Bất động sản

Tập đoàn Sao Mai tính rót tiền làm khu đô thị 310ha ở quê Chủ tịch HĐQT

(VNF) - Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai (HoSE: ASM) vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Thanh Hóa xin chấp thuận chủ trương lập quy hoạch khu đô thị mới tại xã Nguyên Bình và xã Xuân Lâm, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa.

Tập đoàn Sao Mai tính rót tiền làm khu đô thị 310ha ở quê Chủ tịch HĐQT

Tập đoàn Sao Mai tính làm khu đô thị 310ha tại Tĩnh Gia, Thanh Hóa

Trước đề xuất này, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao UBND huyện Tĩnh Gia tổ chức, rà soát nhu cầu thực tế về phát triển đô thị, tái định cư tại khu vực xã Nguyên Bình và xã Xuân Lâm, huyện Tĩnh Gia với diện tích khoảng 310ha.

Trường hợp Tập đoàn Sao Mai quan tâm công tác quy hoạch tại địa phương, có nhu cầu tài trợ kinh phí tổ chức lập quy hoạch chi tiết khu vực nêu trên theo quy định; tính chất chức năng khu vực lập quy hoạch chi tiết tuân thủ theo quy định chung được Thủ tướng phê duyệt.

Trong quá trình lập quy hoạch chi tiết, Chủ tịch tỉnh yêu cầu Tập đoàn Sao Mai tính toán bố trí đất ở mới, tái định cư theo nhu cầu của địa phương, các chỉ tiêu sử dụng đất công cộng cấp đơn vị ở, nhà ở xã hội tính toán đảm bảo theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Vượt mặt nhiều đại gia địa ốc, Sao Mai “chơi lớn” tại Thanh Hóa

Tại Thanh Hóa, Tập đoàn Sao Mai đã rót hàng nghìn tỷ đồng đầu tư nhiều dự án tầm cỡ. Có thể kể đến như dự án khu đô thị Sao Mai xã Xuân Thịnh và xã Thọ Dân, huyện Triệu Sơn với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 và giai đoạn 2 hơn 1.200 tỷ đồng, tổng diện tích 52ha. Đây là dự án khu đô thị gần sân bay Sao Vàng nhất, tính đến thời điểm này.

Tiếp đó là dự án khu đô thị Minh Sơn tại thị trấn Triệu Sơn có tổng vốn đầu tư ban đầu gần 500 tỷ đồng, diện tích 45ha.

Hay gần đây nhất, Tập đoàn Sao Mai đã được tỉnh Thanh Hóa cho phép lập hồ sơ xin thuê đất đợt 1 dự án khu Resort Sao Mai Thanh Hóa tại xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân.

Dự án khu resort Sao Mai Thanh Hóa (tên gọi tắt khu du lịch sinh thái Vua Lê) được xây dựng trên diện tích khoảng 100ha, có tổng vốn đầu tư gần 1.500 tỷ đồng.

Giai đoạn 1, Sao Mai sẽ quy hoạch 63ha để xây dựng các phân khu trung tâm điều hành, khu dịch vụ, trung tâm tổ chức sự kiện, khách sạn (5 sao, 280 phòng), nhà hàng nổi, khu làng Việt, khu biệt thự bốn mùa, khu Villa, khu tắm khoáng, khu Bungalow trên hồ, sân golf và công viên cây xanh…

Phối cảnh khu du lịch sinh thái Vua Lê.

Ngoài bất động sản, tại Thanh Hóa, Tập đoàn Sao Mai còn lấn sân sang lĩnh vực y tế. Cụ thể, tháng 7/2018, Sao Mai thực hiện hợp tác với các tập đoàn của Đức để xây dựng mô hình Bệnh viện kỹ thuật số đầu tiên tại Việt Nam (Bệnh viện Quốc tế Sao Mai). Dự án này có tổng diện tích gần 4 ha, giai đoạn 1 có quy mô 250 giường, vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng đặt tại vị trí đắc địa khu vực huyện Triệu Sơn và Thọ Xuân.

Tiếp theo sau Bệnh viện quốc tế là chợ Sao Mai. Nơi đây sẽ thay thế cho chợ Đà hiện đã xuống cấp không còn phù hợp cho tiến trình hiện đại hóa tại Triệu Sơn. Chợ Sao Mai được quy hoạch sẽ trở thành trung tâm mua sắm phục vụ cho nhu cầu giao thương hàng hóa của các cư dân lân cận kể cả khách du lịch quá cảnh sân bay Thọ Xuân.

3/5 nhân sự HĐQT Sao Mai gốc Triệu Sơn

Theo tìm hiểu, Tập đoàn Sao Mai (tiền thân là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Sao Mai tỉnh An Giang) được ông Lê Thanh Thuấn thành lập và điều hành vào đầu năm 1997. Ban đầu, nhân sự của Sao Mai chỉ có dưới 50 người với vốn điều lệ 905 triệu đồng sau đó tăng lên vài tỷ đồng, hoạt động chủ yếu là thi công xây lắp công trình.

Đến thời điểm hiện tại, vốn điều lệ công ty đạt 2.419,3 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh đóng góp doanh thu chủ đạo là thủy sản, thương mại và bất động sản.

Ông Lê Thanh Thuấn, Tổng giám đốc Tập đoàn Sao Mai quê Triệu Sơn.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 vừa qua, ông Lê Thanh Thuấn - cổ đông sáng lập, đã rời chức vụ Chủ tịch HĐQT ASM và nhường lại ghế cho con gái là bà Lê Thị Nguyệt Thu. Như vậy, sau hơn 22 năm hình thành và phát triển, lần đầu tiên ASM có nữ Chủ tịch.

Điều đáng chú ý, Triệu Sơn, Thanh Hóa là quê hương của Chủ tịch HĐQT ASM Lê Thị Nguyệt Thu và cha bà - ông Lê Thanh Thuấn - cổ đông sáng lập ASM.

Nhân sự trong HĐQT ASM (nhiệm kỳ 2019 - 2024), tính cả ông Lê Thanh Thuấn, gồm 3/5 nhân sự gốc Triệu Sơn, Thanh Hóa, đó là bà Lê Thị Nguyệt Thu (con ruột ông Thuấn) và bà Hoàng Thị Thanh, thành viên độc lập HĐQT.

Cơ cấu cổ đông tập đoàn tính đến ngày 20/3/2019 gồm 5 cổ đông lớn là ông Lê Thanh Thuấn, Thành viên HĐQT, Tổng giám đốc (19,31%), Võ Thị Thanh Tâm – vợ ông Thuấn (5,20%), Lê Thị Nguyệt Thu – con ruột (5,33%), Lê Thị Thiên Trang – con ruột (5,14%), Lê Tuấn Anh – con ruột (7,41%).

Về hoạt động kinh doanh của ASM, trong quý III/2019, tập đoàn vẫn ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất trên 3.331 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận gộp tăng 14% đạt 335 tỷ đồng. Cùng với đó, doanh thu từ hoạt động tài chính cũng tăng từ 53,4 cùng kỳ lên 76 tỷ đồng trong quý này.

Tuy nhiên chi phí lãi vay quý III chiếm 87 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức 56 tỷ cùng kỳ năm ngoái. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng lần lượt tăng 25% và 35%.

Đáng chú ý, trong quý này, mảng hoạt động khác đưa về khoản lỗ hơn 11 tỷ cho Sao Mai (quý III/2018 mảng này vẫn mang lại lợi nhuận trên 16,5 tỷ đồng).

Do đó, lợi nhuận quý III/2019 của ASM giảm nhẹ 4% so với quý III/2018, đạt 177,6 tỷ đồng.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của ASM đạt tới 10.453 tỷ đồng, gấp đôi doanh thu đạt được trong cùng kỳ 2018, thế nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 45%, ở mức 601,9 tỷ đồng, chủ yếu do doanh thu hoạt động tài chính giảm trong khi chi phí lãi vay lại tăng mạnh. Trong 9 tháng, ASM phải gánh 234 tỷ đồng chi phí lãi vay, tăng 90% so với cùng kỳ 2018.

Tin mới lên