Tài chính

Tập đoàn Xây dựng SCG báo lãi sau thuế 24 tỷ đồng

(VNF) – Kết năm 2022, Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng SCG (HNX: SCG) đạt doanh thu 1.950 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 24 tỷ đồng.

Tập đoàn Xây dựng SCG báo lãi sau thuế 24 tỷ đồng

Tập đoàn Xây dựng SCG: Lần đầu nếm mùi thua lỗ, lộ rõ các vấn đề tài chính

Thị trường không đẹp như dự tính

Nếu theo dõi đại hội đồng cổ đông thường niên của SCG, nhà đầu tư hẳn vẫn còn nhớ dự tính của lãnh đạo công ty này về bài toán kinh doanh năm 2022.

Theo đó, lãnh đạo SCG tính toán rằng công ty sẽ có doanh thu khoảng 4.200 tỷ đồng, đến từ các dự án như: Golden River (dự kiến 434 tỷ đồng), Sunshine Finance (dự kiến 562 tỷ đồng), Green Iconic (dự kiến 300 tỷ đồng), Diamond River (dự kiến 425 tỷ đồng), Sunshine City Sài Gòn (dự kiến 280 tỷ đồng), Metaland Đà Nẵng (dự kiến 300 tỷ đồng).

Ngoài ra, công ty còn các dự án như: Sunshine Capital Thăng Long, Sunshine Capital Thanh Hóa… cũng có triển vọng mang về doanh thu lớn.

Với biên lợi nhuận 4% - 5%, công ty sẽ có mức lợi nhuận khoảng 189 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thị trường xây dựng – bất động sản lại không vận hành theo tính toán của doanh nghiệp này. Những diễn biến quá bất ngờ đã khiến những tham vọng ban đầu đổ bể mà hệ quả nặng nề nhất rơi vào quý IV.

Theo đó, quý IV/2022, doanh thu thuần của SCG chỉ đạt 109 tỷ đồng, giảm tới 86% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu doanh thu cho thấy sự “sụp đổ” của mảng xây lắp với doanh thu giảm 91% (chỉ đạt 56 tỷ đồng, tương đương với mảng thiết kế, thi công nội thất, vốn chỉ chiếm 10% tổng doanh thu kỳ trước). Lợi nhuận gộp giảm 87%, chỉ đạt 8 tỷ đồng.

Trong quý, hoạt động tài chính rất nổi bật với doanh thu đạt 108 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần. Phần lớn của doanh thu này chỉ là lãi ứng trước từ khoản tạm ứng 30% trong hợp đồng với Công ty Sunshine Marina Nha Trang.

Trong khi đó, chi phí tài chính cũng tăng rất mạnh (tăng 2,2 lần), đạt 92 tỷ đồng, chủ yếu do sự xuất hiện của chi phí lãi vay. Chi phí quản lý cũng tăng thêm 12%, đạt 27 tỷ đồng. SCG cũng phải gánh thêm khoản lỗ khác 4 tỷ đồng.

Kết quả là quý IV/2022, SCG lỗ trước thuế 7,5 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 47 tỷ đồng); lỗ sau thuế 43 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 37 tỷ đồng), đánh dấu quý lỗ đầu tiên kể từ khi thành lập.

Lũy kế năm 2022, doanh thu thuần của SCG đạt 1.950 tỷ đồng, giảm 32%; lợi nhuận gộp đạt 132 tỷ đồng, giảm 45% so với năm trước. Biên lợi nhuận gộp đạt 6,7%, giảm so với mức 8,47% của năm trước.

Công ty có doanh thu tài chính 268 tỷ đồng, tăng 59%. Song, các loại chi phí tăng rất mạnh: chi phí tài chính đạt 225 tỷ đồng, tăng 48%; chi phí quản lý 86 tỷ đồng, tăng 56% và khoản lỗ khác 7 tỷ đồng.

Hệ quả là lợi nhuận bị bào mòn dữ dội. Kết năm 2022, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 80 tỷ đồng, giảm 60%; lợi nhuận sau thuế chỉ 24 tỷ đồng, giảm 85% so với năm trước.

Nhắc lại, năm 2022, SCG đặt mục tiêu doanh thu 4.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 189 tỷ đồng. Như vậy, công ty mới chỉ hoàn thành 46% mục tiêu doanh thu và 12% mục tiêu lợi nhuận.

92% tài sản là khoản phải thu, nợ vay gấp 5,5 lần vốn chủ

Không chỉ có kết quả kinh doanh kém sáng, năm 2022, tình hình tài chính của SCG cũng bộc lộ rõ nhiều vấn đề.

Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của SCG đạt 7.500 tỷ đồng, tăng 54% so với đầu năm. Các khoản phải thu chiếm tới 92,4% tổng tài sản – một tỷ trọng báo động. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn đạt 6.675 tỷ đồng, tăng 59%; các khoản phải thu dài hạn đạt 256 tỷ đồng.

Đó là chưa kể hàng tồn kho đạt 267 tỷ đồng, tăng 46% và chiếm 3,5% tổng tài sản.

Nợ phải trả tại ngày 31/12/2022 đạt 6.360 tỷ đồng, tăng 69% so với đầu năm. Lớn nhất trong đó là nợ vay, đạt 3.585 tỷ đồng, tăng 2,2 lần. Như vậy, có tới 85% tài sản của SCG được tài trợ bằng nợ phải trả, riêng nợ vay tài trợ 48%!

Với vốn chủ sở hữu tại ngày kết năm 2022 là 1.140 tỷ đồng, tăng thêm 34 tỷ đồng so với đầu năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 5,57 lần, tăng mạnh so với mức 3,36 lần của đầu năm. Đây là một hệ số rất lớn, kể cả với ngành thâm dụng vốn như xây dựng.

Dòng tiền kinh doanh năm 2022 của SCG cũng rất xấu khi âm 1.688 tỷ đồng (là năm âm thứ 3 liên tiếp), chủ yếu do tăng các khoản phải thu (2.002 tỷ đồng), tăng hàng tồn kho (84 tỷ đồng), chi trả lãi vay, phát hành trái phiếu (204 tỷ đồng).

Để có tiền hoạt động, SCG đã phải đẩy dòng tiền đi vay lên 2.061 tỷ đồng và hạ thấp dòng tiền trả nợ gốc vay xuống chỉ còn 85 tỷ đồng (giảm 76%). Tuy vậy, lưu chuyển tiền thuần trong năm vẫn âm tới 198 tỷ đồng khiến tiền và tương đương tiền cuối năm sụt rất mạnh so với đầu năm (-87%) chỉ còn 29 tỷ đồng.

Tin mới lên