt động như nhiều công ty được yêu cầu cần phải cung cấp khẩu trang cho người lao động, hay tiến hành kiểm tra nhiệt độ thường xuyên những công nhân, cũng đang tạo ra một số vấn đề cho các doanh nghiệp này.

Ông Sives nêu ra một ví dụ về một công ty của EU được yêu cầu luôn phải có sẵn một xe ô tô để đưa nhưng người bị nghi nhiễm bệnh tới bệnh viện. Ngoài ra, công ty này cũng cần phải cung cấp quần áo bảo hộ cho các công nhân, dù hiện nay trang phục y tế đang thiếu hụt trầm trọng ở những bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19.

“Sẽ tốt hơn nếu chúng ta tiếp cận một cách thống nhất hơn, và từng khu vực cần áp dụng các chính sách tiêu chuẩn nhằm giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về những gì họ cần phải làm. Tất cả chúng tôi cũng muốn hỗ trợ các chính sách, chúng tôi muốn đảm bảo virus không phát tán, nhưng chúng tôi muốn điều này mang tính hợp lý”, ông Sives nói thêm.

Chính quyền Bắc Kinh từng thông báo với các doanh nghiệp rằng, bất kỳ người lao động nào từ vùng dịch quay trở lại làm việc cũng đều phải cách ly trong hai tuần. Các công ty cũng đã được yêu cầu về việc nộp các kế hoạch dự phòng cho những cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, theo ông Sives, việc này đang thiếu định hướng. “Chúng tôi không có những hướng dẫn cụ thể để lập ra kế hoạch khẩn cấp, và mỗi khu vực có những yêu cầu khác nhau”, ông Sives nói.

Những lo ngại trên của ông Sives cũng được Phòng Thương mại Anh tại Trung Quốc nhắc tới vào hôm 25/2 khi kết quả khảo sát từ 135 công ty Anh cho thấy, việc thiếu hụt khẩu trang y tế đang là vấn đề ngăn cản các công ty tái hoạt động.

Ngoài ra theo ông Sives, việc cắt giảm các chuyến bay quốc tế đi và đến Trung Quốc cũng đang gây ra thiệt hại. Một số công ty đã phải đặt đơn vận chuyển từ các hãng chuyển phát nhanh trước hai tuần để có thể đưa sản phẩm của họ tới các khách hàng ngoài Trung Quốc, và điều này đã khiến thời gian giao hàng kéo dài gấp 2-3 lần.

Đồng thời với việc nhiều nhà cung cấp nguyên liệu tại Trung Quốc đóng cửa, khiến cho một số công ty nước ngoài phải vật lộn trong việc tìm các nguồn cung cấp nguyên liệu và linh kiện cần thiết. Và đây là khó khăn cho nhiều doanh nghiệp nhỏ, bởi “họ không có các nhà máy nằm bên ngoài Trung Quốc, nên họ chỉ có thể dựa vào Trung Quốc”.

SCMP cho biết, có khoảng 25% công ty được khảo sát bởi Phòng thương mại Anh nói rằng lợi nhuận năm nay của họ sẽ tụt khoảng 20%, trong khi hơn một nửa số công ty được khảo sát đưa ra mức tụt lợi nhuận sẽ ở khoảng hơn 10%. Và dù Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 10/2 tuyên bố sẽ giúp đỡ các doanh nghiệp nước ngoài đối phó với tác động từ bệnh dịch, thì các doanh nghiệp này vẫn phải chờ đợi.

Tin mới lên