Bất động sản

Tập đoàn Rạng Đông bị tố cáo sai phạm tại Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết

Nngày 11/3, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã phối hợp với đại diện Viện KSND tối cao, Sở TN-MT Bình Thuận, UBND TP.Phan Thiết tiến hành đo đạc lại vị trí của Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.

Tập đoàn Rạng Đông bị tố cáo sai phạm tại Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết

Một góc Khu đô thị du lịch biển hiện do Tập đoàn Rạng Đông đầu tư

Ngày 11/3, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã chụp không ảnh bằng flycam, đo đạc lại vị trí, tọa độ của toàn bộ Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết để so sánh với bản đồ tỷ lệ 1/500 được cơ quan có thẩm quyền cấp phép cho chủ đầu tư là Tập đoàn Rạng Đông làm khu đô thị này.

“Hô biến” sân golf thành khu đô thị

Dự án sân golf Phan Thiết được Ủy ban Nhà nước về hợp tác đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cấp phép cho Công ty Regent International Overseas Corp (của tỷ phú Mỹ Larry Hillblom) từ năm 1993.

Bên cạnh sân golf này còn có một khách sạn được xây dựng cùng thời điểm đó là khách sạn Phú Thủy, nay là Ocean Dunes. Ngày 8/9/2013, Công ty Regent International Overseas Corp, Công ty Golf, câu lạc bộ (CLB) Golf Phan Thiết và Công ty CP Rạng Đông (Tập đoàn Rạng Đông) ký hợp đồng chuyển nhượng vốn điều lệ của Công ty Golf, CLB Golf Phan Thiết.

Theo đề nghị của Tập đoàn Rạng Đông, ngày 4/3/2014, UBND tỉnh Bình Thuận họp với các sở, ngành lấy ý kiến về việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sân golf Phan Thiết từ đất văn hóa thể thao, sang đất ở đô thị. Sau đó, xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận về việc chuyển đổi đất sân golf Phan Thiết sang đất ở đô thị.

Ngày 14/2/2015, Bộ TN-MT có công văn trả lời: “Đối với dự án đầu tư đã được nhà nước cho thuê đất, trả tiền thuê đất hằng năm khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất phi nông nghiệp, không phải là đất ở, sang đất ở để thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới thì không phải thực hiện thủ tục thu hồi, bồi thường giải phóng mặt bằng để đấu giá quyền sử dụng đất”.

Từ phản hồi này, ngày 10/4/2015, UBND tỉnh Bình Thuận có quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất sân golf sang đất ở đô thị, với diện tích 620.056 m2.

Người dân tố cáo sai phạm gì?

Trong số những lá đơn tố cáo các sai phạm từ dự án này, có đơn của ông Đinh Trung, nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận. Trong đơn đề ngày 2/1/2019 (khi đó gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Trần Hồng Hà), ông Đinh Trung cho hay có biểu hiện tiêu cực, lợi ích nhóm giữa một vài cán bộ lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận và Tập đoàn Rạng Đông.

Cụ thể, sân golf Phan Thiết là đất nhà nước cho thuê, trả tiền hằng năm, thời hạn 50 năm, hoạt động từ năm 1997. Theo quy hoạch của Chính phủ thì sân golf này là đất thể dục thể thao. Tuy nhiên, từ ngày 15/11/2013, UBND tỉnh Bình Thuận cho chuyển nhượng vốn sang Công ty CP Rạng Đông. Giấy chứng nhận đầu tư ghi rõ: “Xây dựng và kinh doanh một sân golf đạt chuẩn quốc tế và các công trình phụ kèm theo”.

Ngày 6/3/2014, Báo Thanh Niên có bài viết Xóa bỏ sân golf của tỷ phú Mỹ xây dựng tại Bình Thuận: Xây nhà hay xây công viên? Tại thời điểm đó, trả lời PV Thanh Niên, đại diện UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, sân golf này không hiệu quả, thua lỗ, ô nhiễm, lại không giải quyết được công ăn việc làm cho người dân, phá bỏ theo đề nghị của nhà đầu tư là phù hợp.

Tuy nhiên, lúc đó có nhiều ý kiến ngược lại. Ông Nguyễn Văn Thu, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, thời điểm đó cho hay việc cho phá bỏ sân golf sang làm khu đô thị là một sai lầm về quy hoạch. Cũng trả lời Thanh Niên thời điểm đó, các nguyên chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Trần Văn Hải, nguyên quyền chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Trần Khán đều cho rằng nếu kinh doanh không hiệu quả thì trả lại đất cho tỉnh làm công viên, tạo mảng xanh cho thành phố biển.

Chỉ hơn 2 tuần sau, tức ngày 2/12/2013, Công ty CP Rạng Đông có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho chuyển đổi sân golf sang đất ở đô thị để “đầu tư xây dựng và kinh doanh biệt thự, nhà vườn nhà phố, nhà cao tầng”.

Ngày 5/3/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận có Thông báo số 75 đồng ý với kiến nghị trên của Rạng Đông. Nhưng trước đó, tức ngày 1/3/2014, Công ty CP Rạng Đông đã có thông báo chấm dứt hoạt động của Công ty CP Rạng Đông kể từ ngày 1/4/2014.

Ngày 7/5/2014, Thông báo số 394 của Tỉnh ủy Bình Thuận đồng ý cho phép UBND tỉnh lập tờ trình kiến nghị Thủ tướng loại bỏ sân golf Phan Thiết ra khỏi quy hoạch đến năm 2020 nhằm lấy đất làm khu đô thị. Ông Đinh Trung cho rằng quá trình làm thủ tục nhanh như vậy có biểu hiện “cấu kết, móc ngoặc giữa các cán bộ lãnh đạo UBND tỉnh và chủ đầu tư”.

Thu hồi đất không đấu giá, giao đất giá “bèo”?

Trong đơn kiến nghị gửi Thủ tướng, ông Đinh Trung trình bày, UBND tỉnh Bình Thuận không tiến hành thu hồi đất để đấu giá quyền sử dụng đất, mà giao thẳng cho Tập đoàn Rạng Đông; đồng thời định giá đất không có căn cứ, không sát với giá thị trường thời điểm đó (giao với giá 2,7 triệu/m2).

Toàn bộ sân golf diện tích 620.056 m2 được chuyển sang đất ở nằm trên trục đường Tôn Đức Thắng và đại lộ Nguyễn Tất Thành, có một mặt biển tiếp giáp bãi biển Đồi Dương. Theo đó, tại thời điểm mà UBND tỉnh giao đất sân golf cho Rạng Đông thì giá đất tại khu vực này thấp nhất từ 10 - 25 triệu đồng/m2. Thực tế, ngay sau khi phân lô, chủ đầu tư bán với giá trên 30 triệu đồng/m2.

Một nội dung nữa mà theo ông Đinh Trung là rất quan trọng đó là theo quy định, dự án này phải dành 20% quỹ đất để xây dựng các công trình nhà ở xã hội. Tuy nhiên, UBND tỉnh Bình Thuận đồng ý cho Tập đoàn Rạng Đông hoán đổi 20% diện tích đất này sang một nơi khác (giá trị thấp hơn), để lấy trọn 20% đất của dự án (vốn giá rất cao) nhằm chia lô bán thương mại.

Tin mới lên